Theo bà Thanh Hương, ca khúc này rất có ý nghĩa đối với cuộc đời nhạc sĩ Thuận Yến. Nói đến nhạc sĩ Thuận Yến mọi người sẽ nghĩ ngay đến Màu hoa đỏ.
"Ca khúc Màu hoa đỏ, đối với những người lính đã từng trải qua cuộc chiến là khúc tráng ca, là một trang nhật ký đậm màu cuộc sống. Còn với những người chưa từng qua cuộc chiến, bài hát ấy là lời nhắc nhớ về một sự hy sinh 'rực lửa' không được phép quên.
Mỗi lần ca khúc Màu hoa đỏ được biểu diễn là đem lại rất nhiều cảm xúc, xúc động cho người nghe. Vậy vì sao lại bị tạm dừng lưu hành? Tôi không hiểu" - bà Hương cho biết.
Bà Thanh Hương cũng hơi lo ngại khi cho rằng, nếu người ký văn bản cấm ca khúc Màu hoa đỏ là một người trẻ, thì có thể họ đã không hiểu được quá khứ chiến tranh, không hiểu thời kỳ bom đạn đó như thế nào.
Trong khi cuộc sống hiện tại cũng có quá nhiều thứ để giải trí, nếu như những ca khúc một thời của cha ông không được nhắc, không được tuyên truyền thì sẽ dần dần mất gốc, sẽ khiến giới trẻ không biết đến nguồn cội, đến sự hy sinh của cha ông chúng.
Bà Thanh Hương cũng cho biết, hiện tại gia đình sẽ không có ý kiến mà để các cơ quan quản lý vào cuộc, cũng như để người dân, khán giả yêu ca khúc lên tiếng.
Ca khúc Màu hoa đỏ của cố nhạc sĩ Thuận Yến được phổ thơ của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu vào năm 1991.
Năm 1994, ca khúc Màu hoa đỏ đã đoạt giải của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và được trao giải ca khúc xuất sắc của Bộ Quốc phòng.
Bài hát này từng được các ca sĩ Cẩm Vân, Trọng Tấn, Tùng Dương, Hoàng Tôn, Minh Thuỳ… thể hiện. Tuy nhiên, người thực sự làm rực lên được “màu hoa đỏ” của bài hát không ai khác ngoài Thanh Lam - con gái nhạc sĩ Thuận Yến.
Bình luận