Mới đây, một bé gái 12 tuổi nghi bị bắt cóc từ Việt Nam được phát hiện mang bầu với "chồng" Trung Quốc gây xôn xao dư luận. Việc mang thai sớm ở trẻ vị thành niên gây ra rất nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Biến chứng nguy hiểm
Bác sĩ Hồ Mai Hoa - Giảng viên Quốc gia chương trình giáo dục sức khỏe sinh sản cho biết: “Tổ chức Y tế thế giới quy định trẻ vị thành niên là lứa tuổi từ 10 đến 19 tuổi, phân làm ba thời kỳ là vị thành niên bé, giữa và lớn.
Giai đoạn này các em đang phát triển về tâm sinh lý, do đó việc mang thai trong tuổi này có nhiều tác hại về thể chất, tinh thần”.
Theo bác sĩ Hoa, khi mang thai ở tuổi vị thành niên, sự phát triển thể chất của các bé sẽ hạn chế so với bạn bè cùng lứa tuổi. Cơ thể “bà mẹ trẻ” chưa sẵn sàng cho quá trình mang thai gây ra nhiều những tai biến như: thiếu máu, thai lưu, đẻ non, sảy thai … và đặc biệt khi lâm bồn nguy cơ bị băng huyết, nhiễm khuẩn, sản giật rất dễ xảy ra.
Đứa trẻ được sinh ra từ trẻ vị thành niên có khả năng bị suy dinh dưỡng, suy hô hấp và mắc nhiều loại bệnh do sức đề kháng yếu. “Bộ máy sinh sản của các bà mẹ ở độ tuổi vị thành niên lúc này đang hoàn thiện, chưa sẵn sàng cho việc sinh đẻ nên bào thai có nguy cơ bị ngạt trong tử cung”. Bác sĩ Hoa nhận định.
Những bé gái mang thai sớm thường có tâm lý giấu diếm, không công khai nên không được trang bị các kỹ năng làm mẹ cũng như chăm sóc thai nhi. “Vì thế cả mẹ và bé đều có nguy cơ thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng, dẫn tới dị tật bẩm sinh ở con” - bác sĩ Hoa cho biết.
Bác sĩ Hồ Mai Hoa đã từng tiếp xúc và làm việc với nhiều bé gái mang thai ở tuổi vị thành niên, rất nhiều em trong số đó mới chỉ học lớp cấp 2.
Đa số các em đều có tâm lý mệt mỏi, chán nản dẫn tới bỏ học. Thậm chí có em stress, khủng hoảng tinh thần đến mức căm thù không đón nhận cái thai trong bụng mình.
Thực trạng đáng báo động
Nhận định về nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, bác sĩ Hoa cho rằng do bản thân các em không nhận được quan tâm đầy đủ từ phía gia đình, xã hội.
“Tôi nhớ nhất trường hợp bé gái lớp 7 ở Hà Nội cãi nhau với cha mẹ, sau đó bỏ nhà lên Lạng Sơn ở cùng một thanh niên quen trên mạng. Vài tháng sau, em này trở về nhà và cha mẹ phải dắt đến phòng khám để giải quyết thai nhi trong bụng”, bác sĩ Hoa tâm sự.
Bên cạnh đó việc thiếu trang bị kiến thức về sức khỏe sinh sản cho trẻ vị thành niên còn yếu khiến tình trạng quan hệ tình dục sớm xảy ra. Hậu quả là các em có thai ngoài ý muốn, nạo phá thai không an toàn và đặc biệt dễ mắc các bệnh xã hội (trong đó có HIV/AIDS).
Bác sỹ Hồ Mai Hoa đã từng tiếp xúc một bé gái 18 tuổi phải cắt bỏ tử cung do nhiễm trùng. Nguyên nhân là do khi có thai em này đã giấu gia đình gặp thầy lang và được phá thai bằng cách nhét rễ cây vào âm đạo.
Vì thế việc quan tâm dậy dỗ cũng như trang bị kiến thức của gia đình, nhà trường và xã hội cho các bé gái ở tuổi này được vị giảng viên Quốc gia chương trình giáo dục sức khỏe sinh sản đánh giá quan trọng hơn cả.
Bản thân các bé gái ở lứa tuổi dậy thì cũng cần giữ mình, hoãn cuộc quan hệ tình dục đầu tiên càng sát hôn nhân càng tốt. Các em nên tham gia tích cực vào các hoạt động ngoại khóa về sức khỏe sinh sản.
“Nếu trót có thai ngoài ý muốn, các em phải thông tin cho gia đình, đến gặp các cán bộ có chuyên môn, y tế. Tất cả mọi người luôn dang tay đón nhận và giúp đỡ các em”. Bác sĩ Hồ Mai Hoa đưa ra lời khuyên.
Video: Công an vào cuộc vụ "bé gái 12 tuổi nghi bị bắt cóc mang thai"
Bình luận