Ngày 16/8, UBND xã Tân Thạnh Đông (Củ Chi, TP.HCM) đã có kết luận về việc mạnh thường quân bỏ tiền làm đường, bị yêu cầu phá bỏ gây xôn xao dư luận.
Theo kết luận của xã Tân Thạnh Đông thì đến nay xã chưa xác định được ai là người bỏ tiền ra làm đường, trải nhựa ở ấp 6.
Cụ thể, xã Tân Thạnh Đông kết luận hành vi vi phạm trên con đường ở ấp 6 là: Đặt cống, san lấp, mở rộng đường trên kênh thoát nước công cộng trái quy định.
Về lí do không xử phạt vi phạm hành chính, UBND xã Tân Thạnh Đông cho rằng, do không xác định được người vi phạm hành chính, người bỏ tiền làm con đường này.
Kết luận của xã Tân Thạnh Đông nêu rõ, thời gian khắc phục hậu quả vi phạm trên là 20 ngày, kể từ ngày ban hành quyết định (Quyết định ban hành ngày 30/7).
Trước đó, như VTC News đưa tin, trong một lần đi qua Ấp 6 (xã Tân Thạnh Đông, Củ Chi) ông Bùi Hoàng Anh thấy con đường nhỏ tại đây xuống cấp, lầy lội khiến việc đi lại gặp khó khăn nên nảy ra ý định làm đường giúp người dân.
Ngày 4/5, ông bỏ số tiền 200 triệu đồng mua vật liệu, thuê nhân công, máy móc làm đường.
Tuy nhiên, khi người dân đang tráng nhựa đường, một số cán bộ Công an xã Tân Thạnh Đông đi xe máy xuống, yêu cầu mọi người ngừng làm việc, tịch thu máy móc.
“Lúc đó, tôi vừa đi mua xăng về để đổ vào máy đầm làm đường thì bị lực lượng Công an xã Tân Thạnh Đông truy đuổi. Tôi chạy được một đoạn bị ngã thì 2 cán bộ công an lập tức lao vào khống chế, còng tay đưa về trụ sở công an”, ông Anh bức xúc kể lại.
Trả lời VTC News, lãnh đạo UBND xã Tân Thạnh Đông cho biết, ông Anh làm đường không có giấy phép, không có thủ tục chấp thuận của cơ quan Nhà nước nên chính quyền xã lập biên bản, đình chỉ mọi hoạt động.
Tuy nhiên, ông Anh vẫn cố tình tiếp tục thi công và có dấu hiệu “chống người thi hành công vụ” nên xã đã báo cáo với Công an huyện Củ Chi xử lý theo thẩm quyền.
Qua xem xét, hành vi của ông Anh chưa đủ yếu tố “chống người thi hành công vụ” nên cho người này về nhà.
Ngày 2/7, ông Bùi Hoàng Anh được UBND xã Tân Thạnh Đông mời lên làm việc. Trong buổi làm việc, ông Anh nhận sai khi làm đường không xin phép và chấp nhận nộp phạt.
"Tôi đồng ý là sau khi chính quyền xã trả lại xe lu (bị tạm giữ gần 2 tháng) sẽ tự nguyện bới nát con đường nhựa mình làm, trả lại hiện trạng ban đầu là con đường đất. Tôi cam kết với xã là trong thời hạn 7 ngày tôi sẽ đào con đường đó lên, với sự chứng kiến của xã”, ông Anh nói.
Theo ông Anh, từ khi làm đường miễn phí cho người dân bị chính quyền xử lý, tịch thu xe, mỗi ngày ông phải trả tiền công cho chủ xe lu 1,5 triệu đồng. Sau 2 tháng tạm giữ, số tiền trả cho chủ xe lên đến gần 100 triệu đồng.
“Tôi bỏ tiền ra làm đường giúp người dân nhưng 'tiền mất tật mang'. Tôi chỉ muốn làm việc tốt giúp dân nhưng không ngờ cơ sự lại thế này. Việc đào đường nhựa lên để trả lại đường đất khiến tôi rất buồn và tiếc nuối, nhưng không còn cách nào”, ông Anh buồn bã chia sẻ
Video: Mạnh thường quân bỏ tiền làm đường bị còng tay
Bình luận