Trên địa bàn TP.Hà Nội hiện nay có 60 tuyến xe buýt hoạt động với 940 xe các loại. Để duy trì hoạt động của xe và góp phần giảm tải phương tiện giao thông cá nhân. Mỗi năm, TP phải chi hàng trăm tỷ đồng bù lỗ và trợ giá cho xe buýt cùng với việc cho quảng cáo trên xe buýt nhằm có thêm thu nhập. Trái ngược với những nỗ lực trên, nguồn thu chính của xe buýt là bán vé lại đang có nhiều điều phải bàn, điển hình là việc nhân viên bán vé trên nhiều tuyến xe đã thu tiền của khách mà không xé vé!
Đi xe buýt cần tiền không cần vé?
Trên trang web xebushanoi.com, diễn đàn về hoạt động của xe buýt thời gian qua liên tục có những dòng phản ánh, bình luận của hành khách đi xe buýt. Nhiều hành khách phản ánh tình trạng nhân viên bán vé thu tiền của hành khách nhưng không xé vé.Khách đi nhiều tuyến xe buýt trên địa bàn Hà Nội mặc dù trả tiền nhưng không được nhân viên xé vé. Ảnh minh họa
Một hành khách có nick huongngoclan cho hay, tuyến xe buýt 42 chạy tuyến Kim Ngưu - Đức Giang nhân viên bán vé tên Phú của xe mang BKS 29LD - 2657 thu tiền vé nhưng không xé vé cho khách. Thậm chí trên diễn đàn này, nhiều hành khách còn đề nghị phong “ma” cho nhân viên trên truyến 60 có lộ trình từ Hoàng Quốc Việt đến Bến xe Nước Ngầm của công ty Bảo Yến bus.
Để tìm hiểu thực hư, phóng viên đã trực tiếp đi 15 tuyến xe buýt trên địa bàn thành phố. Không quá khó để phát hiện được việc làm sai quy định của nhân viên bán vé xe buýt.
Khách lên xe 44 từ điểm dừng xe buýt gần trường ĐH KHXH và NV Hà Nội đến Mỹ Đình thường không được xé vé.
Khoảng 11h ngày 3/8, phóng viên đã lên xe 44 mang BKS 29X - 7744 có lộ trình từ Trần Khánh Dư đến bến xe Mỹ Đình. Điểm mà phóng viên lên xe là bến xe buýt Làng sinh viên Hacinco. Mặc dù không phải là ngày cuối tuần nhưng cũng có đến 7 hành khách lên tại điểm này. Trong đó có 3 hành khách có vé tháng, còn 4 người đi vé ngày. Nhân viên bán vé tên Nguyễn Xuân H nhanh nhẹn xuống hỏi từng người xuống đâu, 2 hành khách người Trung Quốc nói xuống Big C thì được nhân viên này thu tiền và bảo sắp đến nơi rồi. Còn tôi mặc dù đã thông báo đi đến cuối bến nhưng anh phụ xe vẫn thản nhiên thu tiền sau đó nhanh nhẹn quay ngoắt lên phía đầu xe mà không xé vé đưa cho khách.
Suốt lộ trình từ Làng sinh viên Hacinco đến Mỹ Đình có đến mấy chục khách nhưng cũng chẳng ai được xé vé.
Chúng tôi còn đi thêm nhiều tuyến xe buýt khác và tình hình cũng diễn ra tương tự. Chỉ nguyên buổi sáng ngày 5/8, chúng tôi mất gần 70 nghìn đồng cho các nhân viên bán vé mà không nhận được bất cứ một chiếc vé xe nào.
Theo nhiều hành khách thì tình trạng này còn thường xuyên xảy ra trên nhiều tuyền khác... Chị Trần Thị Hường, nhà N6B, Khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính bức xúc: Chị thường xuyên đi xe tuyến 60 từ nhà đến đường Kim Giang. Do chưa làm được vé tháng nên nhân viên bán vé mỗi ngày bỏ túi 6.000 đồng của chị mà không xé vé. Lần đầu hỏi vé nhân viên bán vé bảo hết, lần thứ hai nhân viên cáu gắt bảo chờ tí rồi quay lại đưa cho chị một vé đã nhàu nát.
Các chiêu “trốn vé” của nhân viên bán vé
"Chiêu của các phụ xe là mỗi khi có khách đi vé ngày, nhân viên sẽ hỏi xem khách xuống ở đâu. Nếu điểm xuống gần thì họ không xé vé. Như tuyến 44, các hành khách lên từ điểm ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, Làng sinh viên Hacinco, nhân viên bán vé sẽ không xé vé cho khách, tuyến 39 từ Hoàng Quốc Việt đến Văn Điển hành khách lên từ trường Cao Đẳng Kinh tế (gần cầu Tó) phụ xe hiếm khi xé vé cho khách vì sắp đến bến ít gặp nhân viên kiểm tra.
Nguyễn Thanh Kim, sinh viên khoa Quốc tế, ĐH QGHN cho biết, chuyện nhân viên thu tiền mà không xé vé là bình thường và xảy ra như cơm bữa. Mỗi tháng cô chỉ đi xe 44 khi nào đi mua đồ ở Big C và chẳng lần nào nhân viên thu tiền mà xé vé cho cô và nhiều khách xuống điểm này. Nếu hành khách có hỏi vé, nhân viên bán vé thường bảo “chờ chút, tí nữa quay lại xé vé cho”, rồi mất hút!
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các Công ty quản lý xe buýt có duy trì việc kiểm tra việc mua vé, bán vé trên các tuyến tuy vậy tình trạng thu tiền nhưng không xé vé vẫn diễn ra thường xuyên.
Chị Hoàng Thị Liễu, Thanh Xuân, Hà Nội cho biết: Thi thoảng đi xe tôi cũng thấy có người lên xe nói là nhân viên kiểm tra giám sát vé của hành khách. Nhưng trước đó, tôi đã thấy phụ xe này nhận được điện thoại từ xe bị kiểm tra trước là có kiểm tra giám sát. Phụ xe nhanh chóng đến chỗ những hành khách chưa có vé xé vé đúng quy định.
Các công ty xe buýt đều có số điện thoại đường dây nóng để hành khách phản ánh về các vấn đề liên quan đến xe bus. Tuy vậy, khi còn đang ở trên xe, không phải hành khách nào cũng có thể gọi đến đường dây này.
Vũ Hải Yến, sinh viên khoa Báo chí, ĐH KHXH và NV Hà Nội, kể: Một lần tôi quên mang vé tháng. Từ trường về Lò Đúc, nhân viên xe 44 thu tiền mà không xé vé. Khi tôi hỏi vé, phụ xe còn có thái độ thiếu văn hóa. Tôi gọi vào số điện thoại đường dây nóng, nhân viên trực tổng đài bảo cảm ơn và sẽ kiểm tra giải quyết. Còn giải quyết ra sao tôi không được biết.
Trở lại diễn đàn xebushanoi.com sau khi những dòng phản ánh chính xác tên nhân viên bán vé, biển số xe, các công ty xe buýt cũng có phản hồi nhưng mới chỉ là hứa giải quyết và kiểm tra xử lý vụ việc. Điều này cũng làm các hành khách tích cực phản ánh nản lòng vì không biết vụ việc giải quyết đến đâu.
Theo Đời sống & Pháp luật
Bình luận