• Zalo

Mất mốc 40 triệu, vàng rẻ nhất 2 tháng

Kinh tếThứ Ba, 18/06/2013 02:04:00 +07:00Google News

(VTC News) - Giá vàng trong nước giảm mạnh, mất ngưỡng 40 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và rơi xuống mức thấp nhất 2 tháng.

(VTC News) - Giá vàng trong nước giảm mạnh, mất ngưỡng 40 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và rơi xuống mức thấp nhất 2 tháng.

Vàng rẻ nhất 2 tháng

Từ đầu giờ sáng hôm nay, giá vàng trong nước giảm hơn 200.000 đồng/lượng và mất ngưỡng 40 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào. Như vậy, giá vàng đã rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 2 tháng trở lại đây.

Tới 12h ngày 18/6, sau nhiều lần điều chỉnh, giá vàng tại công ty vàng bạc Bảo Tín Minh Châu giảm 250.000 đồng/lượng. Giá vàng SJC: 39,99 triệu đồng/lượng - 40,12 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Giá vàng rồng Thăng Long (bao gồm cả vàng miếng và nhẫn tròn trơn), có tốc độ giảm chậm hơn, đồng loạt mua bán ở mức: 37,80 triệu đồng/lượng - 38,05 triệu đồng/lượng.

Sau khi điều chỉnh giảm hơn 200.000 đồng/lượng, Tập đoàn Doji niêm yết giá vàng tại cả hai thành phố Hà Nội và Tp.HCM ở mức: 40,98 triệu đồng/lượng - 40,12 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC mua vào ở mức thấp nhất. Giá vàng SJC tại Hà Nội: 39,90 triệu đồng/lượng - 40,17 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Giá vàng SJC tại Tp.HCM: 39,90 triệu đồng/lượng - 40,15 triệu đồng/lượng.

Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận cũng niêm yết giá vàng mất ngưỡng 40 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào. Giá vàng SJC: 39,96 triệu đồng/lượng - 40,15 triệu đồng/lượng. Giá vàng Phượng Hoàng PNJ-DAB: 39,45 triệu đồng/lượng - 39,95 triệu đồng/lượng.

 Giá vàng rơi xuống mức thấp nhất 2 tháng
Giá vàng rơi xuống mức thấp nhất 2 tháng 
Giá vàng tại công ty vàng bạc đá quý Sacombank SBJ cũng niêm yết ở mức tương tự. Giá vàng SJC và giá vàng SBJ đồng loạt giao dịch: 39,95 - 40,15 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Hầu hết các cửa hàng vàng đều có mức giá mua vào dưới 40 triệu đồng/lượng. Thị trường ghi nhận chênh lệch giữa giá bán ra và mua vào giảm xuống chỉ còn khoảng 200.000 đồng/lượng. Đây là mức chênh lệch tương đối hợp lý.

Nguyên nhân chính khiến giá vàng trong nước giảm mạnh chính là sự đi xuống của giá vàng thế giới. Lúc này, giá vàng thế giới đang giao dịch ở mức 1.381,9 USD/ounce, giảm 2,8 USD/ounce. Giá vàng chưa có dấu hiệu phục hồi.

Giá vàng giảm khi nhà đầu tư hạn chế giao dịch để chờ các quyết định mà Cục dữ trự liên bang Mỹ (Fed) sẽ công bố sau cuộc họp sắp diễn ra. Nhiều chuyên gia nhận định Fed có thể điều chỉnh quy mô của gói mua tài sản trị giá 85 tỷ USD. Nếu điều đó xảy ra, thị trường vàng sẽ phải đối diện với áp lực lớn.

Hiện tại, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới vẫn đang ở mức khá cao. Giá vàng trong nước đắt hơn giá vàng thế giới khoảng 5,1 triệu đồng/lượng.

USD bắt đầu hạ nhiệt?

Trong khi giá vàng giảm mạnh, USD cũng hạ nhiệt. Sau 4 hôm neo tỷ giá ở mức “kỳ lạ” - giá mua vào và bán ra chỉ chênh lệch 1 đồng, sáng nay, ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã giảm 10 đồng ở chiều mua vào. Cụ thể, tỷ giá tại ngân hàng này niêm yết ở mức: 21,025 - 21,036 đồng.

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vẫn giữ mức chênh giữa giá mua vào và bán ra là 16 đồng. Tỷ giá tại ngân hàng này vẫn 21.020 đồng - 21.036 đồng (mua vào - bán ra).

Dường như USD mới chỉ hạ nhiệt tại Vietcombank. Hai ngân hàng lớn còn lại là ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) vẫn mua vào với giá tương đối cao.

Cụ thể, tỷ giá tại Agribank niêm yết ở mức: 21,035 đồng - 21,036 đồng (mua vào - bán ra), tỷ giá tại Vietinbank giao dịch ở mức: 21,030 đồng - 21,036 đồng (mua vào - bán ra).

Tại hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ, tỷ giá không có sự biến động lớn. Các ngân hàng này vẫn bán ra với mức kịch trần 21,036 đồng và mua vào ở mức thấp hơn của các “ông lớn”.
Mặc dù mới chỉ có Vietcombank hạ nhiệt tỷ giá nhưng nhà đầu tư vẫn kỳ vọng Vietcombank có thể tác động khiến USD tại các ngân hàng bớt nóng.

Ts Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng nhận xét USD tăng nóng trong thời gian này là do nhập khẩu của Việt Nam tăng lên khiến nhu cầu USD tăng. Bên cạnh đó, đây cũng là thời điểm nhiều doanh nghiệp phải trả nợ nước ngoài.

Một vấn đề nữa Ts Hiếu chỉ ra chính là chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới. Ngay cả Ngân hàng trung ương cũng phải nhập khẩu vàng để bán đấu thầu. Ông Hiếu đánh giá tất cả những yếu tố trên có thể cộng hưởng cùng một lúc đẩy tỷ giá lên.

Bên cạnh đó, ông Hiếu cho biết tỷ giá nóng lên cũng có thể có yếu tố đầu cơ. Thế nhưng ông Hiếu khẳng định có lẽ đây không phải là áp lực lâu dài. Vấn đề tỷ giá nóng nhưng chưa tới mức đáng lo ngại.

Mặc dù USD nóng lên nhưng ông Hiếu vẫn khuyên nhà đầu tư không nên đổ xô mua USD mà nên nắm giữ VND vì USD có thể sẽ sớm hạ nhiệt.

Thanh Hà

Bình luận
vtcnews.vn