Nguy cơ mất nhà 12,2 tỷ đồng
Theo bà Xuân, năm 2013, bà vay của ông Hàn Dũng Quang (ở số 472/50 Cách Mạng Tháng Tám, P.11, Q.3, TP.HCM) 1,6 tỷ đồng, một năm sau số tiền phải trả 1.864.000.000 đồng.
Để đảm bảo cho số nợ trên, ông Quang yêu cầu bà Xuân ký hợp đồng mua bán căn nhà của bà với giá bằng với số tiền vay (có công chứng đầy đủ), nhưng đồng thời ký riêng một hợp đồng “tay” nêu rõ việc ký hợp đồng mua bán chỉ nhằm mục đích đảm bảo cho khoản vay.
Sau gần một năm vay nợ, đến hạn trả (tháng 10/2014), bà Xuân liên hệ nhưng ông Quang luôn tìm cách trì hoãn, thậm chí rời khỏi nơi cư trú để... không nhận tiền trả nợ.
Tháng 8/2015, bà Xuân bất ngờ bị Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) khởi kiện yêu cầu tòa án phát mãi căn nhà của bà để thu hồi nợ, do đối tượng vay vốn mất khả năng chi trả.
Bà Xuân tìm hiểu thì “tá hỏa” khi biết ông Quang mang giấy tờ nhà thế chấp ngân hàng để bảo lãnh cho Công ty cổ phần dược phẩm Việt Tâm (số 184 đường Bông Sao, P.5, Q.8, TP.HCM) vay nợ.
Tổng giá trị nhà và đất lúc này được ngân hàng Agribank định giá khoảng 12,2 tỷ đồng. Nhưng đến hạn, Công ty Việt Tâm không trả được nợ. Do đó, Agribank đã khởi kiện ra Toàn án nhân dân (TAND) Q.8, yêu cầu phát mãi nhà của bà để thu hồi nợ.
Sơ thẩm tuyên vô hiệu, phúc thẩm công nhận
Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm ngày 30/9/2016, TAND Q.8 nhận định, các bên điều biết hợp đồng mua bán nhà là giả tạo nhằm che đậy hợp đồng vay mượn tiền. Trong khi Agribank có quyền và nghĩa vụ thẩm định khi cấp phát hạn mức tín dụng nhưng không thẩm định đúng theo quy định tại Điều 94 Luật các tổ chức tín dụng là cũng có lỗi.
Cuối cùng, tòa tuyên vô hiệu hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất giữ Agribank với Công ty Việt Tâm và ông Quang.
Thế nhưng, tại phiên tòa phúc thẩm ngày 15/3/2017, TAND TP.HCM cho rằng, giao dịch này không phải là giao dịch giả tạo. Đồng thời cho rằng, trong hợp đồng thỏa thuận với bà Xuân, ông Quang chỉ bị hạn chế quyền không được chuyển nhượng, mua bán nhưng không bị hạn chế quyền được thế chấp tài sản.
Tòa phúc thẩm TAND TP.HCM tuyên phía ngân hàng thắng kiện. Cho phép ngân hàng được phát mãi tài sản để thu hồi nợ.
Không đồng ý với bản án phúc thẩm, bà Xuân làm đơn khiếu nại giám đốc thẩm, và VKSND Cấp cao tại TP.HCM đã có quyết định kháng nghị theo hướng hủy toàn bộ hai bản án sơ, phúc thẩm để xem xét lại.
Theo VKSND Cấp cao tại TP.HCM, tòa án cấp sơ thẩm cho rằng Hợp đồng chuyển quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở là vô hiệu do che giấu giao dịch vay tiền là có căn cứ.
Bởi việc ký hợp đồng mua bán căn nhà chỉ là hình thức bảo đảm việc vay mượn tiền. Mặt khác, giá trị chuyển nhượng chỉ có 1,6 tỷ đồng nhưng chỉ 6 tháng sau theo hợp đồng thế chấp giữa Agribank với ông Quang được xác định giá trị căn nhà lên đến 12,2 tỷ đồng. Giá trị chênh lệch hơn 7 lần, rõ ràng là có vấn đề.
VKSND Cấp cao tại TP.HCM cũng yêu cầu phải làm rõ hiện trạng tài sản chuyển nhượng và việc thanh toán giao nhận tài sản giữa các bên để xác định giao dịch giữa bà Xuân và ông Quang có phải là hợp đồng giả cách nhằm che đậy hợp đồng vay tiền hay không.
Theo Luật sư Nguyễn Thị Thiên Thanh - Đoàn Luật sư TP.HCM, khoản 2 Điều 462 Bộ Luật dân sự có quy định: “trong thời hạn chuộc lại, bên mua không được bán, trao đổi, tặng cho, cho thuê, thế chấp, cầm cố tài sản, phải chịu rủi ro đối với tài sản”.
Như vậy, dù các bên không có thỏa thuận nhưng theo quy định pháp luật, trong thời hạn chuộc lại, bên mua là ông Quang không được thế chấp tài sản.
Nên việc ông Quang thế chấp tài sản trên cho Agribank để bảo lãnh khoản vay tín dụng của Công ty Việt Tâm (còn trong thời hạn chuộc tài sản) là trái luật.
Bình luận