• Zalo

Massage, hớt tóc, nhà hàng: Bị phạt là đổi tên

Thời sựThứ Hai, 31/12/2012 08:31:00 +07:00Google News

Sau khi bị xử lý vi phạm, doanh nghiệp (DN) massage, hớt tóc, nhà hàng… thường lách luật bằng cách lập DN mới tại địa điểm cũ và... hoạt động tiếp!

Sau khi bị xử lý vi phạm, doanh nghiệp (DN) massage, hớt tóc, nhà hàng… thường lách luật bằng cách lập DN mới tại địa điểm cũ và... hoạt động tiếp!

Tại TP.HCM, cơ quan chức năng siết việc cấp phép kinh doanh cho các ngành nghề nhạy cảm như vì dễ phát sinh tệ nạn như massage, hớt tóc, nhà hàng và đánh thuế cao với loại hình kinh doanh này. Tuy nhiên, dù cơ quan quản lý có siết, có thường xuyên kiểm tra để xử phạt thì các DN này vẫn tìm đủ các chiêu trò để hoạt động… hợp pháp.

Lột da sống đời

Chị NTK ở Bình Tân cho biết cạnh nhà chị có cơ sở massage, ban ngày thì hoạt động có vẻ yên tĩnh nhưng đến khi đêm xuống những cơ sở này thì hoạt động rầm rộ. Nhiều hôm xích mích sao không biết dẫn đến đánh nhau gây mất an ninh trật tự khu phố. Nhiều lần thấy chính quyền xuống dẹp, yên một thời gian rồi sau đó cũng hoạt động trở lại.

Còn anh TH, nhà ở Bình Thạnh, nói sát vách nhà anh có một tiệm cắt tóc máy lạnh mà nhân viên ăn mặc ngắn hết cỡ, thường ra phía trước để đón khách, nhìn vào thì thấy tiệm trống trơn, chẳng có đồ đạc gì dùng cho việc cắt tóc. Quán này thường hoạt động đến tận khuya gây mất trật tự…

Với các “nhà hàng không khói”, “cắt tóc không dao”, các cơ quan chức năng thường kiểm tra, xử phạt. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng có quyết định xử phạt là các DN này tìm cách đổi giấy phép kinh doanh.

Việc lập doanh nghiệp mới của các ngành nghề nhạy cảm để tiếp tục hoạt động khi bị đóng cửa cũng tương tự như rắn thay da. (Ảnh chỉ mang tính minh họa). 

Bà Nguyễn Thái Thùy Dương, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Trị Đông B (quận Bình Tân), cho biết: Trong một năm, có cơ sở massage nằm trên đường 1A đổi đến ba giấy phép kinh doanh. Cứ mỗi khi phát hiện vi phạm, phường ra quyết định xử phạt thì cơ sở này lên Sở Kế hoạch và Đầu tư xin lập DN mới. Có một quán bia ôm bị kiểm tra và nhận quyết định xử phạt nhưng chỉ ngưng được một tháng thì tái hoạt động với giấy phép kinh doanh mới.

Trong các cuộc họp về công tác quản lý ngành nghề nhạy cảm, đại diện quận Bình Tân liệt kê hàng loạt trường hợp “thay da” kiểu như: Phúc Thiên An xin đổi thành Phúc Thiên Ân, Phú Thiên An…

Tại Bình Thạnh thì có trường hợp ban đầu có cơ sở cắt tóc Lê D., sau đó đến DN tư nhân gội đầu Lê D. rồi Công ty gội đầu Lê D.. Hoặc trường hợp Công ty TNHH một thành viên cắt tóc Mai V., đến DN tư nhân cắt tóc Phương V., rồi Công ty TNHH một thành viên cắt tóc Phương V...

Một đại diện Phòng Văn hóa Thông tin quận Phú Nhuận cho biết ở đường Phan Xích Long có nhà hàng của Công ty TNHH một thành viên thương mại nhà hàng Víp II. Khi UBND quận ra quyết định xử phạt thì địa điểm này vẫn tiếp tục kinh doanh bình thường dưới tên công ty mới là Công ty TNHH một thành viên nhà hàng 286, do người khác đứng tên.

Việc lập DN mới để tiếp tục hoạt động tại chính địa điểm cũ cũng tương tự như rắn thay da.

Đổi ngành nghề nhưng hoạt động như cũ

Không chỉ “thay da” về loại hình DN, tên DN, nhiều cơ sở kinh doanh ngành nhạy cảm còn chuyển đổi cả ngành nghề kinh doanh để ung dung hoạt động mà cơ quan quản lý không xử lý được.

