Hình ảnh của vật thể này được công ty vệ tinh Digital Globe chụp lại vào ngày 25/3/2014, 17 ngày sau khi MH370 mất tích.
Ông Simon tin rằng chính phủ Australia biết về sự tồn tại của hình ảnh nhưng đã bỏ qua và không xem xét.
Theo chuyên gia người Anh, hình ảnh trên chưa bao giờ được đưa vào các tài liệu chính thức và ông tin nó có thể là chìa khóa giúp giải đáp bí ẩn hàng không tồn tại suốt 4 năm qua.
"Chính phủ Malaysia đã tỏ ra phẫn nộ khi Trung Quốc triển khai máy bay tìm kiếm vào ngày 24/3, một quyết định có chủ ý đã được đưa ra để tránh việc thu hồi các mảnh vỡ", Simon viết chú thích dưới bức ảnh.
Chiếc Boeing 777 mang số hiệu MH370 từ Kuala Lumpur, Malaysia cất cánh đi Bắc Kinh, Trung Quốc lúc 0h41 phút ngày 8/3/2014 (giờ địa phương) chở theo 239 người. Phần lớn hành khách (hơn 150 người) là người Trung Quốc. Còn lại là 38 người Malaysia, 7 người Indonesia, 6 người Australia, một số công dân nước khác và 12 thành viên phi hành đoàn.
Giao tiếp cuối cùng được phát đi từ buồng lái của MH370 khoảng một tiếng sau khi cất cánh là: “Chúc ngủ ngon người Malaysia 370.” Sau đó, máy bay ngừng liên lạc với bộ phận điều khiển mặt đất.
Theo dữ liệu radar quân sự thu được, máy bay lệch khỏi tuyến đường dự kiến khoảng 2 giờ sau khi cất cánh, trong khi không có ghi chép nào về thời tiết xấu hoặc các cuộc gọi đáng lo ngại. Tín hiệu vệ tinh tự động cuối cùng được phát đi lúc 8h sáng. Tín hiệu này được tiếp nhận nhưng không có thông tin về vị trí máy bay.
Trong những ngày đầu sau khi MH370 mất tích, các nhà tìm kiếm đã sử dụng dữ liệu vệ tinh để phân tích các giao tiếp điện tử tự động giữa máy bay và phần cứng quỹ đạo. Chính quyền Australia dựa vào đó đã khoanh vùng một khu vực gọi là vòng cung thứ 7 để tìm kiếm chiếc máy bay mất tích.
Khu vực này sau đó được mở rộng ra 120.000 km2, tuy nhiên không có bất cứ dấu vết nào của chiếc Boeing 777-200.
Bằng chứng duy nhất được tìm thấy cho đến nay là một mảnh vỡ cánh tà của một mẫu Boeing 777 trên đảo Reunion của Pháp, ngoài khơi Madagascar được cho là của MH370.
Bình luận