Từ nhiều năm nay, các mạng xã hội hàng đầu thế giới như YouTube, facebook, Twitter… đã liên tục bị chỉ trích, vì để các dạng nội dung độc hại như bạo lực, cực đoan, tin giả… được phát tán tràn lan, gây ảnh hưởng tới hàng triệu người.
Tại Việt Nam, gần đây các “hiện tượng” giang hồ như Khá Bảnh, Phú Lê, Dương Minh Tuyền... thu hút không ít người dùng trên YouTube, Facebook nhờ các clip miêu tả cuộc sống xã hội đen, chơi bời, cờ bạc… Lối sống thiếu lành mạnh này có thể gây ảnh hưởng xấu đến người khác, nhất là giới trẻ thiếu kinh nghiệm, thiếu kỹ năng.
Đêm 1/4, cơ quan công an đã bắt giữ Khá Bảnh để điều tra hành vi Tổ chức đánh bạc và đang tiếp tục mở rộng vụ án. Ngay sau đó, Facebook nhiều "giang hồ mạng" như Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền, Phạm Tuấn đã bị khóa. Song, đây thực chất chỉ là nhóm nhỏ trong số các giang hồ mạng hiện nay.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, mạng xã hội có xu hướng khuyến khích các nội dung gây sốc, một phần vì các nền tảng đó được thiết kế để tối đa hóa lượng truy cập. Nguyên nhân nữa là nhiều người tò mò, thích xem những nội dung đó.
Việc ứng dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI) trong quản lý, vận hành các nền tảng mạng xã hội bên cạnh hỗ trợ người dùng dễ dàng tìm ra nội dung mình cần, đồng thời cũng khiến các xu hướng bạo lực, gây sốc (theo đánh giá của AI là thu hút sự quan tâm) dễ dàng “đến” với nhiều người dùng hơn.
Vấn nạn này không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới trong vài năm qua và hiện cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp gì hiệu quả để ngăn chặn. Đây là khó khăn không chỉ đối với cơ quan quản lý Việt Nam mà còn đối với cơ quan chức năng của nhiều quốc gia trên thế giới.
Theo ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh-Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông, tại Việt Nam đang tồn tại 2 loại mạng xã hội.
Một là các mạng xã hội do doanh nghiệp trong nước cung cấp, được Bộ TT&TT cấp phép hoạt động (hiện có 410 mạng), bắt buộc tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, như: Otofun, webtretho, lamchame, tinhte…
Hai là các mạng xã hội do doanh nghiệp nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam, hoạt động không cần có giấy phép (vì không lập văn phòng đại diện tại Việt Nam) như: Facebook, YouTube, Instagram, Twitter…
Riêng mạng xã hội Facebook, Việt Nam là một trong những nước có số người sử dụng mạng xã hội Facebook nhiều nhất trên thế giới, với 64 triệu tài khoản, chiếm 3% số người dùng toàn cầu. YouTube là 45 triệu tài khoản.
Ông Lê Quang Tự Do thừa nhận, quản lý mạng xã hội ở Việt Nam đang có một số bất cập hạn chế như các quy định của pháp luật chủ yếu quản lý chặt chẽ các trang mạng xã hội trong nước do Bộ TT&TT cấp phép. Trong khi đó, các trang mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam thì chưa có các quy định quản lý thật sự hiệu quả.
Theo Cục Phát thanh – Truyền hình và Thông tin điện tử, Facebook, Google không chỉ là mảnh đất “màu mỡ” dung túng cho những hành vi bạo lực, phản cảm mà còn tiếp tay cho nhiều hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam. Bộ TT&TT đã nhiều lần gửi email, làm việc chính thức, đấu tranh với đại diện các nền tảng này, song hiệu quả không đáng kể.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh – Truyền hình và Thông tin điện tử chia sẻ trong buổi gặp mặt báo chí hồi cuối năm 2018, các buổi tiếp xúc giữa Facebook và đại diện cơ quan quản lý Việt Nam thường là các cuộc gặp gỡ hội đàm, trao đổi thông tin.
Phía Facebook luôn bày tỏ quan điểm cam kết hợp tác chặt chẽ với Việt Nam, nhưng quá trình hợp tác luôn rất chậm và thường không thể tiến tới việc ký kết thoả thuận. Lý do của điều này là bởi Facebook luôn đưa các tiêu chuẩn cộng đồng của mình ra để biện hộ, dù chính sách này vi phạm quy định pháp luật của nhiều quốc gia.
Facebook cũng né tránh việc thành lập văn phòng đại diện để có tư cách pháp nhân tại Việt Nam. “Không có lý gì một doanh nghiệp làm ăn tại Việt Nam, kiếm hàng trăm triệu USD ở Việt Nam mà lại không có ý định tuân thủ pháp luật”, ông Lâm cho biết.
Bình luận