Tại quận Tân Bình từng có ­­một điểm kinh doanh dịch vụ xoa bóp bị phát hiện có kích dục đồng tính, sau đó điểm kinh doanh này được đăng ký kinh doanh dưới dạng “hành nghề y học cổ truyền”, nhưng thực chất cũng vẫn là hoạt động massage.

Thậm chí ở một số quận, những điểm kinh doanh về bản chất là karaoke nhưng họ lách quy định “ngưng hoạt động từ 0 giờ sáng” bằng cách đăng ký dưới dạng “phòng thu âm” hoặc nhà hàng có “biểu diễn nghệ thuật”, trong đó có ca hát, nhảy múa. Theo quy định, nếu là điểm karaoke hoặc vũ trường phải ngưng hoạt động từ 0 giờ sáng nhưng nhà hàng thì được ăn uống suốt đêm!

Chính vì vậy mà xuất hiện những nhà hàng không bếp hoặc có bếp nhưng không có đồ nấu. Một đại diện quận Bình Thạnh cho biết có nhà hàng chỉ phục vụ hai món là bưởi và thơm!

Bà Lê Thị Thu Hương, Cục phó Cục Thuế TP.HCM, từng chỉ rõ rằng việc thay đổi tên ngành nghề từ massage sang “y học cổ truyền” có thể giúp DN khỏi phải chịu thuế giá trị gia tăng 10% và khỏi chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Việc đăng ký dịch vụ thu âm thay vì dịch vụ karaoke cũng giúp DN tránh được thuế tiêu thụ đặc biệt.

Bó tay với chiêu trò?


Nhiều quận, huyện từng than phiền về việc các DN được thành lập quá dễ dàng, cấp phép dễ, rút phép khó. Các DN thường vi phạm hành chính thông thường, chỉ ở mức xử phạt tiền chứ không thể rút giấy phép hoạt động. Để tránh việc áp dụng tình tiết “tái phạm” hay vi phạm nhiều lần, nhiều DN vừa bị phạt là đổi tên hoặc thay mọc lên DN mới, tránh việc một DN tái phạm.

Về phía cấp phép kinh doanh, theo quy định thì người đăng ký thành lập DN nộp hồ sơ hợp lệ thì được đăng ký. Luật DN không cấm người dân đăng ký thành lập DN tại địa điểm mà trước đó có DN khác vi phạm hành chính. Do đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng nhiều lần giải thích trong các cuộc họp liên ngành về ngành nghề nhạy cảm, rằng sở này không thể từ chối cấp phép.

Bà Vũ Kim Anh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL TP, từng than phiền rằng số điểm kinh doanh ngành nhạy cảm chỉ có tăng mà không có giảm, dù cơ quan quản lý đã ra tay dẹp thường xuyên. Ví các điểm tệ nạn như “âm binh” nhưng bà cũng phải than: “Dẹp 23 âm binh thì mọc mới 26 âm binh. Âm binh giết thầy pháp mất thôi!”.

Theo Sở VH-TT&DL TP.HCM, trong sáu tháng đầu năm 2012, kiểm tra 109 cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa-xã hội, đoàn kiểm tra liên ngành TP phát hiện 104 cơ sở vi phạm gồm nhà hàng, khách sạn, vũ trường, karaoke, massage, hớt tóc, biểu diễn nghệ thuật… Qua đó, UBND TP đã ra 117 quyết định xử phạt vi phạm hành chính gần 7,7 tỉ đồng.

Hiện có 312 cơ sở có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoạt động thu âm nhưng thực tế chỉ có khoảng 10-15 cơ sở là có hoạt động thu âm đúng nghĩa, còn lại là karaoke trá hình.
_____________________________________

Việc kiểm tra xử lý vi phạm trong các cơ sở dịch vụ nhạy cảm thuộc trách nhiệm của đoàn kiểm tra liên ngành, mà đoàn này hoạt động công khai nên rất khó phát hiện các hành vi vi phạm thuần phong mỹ tục. Đó là chưa kể các chủ cơ sở vi phạm thuê mướn cảnh giới (chủ yếu là xe ôm) túc trực trước cổng của Sở VH-TT&DL: Hễ đoàn kiểm tra liên ngành vừa khởi hành là họ bám theo và thông báo cho “thân chủ” nếu thấy đoàn đi về hướng đường nơi cơ sở kinh doanh!

Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, nói trong cuộc họp báo về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn TP.HCM vào đầu tháng 2-2012

Theo Pháp luật TP.HCM

Bình luận
vtcnews.vn