Trong họp báo tổ chức đêm 23/2 (giờ Hà Nội), các nhà khoa học NASA tuyên bố phát hiện ra hệ Mặt trời mới, có 7 hành tinh, trong đó có 3 hành tinh có thể tồn tại sự sống.
Hệ ngoại hành tinh (exoplanet) này được đặt tên là Trappist-1, cách Trái đất khoảng 40 năm ánh sáng, đa số tồn tại ở dạng rắn chứ không phải khí và đủ điều kiện có nước dạng lỏng trên bề mặt.
Trong đó, năm ánh sáng là đơn vị đo khoảng cách, được sử dụng phổ biến trong khoa học vũ trụ. Năm ánh sáng là khoảng cách có thể đi được trong 1 năm với vận tốc ánh sáng, quy đổi tương đương 9.460 tỷ km.
Hiện nay, tàu thăm dò ghi giữ kỷ lục về tốc độ của loài người là Juno với vận tốc 265.000 km/h khi bay ngang sao Mộc do tác động của lực hấp dẫn của hành tinh này. Giả sử, nếu tàu này duy trì liên tục được vận tốc đó, thì để đi từ Trái đất tới Trappist-1, con người cần 1.427.924.528 giờ, tương đương 163.000 năm.
Thăm dò ý kiến: Theo bạn, thông tin của NASA này nói lên điều gì?
Tên của hệ hành tinh này được đặt theo kính viễn vọng Trappist đặt tại La Silla, Chile, nơi phát hiện ra chúng. Trong số 7 hành tinh của Trappist-1 có e, f và g có quỹ đạo nằm trong 'vùng sự sống' được đặt tên là Vùng Goldilocks, nơi có nhiệt độ thích hợp và bề mặt các đại dương ở dạng lỏng.
Ngôi sao lùn ở trung tâm Trappist-1 có nhiệt độ khoảng 2.300 độ C và tuổi là 500 triệu năm. Trong khi đó, Mặt trời của chúng ta có độ tuổi lên tới 4,6 tỷ năm và nhiệt độ là 5.500 độ C.
Do nhiệt độ của sao lùn không cao nên trong số 7 hành tinh của Trappist-1, có tới 6 hành tinh nhiệt độ bề mặt dưới 100 độ C.
Hiện nay, kính thiên văn không gian Hubble đang được sử dụng để tìm kiếm các bầu khí quyển xung quanh những hành tinh của Trappist-1. Trong tương lai, các hệ thống kính viễn vọng châu Âu, kính viễn vọng không gian James Webb có thể đủ mạnh để phát hiện ra những yếu tố cần thiết cho sự sống như oxy.
Giáo sư Sara Seager, chuyên gia về khoa học hành tinh và vật lý tại Viện Công nghệ Massachusetts cho biết: "Trong hệ thống hành tinh này, có nhiều hành tinh nằm trong Vùng Goldilocks".
Trong khi đó, Tiến sỹ Michaël Gillon đến từ Đại học Liège, Bỉ cho rằng, những hành tinh này gần nhau đến mức có thể nhìn thấy rõ 'hàng xóm' khi đứng trên bề mặt của chúng, tương tự như cách con người nhìn Mặt trăng.
Video: NASA tuyên bố phát hiện hệ Mặt trời mới
Theo Telegraph, ngoại hành tinh đầu tiên được tìm thấy là vào năm 1992, đến nay con số này đã nâng lên 3.577 hành tinh. Trong số đó, có hơn 10 hành tinh được cho là hội đủ điều kiện để tồn tại sự sống. Tuy nhiên, chỉ có 3 hành tinh có điều kiện lý tưởng như e, f và g trên Trappist-1.
Ngoài ra, các nhà khoa học xác định có khoảng 40 tỷ hành tinh có thể tồn tại sự sống trong thiên hà của chúng ta (Milky Way) và việc phát hiện ra Trappist-1 được cho là bước nhảy vọt trong quá trình tìm kiếm sự sống ngoài Trái đất.
Bình luận