Thông tin nhân vật Mẹ: Thẳm Nguyễn Sinh năm: 1991 Bé Ethan Nguyễn: 2,9kg Bé Evan Nguyễn: 3kg Ngày sinh bé: 25/09/2017 |
Chị Thẳm chia sẻ, ngày biết tin mình mang thai, vợ chồng chị vội đến ngay bệnh viện để siêu âm. Khám xét xong xuôi, bác sĩ cười và nói “hai bé nhé”, chị cùng chồng bất ngờ và hạnh phúc vô cùng, vì gia đình hai bên đều chưa có ai mang song thai cả. Tuy nhiên lúc đó chị vẫn hơi ngờ vực, sợ là siêu âm sớm quá nên kết quả không chính xác. Đến tháng sau đi khám thai định kỳ, bác sĩ siêu âm lần nữa và vẫn kết luận song thai, tới tận lúc đó chị mới tin được rằng mình đang mang trong bụng 2 thiên thần nhỏ.
Chị Thẳm đã trải qua một thai kỳ khỏe mạnh nhưng cũng rất vất vả
Việc mang thai đôi vô cùng vất vả, chị Thẳm nghén nặng tới tận tháng thứ 8 của thai kỳ. Suốt quá trình mang thai chị không ăn được nhiều vì liên tục nôn. Lại thêm chứng táo bón và viêm đường tiết niệu khiến chị Thẳm rất mệt mỏi. Vì không ăn được nhiều nên chị cố gắng bổ sung dưỡng chất cho con bằng cách uống vitamin và sữa đều đặn hàng ngày.
Chị cũng không kiêng cữ nhiều, chỉ tránh ăn các thực phẩm tái, sống. Ngoài ra chị cũng ăn nhiều nho khô và uống hạt chia, vì đây là hai thực phẩm rất tốt cho thai nhi. Hàng ngày chị uống đều đặn 2,5l nước để cơ thể không bị thiếu nước. Mang thai đôi rất nặng nề nên chị Thẳm không đi bộ nhiều như các bà bầu khác vì mệt và khó thở.
Hai em bé được mẹ sinh thường thành công tại bệnh viện
Suốt thai kỳ cứ đều đặn 2 tuần chị đi khám một lần, vì mang song thai dễ có nhiều biến chứng và nguy hiểm nên cần theo dõi sát sao. Rất may mắn là quá trình mang thai của chị diễn ra tốt đẹp. Hai vợ chồng chị sinh sống tại Mỹ, nên khi mang thai chị cũng may mắn được hưởng dịch vụ y tế tại đất nước phát triển này.
Chị Thẳm cho biết: “Mình thấy các bác sĩ tại đây đều rất tận tâm, mỗi lần mình đến khám đều được xét nghiệm kỹ. Mình trông ngóng từng ngày để được gặp con. Mỗi lần khám thai định kỳ thấy hai con trên màn hình mình hạnh phúc vô cùng, cho dù vẫn chưa thấy được mặt mũi của con như thế nào cả. Mang hình siêu âm về hai vợ chồng cứ lấy ra xem suốt rồi nói chuyện với nhau về con.”
Đến tuần thứ 37, bác sĩ gọi chị đến và thông báo chuẩn bị 5h sáng ngày hôm sau thì đến bệnh viện. Lúc đó chị Thẳm vẫn chưa có bất kỳ dấu hiệu chuyện dạ hay sắp sinh nào cả nên chị phân vân không biết bác sĩ hẹn tới khám hay tới sinh mà lại hẹn giờ sớm như vậy.
Chị Thẳm kể: “Ngày hôm sau hai vợ chồng mình chuẩn bị đầy đủ giấy tờ rồi đưa nhau tới bệnh viện. Các thủ tục tại bệnh viện bác sĩ đã lo hết, khi mình tới nơi bác sĩ phỏng vấn thêm một số câu hỏi rồi đưa lên phòng truyền nước.
Video: Kỳ lạ cặp sinh đôi 1 da đen, 1 trắng cực hiếm gặp
Lúc đó bác sĩ hỏi “Đã sẵn sàng sinh thường chưa?” mình hốt hoảng quá mới bảo rằng “Tôi sinh mổ được không? Tôi sợ đau bụng lâu mà không sinh thường được thì vừa đau bụng lại còn vừa phải sinh mổ”. Trước hôm đó mình siêu âm thấy con cũng khá to, hai bé đều xấp xỉ 3kg nên nghĩ rằng chắc phải sinh mổ. Nhưng bác sĩ vẫn khuyến khích mình sinh thường để tốt cho cả mẹ và con.
