Ngay sau khi sự cố mất điện toàn miền Nam và nguyên nhân được EVN đăng tải trên báo chí là do một chiếc xe cần cẩu trồng cây trong khu vực Thành phố mới Bình Dương chạm vào đường dây 500kV ở khoảng trụ 1072-1073 gần trạm biến áp 500kV Tân Định, nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân này cần phải được làm rõ và xem còn nguyên nhân nào khác không.
Cho rằng nguyên nhân EVN đưa ra chưa hợp lý, chuyên gia kinh tế cao cấp Lê Đăng Doanh thẳng thắn nói: “Chiều qua, tôi ở miền Nam và chứng kiến việc mất điện đó, việc giải thích chính thức của EVN là do 1 cái xe cẩu. Vậy câu hỏi đặt ra là hệ thống an ninh điện đã được bố trí tốt chưa? Tại sao đường 500kv lại thấp như vậy vì quy định là cao hơn như thế. Đề nghị EVN làm rõ để xảy ra sự việc tai hại như hôm qua”.
Sự cố mất điện toàn miền Nam có chỉ là do lái xe cẩu vô tình chạm phải? |
“Tôi thực sự thấy lo lắng khi chỉ có một sự cố nhỏ như vậy mà khiến cho hàng loạt tỉnh bị mất điện nhiều giờ. Ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp”, ông Doanh nói.
Theo ông Doanh, có 2 vấn đề mà EVN cần phải làm rõ. Một là an ninh lưới điện hiện nay của EVN có đảm bảo an toàn không? Vì trên thế giới họ thiết kế hệ thống an toàn điện trên nguyên tắc khu biệt hóa, tức là giới hạn tác động luôn nằm trong khung an toàn, hệ thống điện được biệt lập thành hệ thống an ninh điện nhiều lớp để giới hạn vùng an toàn cần có. Vì vậy, một chiếc xe cẩu sẽ khó có thể đi vào khu vực này hoặc có đi vào thì cũng buộc phải giới hạn về chiều cao bao nhiêu mới được phép lưu hành.
|
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng, việc lý giải mất điện do xe cẩu là rất khó nghe, nhưng EVN đã đưa lên như vậy thì chắc họ phải có cơ sở.
“Thật là một sự cố nực cười. Vì mỗi cái xe cẩu mà mất điện 22 tỉnh thành thì hơi vô lý. Tôi nghĩ từng phân khúc điện thì đều có một aptomat nên nếu có sự cố sẽ mất điện từng phần, chứ không thể mất trên diện rộng được”, ông Long bày tỏ.
Cũng theo ông Long, sau sự cố này, ngành điện phải làm rõ lại vấn đề an ninh năng lượng, không thể nói vì chiếc xe cẩu làm điện mất, và hàng nghìn doanh nghiệp phải thiệt hại với số tiền lớn. Ai sẽ chịu trách nhiệm và đền bù cho các doanh nghiệp này?
Cũng theo ông Doanh, sự cố mất điện chiều qua, tuy đến nay vẫn chưa có tính toán cụ thể về thiệt hại, nhưng chắc chắn con số sẽ rất lớn, nhất là với ngành sản xuất thép và xi măng.
Ông Doanh lấy dẫn chứng, một nhà thép đang nung, nếu mất điện thì họ sẽ phải đục cả lò đúc ra và coi như mẻ théo đó sẽ hỏng hết và phải nung lại từ đầu. Thiệt hại kinh tế sẽ rất lớn đối với doanh nghiệp.
“Tôi cho rằng, việc nghi có xe cẩu gây sự cố phải làm rõ ngoài nguyên nhân do chiếc xe cẩu thì còn lý do gì khác không? Cũng qua sự việc này nên có sự điều tra và làm rõ thêm và xem xét thêm hệ thống an ninh điện để tránh phải trả giá lại và trả giá cao như thế”, ông Doanh đề nghị..
Cũng theo ông Doanh, theo Luật điện lực, nếu không phải trường hợp bất khả kháng thì EVN cũng sẽ phải chịu trách nhiệm. Vì vậy, cần phải xem xét xem đây có phải là trường hợp bất khả kháng hay không?
Một độc giả cũng cho rằng lý do EVN đưa ra là không hợp lý: “EVN đừng đổ lỗi do xe cẩu. Cây dầu chỉ có 10m, trong khi theo quy định với đường dây 220 KV khoảng cách thấp nhất so với mặt đất đã là 18m”.
Trong khi đó, trả lời trên báo chí, ông Vũ Ngọc Minh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia luôn khẳng định, đây là trường hợp bất khả kháng.
"Tổng công ty đã giao cho các đơn vị đi kiểm tra từng khu vực, từng vị trí cột, thậm chí soi cả việc phát nhiệt để tránh sự cố chủ quan gây ra. Nhưng thực tế, chỉ cần đứng ở khoảng cách chừng 4m là đã xảy ra phóng điện, gây mất điện", ông Minh nói.
Châu Anh
Bình luận