Theo thống kê của UBND huyện Di Linh (Lâm Đồng), những ngày qua đã có gần 20 ngôi nhà của người dân thôn Gia Bắc 2, xã Tân Nghĩa, bị sập đổ hoặc hư hỏng nặng vì mặt đất tại khu vực này bỗng nứt toác, sụt lún, chạy dài từ đỉnh núi Cổng Trời tới chân hồ thủy điện Đồng Nai 2.
Đến chiều 16/10, người dân địa phương tiếp tục phát hiện thêm những vết nứt "khủng" chạy dài hàng trăm mét tại các thôn Lộc Châu 1, 2 và 3, xã Tân Nghĩa.
Để bảo toàn tính mạng cho nhân dân trong vùng bị ảnh hưởng, UBND huyện Di Linh đang bố trí cấp đất tái định cư cho những hộ này, khuyến cáo người dân không được ở liều trong những căn nhà đang có nguy cơ sập đổ.
Theo ông Lê Viết Phú, Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh, sự việc bắt đầu từ rạng sáng 6/10, tại khu vực thôn Gia Bắc 2, khi người dân địa phương đang ngủ bỗng choàng thức giấc bởi nghe những tiếng lạ phát ra từ lòng đất. Chỉ vài phút sau, mặt đất toàn bộ khu vực rung chuyển mạnh, nổ răng rắc, một số nhà dân trong vùng chao đảo ít phút sau thì sập đổ. Đến ngày 16/10, tại các thôn Lộc Châu 1, 2 và 3 cũng xảy ra tình trạng mặt đất nứt toác khiến người dân trong vùng vô cùng lo lắng.
Những vết nứt "khủng" xuất hiện trên mặt đất khiến cư dân hốt hoảng. |
Ngày 16/10, đoàn công tác liên ngành gồm chuyên viên của các sở: Khoa học - Công nghệ, Tài nguyên - Môi trường, Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đã đến hiện trường vụ trượt, sụt lún đất tại thôn Gia Bắc 2, Lộc Châu 1, 2 và 3 để khảo sát, xác định nguyên nhân. PGS. TS Lê Xuân Thám, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng cho biết, vẫn đang xem xét nghiên cứu, chưa thể có kết luận nguyên nhân xảy ra tình trạng nứt đất kỳ lạ này.
Cơ nghiệp của không ít gia đình giờ thành đống đổ nát |
Theo người dân địa phương, ngày 21/9, hồ thủy điện Đồng Nai 2 bắt đầu tích nước thì rạng sáng 6/10, vùng đất tại khu vực thôn Gia Bắc 2, nơi chỉ cách hồ thủy điện vài trăm mét bắt đầu xuất hiện những vết nứt lớn trên mặt đất.
Theo Kiến thức
Bình luận