Sau đó mình được truyền nước, trong đó có lẽ chứa thuốc kích đẻ vì mình không có triệu chứng chuyển dạ. Mình đọc nhiều tài liệu thì biết rằng sinh đôi tốt nhất nên sinh ở tuần 37. Chắc vì thế nên bác sĩ quyết định kích cho mình sinh.
Mình truyền được một lúc thì bác sĩ vào kiểm tra mới mở được 3cm. Bác sĩ và y tá hỏi mình đã thấy đau bụng chưa, nhưng mình vẫn chưa thấy đau và không có cảm giác gì, lúc đó vẫn nằm vui vẻ nói chuyện với gia đình.
Mình truyền nước từ 6h đến 17h thì tử cung mở được 9,5 cm nhưng vẫn chưa có dấu hiệu đau bụng. Bác sĩ lại hỏi mình có đau không mà sao trông bình thường như vậy. Mình nói không đau gì cả. Nhưng sau đó khoảng 1 giờ thì bụng bắt đầu đau râm ran, rồi đau nhiều hơn. Mình đau bụng đến tận 21h mà tử cung vẫn mở 9,5cm.
Bác sĩ hỏi mình có muốn gây tê màng cứng hay tiêm giảm đau không, nhưng mình nói không muốn làm gì cả, vì mình có thể chịu đựng được. Bác sĩ khen mình mạnh mẽ nhưng vẫn khuyên nên gây tê màng cứng vì khả năng sinh thường bé đầu được, nhưng đến bé sau có thể phải mổ. Nếu không gây tê màng cứng nếu lúc đó sinh mổ phải gây mê sẽ không tốt cho mẹ và bé.
Vậy là mình quyết định gây tê màng cứng. Sau khi tiêm gây tê thì từ phần bụng trở xuống chân mình không còn cảm giác gì nữa, toàn thân thì sưng lên như bị ứ nước, người lại hơi sốt nữa. Bac sĩ vẫn thăm khám liên tục 15 – 20 phút một lần.
Đến khoảng 9h30 thì mình được đưa vào phòng mổ để sinh bé. Mình sinh tại phòng mổ để đề phòng trường hợp cần thiết thì có thể mổ ngay tại chỗ. Có tới gần 10 bác sĩ và y tá trong ca sinh của mình. Ông xã mình cũng được theo vào phòng mổ để động viên vợ.
Chị Thẳm sinh hai bé tại một bệnh viện ở Mỹ
Trong phòng sinh bác sĩ hướng dẫn mình rặn rất tận tình. Sau bao nỗ lực thì đến 22h bé đầu tiên đã chào đời. Lúc đó bác sĩ đưa kéo cho chồng mình cắt dây rốn. Anh bối rối quá cứ đi vòng vòng xung quanh phòng sinh mà không biết cắt cái gì khiến cả phòng ai cũng cười.
Mình lúc đó dù rất đau nhưng cũng thấy buồn cười. Sau khi cắt rốn thì y tá mang bé qua chỗ khác để vệ sinh và hút đờm. Còn mình thì vẫn tiếp tục công cuộc rặn đẻ bé thứ hai. Lần rặn thứ 2 có vẻ dễ dàng hơn, 10 phút sau thì cậu em đã ra đời. Lúc đó hạnh phúc đến rơi nước mắt luôn. Không ngờ rằng mình có thể sinh thường được cả hai bé khỏe mạnh. Một bé được 2,9kg còn bé kia thì được 3kg rất đều nhau.”
Chị Thẳm phục hồi tốt sau khi sinh con
Từ lúc vào viện bắt đầu truyền nước thì bác sĩ không cho phép chị Thẳm ăn hay uống gì cả. Nếu khát quá thì chỉ được ngậm viên nước đá thôi để đề phòng trường hợp có thể phải sinh mổ cấp cứu. Đến khi sinh xong thì 1 tiếng sau chị mới được uống trà đường. Nhưng vì đói và khát lâu quá nên uống vào được 15 phút chị lại nôn ra hết. Hai tiếng sau thì chị mới được ăn nhẹ. Đến ngày hôm sau thì ăn uống trở lại bình thường.
Hiện tại hai bé Ethan và Evan đều rất khỏe mạnh, cơ thể chị Thẳm cũng phục hồi tốt. Vượt qua mọi vất vả trong thai kỳ, mọi đau đớn trong lúc sinh nở, giờ đây chị đã có thể hưởng trọn niềm hạnh phúc bên hai thiên thần nhỏ của mình.
Bình luận