Nguyên nhân tàu Moskva bốc cháy cuối ngày 13/4 vẫn còn gây tranh cãi. Bộ Quốc phòng Nga nói kho đạn của tàu đã phát nổ. Trong khi đó thống đốc vùng Odesa, Ukraine, ông Maksym Marchenko, nói tàu bị hai tên lửa Neptune - một hệ thống chống hạm mới của Ukraine - tấn công.
Theo các hãng thông tấn Nga đưa tin cuối ngày 14/4, dẫn nguồn từ Bộ Quốc phòng, con tàu bị chìm trong thời tiết xấu trong khi được kéo trở lại cảng.
Tàu chiến Moskva vốn nổi tiếng từ những ngày đầu xung đột vì cuộc đối đầu với nhóm nhỏ các lính gác Ukraine trên đảo Rắn ở biển Đen, những người được cho là đã “xua đuổi” tàu.
Nay, sự cố mới khiến cái tên này gây chú ý một lần nữa. Dù chưa rõ nguyên nhân, vụ việc có thể trở thành “biểu tượng" tuyên truyền cho Ukraine và làm ảnh hưởng đến danh tiếng của quân đội Nga, cũng như khiến lực lượng thiệt hại về quân sự.
Được đưa vào hoạt động năm 1982 - tàu Moskva lớp Slava (Glory) được tái trang bị vào năm 2010. Tàu cung cấp tổ hợp phòng không tầm xa di động cho phần còn lại của hạm đội, cũng như các hệ thống chỉ huy và kiểm soát.
Theo chuyên gia, những khả năng này không dễ thay thế.
“Đây là lớp tàu duy nhất của hải quân Nga hiện có trang bị hệ thống phòng không tầm xa”, Sidharth Kaushal, nghiên cứu về các lực lượng trên biển tại Viện Dịch vụ Hoàng gia Anh, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại London, cho biết. “Điều đó quan trọng bởi vì đối với loại hoạt động mà hạm đội biển Đen được xây dựng để thực hiện, Moskva có khả năng tạo ra năng lực phòng không cho phần còn lại của hạm đội, đồng thời cung cấp quyền chỉ huy và kiểm soát”.
Mặc dù Moskva có hai tàu chị em, nhưng cả hai đều không ở biển Đen, và không thể di chuyển vào đây, vì theo quy định của công ước Montreux năm 1936, Thổ Nhĩ Kỳ đang hạn chế việc tiếp cận qua eo biển Bosporus đối với các tàu hải quân Nga.
Nhưng đối với cuộc xung đột, hải quân Nga có vai trò tương đối nhỏ, theo Bloomberg. Lực lượng được sử dụng chủ yếu như một nguồn bổ sung các bệ phóng tên lửa hành trình để tấn công các mục tiêu trên khắp Ukraine. Trong đó, tàu Moskva có thể mang tên lửa chống hạm. Tàu từng trở thành mũi nhọn để sử dụng chống lại các hạm đội tàu sân bay Mỹ trong thời kỳ chiến tranh Lạnh.
Hạm đội biển Đen Nga tấn công Odessa nhiều lần từ khi chiến dịch quân sự bắt đầu nhưng không thành công. Theo Kaushal, điều đó phần lớn là do khả năng đổ bộ 3.000 quân của hạm đội quá nhỏ để có thể hành động nếu không kết hợp với tấn công trên bộ. Trong khi đó, các lực lượng trên bộ của Nga liên tục bị chặn tại Mykolaiv.
Bloomberg dẫn nguồn tin thân cận với Bộ Quốc phòng Nga, cho rằng dù có hoặc không có tàu Moskva, các cuộc tấn công Odesa từ biển cũng đều gặp khó khăn. Vì vậy tổn thất này chỉ mang tính biểu tượng.
Tuy nhiên, Nga chỉ có một số lượng nhỏ những con tàu tương tự và chưa có khả năng đóng tàu của thời Liên Xô, nguồn tin nói.
Một dự án chế tạo tàu khu trục có kích thước tương tự các tàu tuần dương lớp Slava đã bị hoãn lại. Trong khi đó, các thiết kế cho tàu sân bay thế hệ tiếp theo mang tên Storm vẫn còn trên giấy. Nếu không tiếp cận được nhà máy đóng tàu và nhà sản xuất động cơ tuabin khí tại Mykolayiv, Nga sẽ phải tự trang bị khiến cho việc sản xuất những tàu như Moskva trở nên khó khăn hơn.
Các biện pháp trừng phạt áp đặt đối với Nga là một yếu tố phức tạp khác. Các tàu hải quân của họ dựa vào số lượng đáng kể các bộ phận và công nghệ nhập khẩu từ những quốc gia đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu công nghệ.
Bình luận