“Nhanh lên, nhanh lên nào. Vân Vương cần trang điểm đậm hơn nữa. Cái áo kia không phải là của Hoa Tường”, tiếng quát lớn vang lên trong hậu trường một đêm diễn thời trang tổ chức tại tỉnh Cát Lâm. Chỉ có điều đó là tiếng quát dành cho các người mẫu nhí vào thời điểm 22h ngày mùa đông giá rét cuối năm 2018.
Nhóm các người mẫu nhí khác dặn nhau im lặng đứng chờ phần biểu diễn của mình. Các em có thể chờ đến 2-3 tiếng chỉ để trình diễn 3 phút trên sàn catwalk.
“Ở đây, chúng tôi đòi hỏi sự chuyên nghiệp. Các bé còn nhỏ nhưng không kém cạnh bất kỳ siêu mẫu hàng đầu nào về khả năng catwalk”, một người làm trong nghề đào tạo mẫu nhí ở Cát Lâm tự tin nói trên Sina.
Tại Trung Quốc, trẻ em làm trình diễn thời trang chuyên nghiệp đang là ngành nở rộ và dễ kiếm việc nhất.
Công nghiệp thời trang nhí nở rộ đầy khắc nghiệt
Luật Lao động Trung Quốc cấm chủ doanh nghiệp thuê trẻ em dưới 16 tuổi làm việc, ngoại trừ vài dịch vụ đặc thù như thể thao, trình diễn nghệ thuật, bao gồm việc làm mẫu và diễn xuất.
Ở Trung Quốc, cơ quan chức năng chưa có bất kỳ văn bản chỉ đạo cụ thể nào hướng dẫn rõ thời gian làm việc của các cô bé, cậu bé khi catwalk. Theo Makerting to China, từ năm 2010, thời trang dành cho các bé trở thành ngành hot.
Tuần lễ thời trang Bắc Kinh, Tuần lễ thời trang Thượng Hải hay các sàn diễn danh giá đều có sân chơi riêng dành cho các bé. Cung có, ắt hẳn có cầu. Nhiều gia đình khá giả sẵn sàng chi bộn tiền đầu tư cho con cái diễn thời trang.
Không khó để tìm thấy một website tìm kiếm người mẫu nhí ở Trung Quốc. Càng không khó để các bậc cha mẹ đăng ký cho con vào các công ty chuyên nghiệp trong lĩnh vực mẫu nhí.
Họ tin rằng điều đó giúp các bé sớm có những kinh nghiệm chuyên nghiệp trong ngành thời trang nói riêng và giới showbiz nói chung. Đối với các cô bé, cậu bé, trình diễn thời trang trở thành “nghề vui” và đầy tự hào.
“Cháu thích mặc những bộ váy đẹp và được mọi người vỗ tay cổ vũ”, cô bé 11 tuổi Quách Huệ phấn khích nói trên báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng. Quách Huệ tâm sự giấc mơ của bé là trở thành diễn viên nổi tiếng hoặc siêu mẫu hàng đầu.
Đó cũng là giấc mơ của rất đông các em nhỏ có cuộc sống khá giả ở Trung Quốc. Các bé có thể dành hàng tiếng đồng hồ luyện catwalk, tập đi trước ống kính và tự thưởng cho mình những tràng vỗ tay.
Còn cha mẹ các bé mơ về một tương lai sáng sủa khi nghề diễn viên, siêu mẫu có thù lao cao hơn rất nhiều so với bác sĩ, luật sư. “Cháu luôn tưởng tượng giây phút được xuất hiện trước đám đông. Điều đó khiến cháu tự hào. Cha mẹ cũng tự hào khi nhìn cháu”, Quách Huệ nói thêm.
Phản cảm khi trẻ em phục vụ nhu cầu người lớn
Xu thế thời trang dành cho trẻ em tại Trung Quốc bắt nhịp nhanh với thế giới. Thậm chí, để thu hút khách, các hãng còn sẵn sàng chạy đua thị hiếu “ngoài kiểm soát”. Tại Hà Bắc, show Bí mật thiếu nhi được quảng bá sẽ hấp dẫn không kém gì Victoria’s Secret Fashion Show.
Khán giả có mặt đã bàng hoàng khi thấy các bé gái xuất hiện trong trang phục nội y, khoác thêm đôi cánh thiên thần, trang điểm rất đậm và sải bước trên đôi giày cao lênh khênh. Mẫu nhí nhỏ nhất khoảng 5 tuổi, bé lớn hơn là 10 tuổi.
Nhiều phụ huynh bất bình khi thấy các bé bước lúng túng, thân hình trẻ em nhưng cố tạo dáng gợi cảm trưởng thành như các thiên thần nội y.
Nhân Dân nhật báo bất bình: “Nhìn thấy mà đau lòng. Thẩm mỹ thời trang này tột cùng là dành cho các bé hay phục vụ như cầu thị hiếu của người lớn?’.
Trang báo lớn Trung Quốc cho rằng đây là hiện tượng đáng buồn của làng mẫu nhí nước này.
“Ai cũng mong nổi tiếng, các bé có thể trình diễn với mọi tư thế nhưng gợi cảm và quyến rũ không dành cho tuổi nhi đồng. Những show diễn tương tự đang phá hủy thế hệ mầm non”, Nhân Dân nhật báo phê bình gay gắt.
Tân Hoa Xã tin rằng lạm dụng mời các bé tham gia diễn thời trang sẽ tạo định hướng sai lầm khi trưởng thành. Năm 2013, Pháp thông qua quy định cấm các cuộc thi sắc đẹp dành cho trẻ dưới 16 tuổi.
Búp bê Barbie từng được yêu thích nhiều năm qua. Nhưng Barbie cũng bị phản ứng khi “định hướng giá trị lệch lạc về sắc đẹp, đưa ra chuẩn gầy thon”. Đó là lý do búp bê Barbie phiên bản mập mạp được ra đời.
Chính quyền Trung Quốc trong vài năm gần đây liên tục thắt chặt các chương trình truyền hình sử dụng trẻ em tham gia, yêu cầu có sự đồng ý của cơ quan chủ quản. Nhân Dân nhật báo nhấn mạnh cơ quan chức năng cần siết chặt hơn nữa các hoạt động biểu diễn thời trang, vốn đang được quản lý rất lỏng lẻo tại quốc gia này.
Bình luận