• Zalo

Mang hàng loạt dự án đi cầm cố, Hà Đô vẫn cho vay trăm tỷ đồng, gánh nợ xấu 'khủng'

Kinh tếThứ Sáu, 23/08/2019 16:11:00 +07:00Google News

Mang nhiều dự án đi cầm cố khiến khoản nợ phải trả cao gấp 3,4 lần vốn nhưng Hà Đô vẫn cho vay hàng trăm tỷ đồng và gánh khoản nợ xấu lên đến hàng chục tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Hà Đô (Hà Đô, mã chứng khoán HDG) đang là một trong những doanh nghiệp bất động sản có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất làng địa ốc. Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu 2019 của Hà Đô đạt tới 504 tỷ đồng, tăng 424 tỷ đồng, tương ứng 530% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, Hà Đô đang lộ ra vấn đề không hề nhỏ về hoạt động tài chính. Theo đó, Hà Đô đã mang hàng loạt dự án quan trọng đi cầm cố, khiến nợ phải trả cao gấp 3,4 lần vốn chủ sở hữu. Thế nhưng, doanh nghiệp này lại mang hàng trăm tỷ đồng cho vay và gánh khoản nợ xấu lên đến hàng chục tỷ đồng.

Cầm cố loạt dự án lớn

Hiện tại, Hà Đô đã công bố báo cáo tài chính quý II/2019. Tuy nhiên, báo cáo này chỉ công bố sơ sài tổng nợ mà không thuyết minh cụ thể. Theo đó, tại thời điểm cuối quý II, tổng nợ phải trả của Hà Đô lên đến 10.370 tỷ đồng, tăng 1.974 tỷ đồng, tương đương 23,5% so với thời điểm cuối năm 2018 và cao gấp 3,4 lần vốn chủ sở hữu.

hado-parkview

 Hà Đô báo lãi ấn tượng trong nửa đầu 2019 song doanh nghiệp cũng đang "cầm cố" nhiều dự án lớn. (Ảnh: Hado.com.vn)

Trong đó, tổng nợ vay là 5.406 tỷ đồng, tăng 2.764 tỷ đồng, tương ứng 105%. Khoản nợ vay quá lớn khiến áp lực trả lãi vay của Hà Đô là không hề nhỏ. Trong 6 tháng đầu năm, Hà Đô đã phải chi 91 tỷ đồng để trả lãi vay. Con số này cùng kỳ năm ngoái là 44 tỷ đồng.

Do Hà Đô không thuyết minh cụ thể khoản vay nên không rõ tại thời điểm 30/6/2019, Hà Đô đã thế chấp những dự án nào để đi vay. Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính năm 2018, có thể thấy, rất nhiều dự án đã được mang đi làm tài sản đảm bảo.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán năm 2018 của Hà Đô, tại thời điểm cuối năm, nợ phải trả của tập đoàn tăng mạnh từ 6.331 tỷ đồng lên 8.396 tỷ đồng. Trong đó, tổng nợ đạt 2.642 tỷ đồng, tăng đáng kể so với con số 1.870 tỷ đồng.

Có thể thấy, các khoản nợ vay của Hà Đô tăng rất mạnh theo quý. Để nhận được các khoản vay trong năm 2018, Hà Đô đã thế chấp rất nhiều dự án.

Cụ thể, để nhận được khoản vay dài hạn từ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) – Chi nhánh Ba Đình với hạn mức tối đa 250 tỷ đồng dùng thanh toán các chi phí đầu tư dự án Khách sạn IBIS, Hà Đô thế chấp toàn bộ quyền kinh doanh, quản lý khai thác đối với tài sản hình thành từ dự án này.

Tài sản cố định và xây dựng cơ bản dở dang của dự án Thủy điện Nhạn Hạc (giá trị còn lại 1.787 tỷ đồng); quyền sử dụng đất, tài sản hình thành trong tương lai, các quyền và lợi ích thanh toán liên quan đến Dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại (giá trị xây dựng cơ bản dở dang là 156 tỷ đồng), một phần tài sản thuộc dự án Thủy điện Sông Tranh (giá trị ghi sổ 305 tỷ đồng), quyền sử dụng đất tòa CT2, CT3, CT4 tại dự án Khu đô thị mới An Khánh – An Thượng… cũng đã bị cầm cố.

Cho vay trăm tỷ đồng

Nợ vay của Hà Đô đang tăng lên chóng mặt. Điều đó đồng nghĩa với việc ngày càng thêm nhiều dự án của Hà Đô được đưa vào danh sách “Tài sản đảm bảo” tại các ngân hàng. Thế nhưng, Hà Đô vẫn mạnh tay cho vay.

Tại thời điểm 30/6/2019, các khoản phải thu ngắn hạn khác của Hà Đô là 310 tỷ đồng, phải thu về cho vay dài hạn lên đạt 217 tỷ đồng. Trong đó, Công ty TNHH MTV 756 vay 117 tỷ đồng (khoản vay này không tính lãi), Công ty cổ phần Đầu tư An Lạc vay 100 tỷ đồng với lãi suất 8%/năm.

Việc vay mượn trong “nhà” Hà Đô khá lằng nhằng. Công ty TNHH MTV 756 vay 117 tỷ đồng của Hà Đô để góp vốn vào Công ty Cổ phần Hà Đô 756 Sài Gòn, một công ty con của Hà Đô. Và chính Công ty Cổ phần Hà Đô 756 Sài Gòn lại cho Công ty Cổ phần An Lạc, một công ty liên quan của Hà Đô vay 100 tỷ đồng.

Còn Công ty cổ phần An Lạc liên quan đến Hà Đô kiểu gì thì chưa có cơ sở để… biết vì trong danh sách các công ty con và công ty liên kết của Hà Đô không có tên An Lạc.

Hiện tại, nợ xấu của Hà Đô đang có xu hướng tăng. Nếu tại thời điểm cuối 2018, nợ xấu mà Hà Đô phải gánh “chỉ” là 13,5 tỷ đồng (trong đó, khoản có thể thu hồi được là 423 triệu đồng) thì tới cuối quý 2/2019, khoản phải thu ngắn hạn khó đòi (thời hạn từ dưới 2 năm đến trên 3 năm) đã lên đến gần 21,7 tỷ đồng (giá trị có thể thu hồi được là gần 4,1 tỷ đồng).

Hoàng Hưng
Bình luận
vtcnews.vn