Mặt đường bị lún, trồi nhựa, lượn sóng, nhấp nhô trông như ruộng bậc thang... là hiện tượng xảy ra khá phổ biến trên nhiều trục đường chính cả nước.
Đường mẫu cũng lún
Trong thời gian gần đây, trên các tuyến quốc lộ (QL), đường trục chính ở phía bắc cũng như ở phía nam, đặc biệt các tuyến đường cửa ngõ phía đông TP.HCM đi Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu... xảy ra hiện tượng mặt đường bị lún, trồi nhựa ở các làn có xe tải nặng lưu thông.
Điển hình tại TP.HCM là đường Mai Chí Thọ (đại lộ Đông Tây), đường Đồng Văn Cống (Liên tỉnh lộ 25 B) và cầu vượt ngã tư Thủ Đức nằm trên trục xa lộ Hà Nội (đã khắc phục xong).
Hiện tượng hằn lún vệt bánh xe cũng đã xảy ra phổ biến trên QL1 ở phía bắc miền Trung, kể cả các dự án đã khai thác hơn 10 năm nay như QL1 đoạn từ Thanh Hóa đến Diễn Châu, QL12 từ Vũng Áng đến cửa khẩu Cha Lo...
Ngay dự án tuyến tránh Vinh và dự án QL1 nam Bến Thủy - bắc Hà Tĩnh, vốn được đánh giá là tuyến đường kiểu mẫu, cũng xuất hiện vệt hằn bánh xe làm ảnh hưởng đến sự an toàn của các phương tiện giao thông.
Đường sụt, lún... khiến giao thông mất an toàn |
Đường Mai Chí Thọ (TP.HCM), đoạn từ cầu vượt Cát Lái đến đường Đồng Văn Cống, đưa vào sử dụng khoảng 5 năm trở lại đây, nay xuất hiện nhiều rãnh sâu, giữa các rãnh là những gờ cao như bờ ruộng (do bê tông nhựa bị trồi lên) khiến ô tô con rất dễ bị chạm gầm khi lưu thông.
Ông Mai Văn Đoàn, Đội trưởng Quản lý vận tải Công ty CP thương mại vận tải Á Đông - doanh nghiệp có xe thường xuyên lưu thông trên đoạn đường Mai Chí Thọ (TP.HCM), bức xúc:“Khó khăn nhất khi lưu thông trên đoạn đường này là muốn chuyển xe qua làn khác cũng không được vì vệt lún có gờ quá cao.
Hơn nữa, do thường xuyên đi trong làn không đúng chuẩn dẫn đến lốp xe nhanh mòn. Tài xế khi chạy có cảm giác không đảm bảo an toàn, dễ dẫn đến va quệt. Với những tài xế chưa quen đường này thì lại càng khó khăn”.
Cần thay vật liệu làm đường
Theo ông Hà Ngọc Trường, Phó chủ tịch Hội Cầu - đường - cảng TP.HCM, tình trạng lún trên đường Mai Chí Thọ ngoài nguyên nhân chính sử dụng bê tông nhựa chưa đúng tiêu chuẩn, còn do dự báo lượng xe tải ra vào Tân Cảng Cát Lái chưa chính xác (dự báo 10.000 xe/ngày nhưng thực tế lên tới 22.000xe/ngày), dẫn đến thiết kế sử dụng lớp bê tông nhựa cho mặt đường chưa phù hợp.
Tại một hội thảo cuối tháng 6 ở TP.HCM, các chuyên gia ngành giao thông cũng nêu thêm nhiều nguyên nhân, trong đó tập trung vào thiết kế, thi công chưa đảm bảo và tình trạng xe quá tải tăng đột biến. Ngoài ra, điều kiện thời tiết, nhiệt độ cao, nhất là khi xe quá tải chạy chậm hoặc dừng quá lâu trong khoảng thời gian nhiệt độ mặt đường lên cao ở mùa khô nóng (theo quan trắc thực tế mặt đường khi trời nắng vào lúc 2 - 3 giờ chiều có thể nhiệt độ tăng lên đến 60-70độ C) làm quá trình hình thành lún vệt bánh xe và phá hủy kết cấu mặt đường tăng nhanh.
Các chuyên gia giao thông đề xuất nhiều giải pháp khắc phục, trong đó quan trọng là kiểm soát chặt chẽ chất lượng thi công nền, móng, mặt đường; khảo sát dòng xe và dự báo lưu lượng xe sát thực tiễn để thiết kế kết cấu mặt đường phù hợp.
Tiếp đến, phải kiểm lại xem quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn cho việc thiết kế, thi công, nghiệm thu bê tông nhựa đã được thiết lập từ lâu, đến nay có còn phù hợp với thực trạng xe cơ giới lưu thông trên đường (lưu lượng xe,kích cỡ xe, tải trọng xe...) hay không?
Trong điều kiện nhiệt độ của lớp bêtông nhựa có thể lên tới gần 70 độ C, để khắc phục các biến dạng lún vệt bánh, trồi nhựa, lượn sóng, nên sử dụng nhựa có tính ổn định nhiệt cao.
Đường Mai Chí Thọ, Q.2, TP.HCM đã bị lún, trồi nhựa, mặt đường biến dạng đã lâu nhưng chưa được khắc phục |
Chậm khắc phục
Trường hợp lún trên đường Mai Chí Thọ (TP.HCM), theo ông Hà Ngọc Trường, để xử lý dứt điểm cần tăng hàm lượng polyme trong kết cấu bê tông nhựa, đồng thời nên cho xe tải đi đều vào các làn.
Còn ông Bùi Xuân Cường, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết: “Phương án khắc phục triệt để tình trạng hằn lún, trồi nhựa trên đường Mai Chí Thọ đã được Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng, UBND TP.HCM thông qua từ vài tháng nay. Theo đó, mặt đường nhựa đoạn giao lộ Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống sẽ được thay thế bằng bê tông xi măng; những chỗ khác thì cào bóc mặt nhựa lên và thay thế bằng polyme”.
Thế nhưng, theo ông Cường, chủ đầu tư (Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP) quá chậm chạp trong việc triển khai sửa chữa; thậm chí ngay cả khi phương án phân luồng, cho xe đi làn khác, đã được Sở GTVT đã thống nhất thông qua 2 tháng nay.
Sở GTVT đã đề nghị chủ đầu tư khẩn trương triển khai sửa chữa mặt đường Mai Chí Thọ trong tháng 7, đồng thời yêu cầu nhà thầu thi công tăng cường thiết bị, tập trung nhân lực, vật tư để đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian thi công so với kế hoạch.
Theo Thanh Niên
Bình luận