(VTC News) – Các quan chức ngành du lịch Maldives – nơi được mệnh danh là "thiên đường trên mặt đất" vừa tuyên bố xin rút khỏi chiến dịch New7Wonders sau khi bất ngờ nhận được hóa đơn đề nghị chi trả nửa triệu USD từ phía ban tổ chức.
Theo một nguồn tin, ban tổ chức cuộc thi “7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới” (New7Wonders) đã yêu cầu giới chức Maldives chi trả các gói tài trợ với tổng trị giá lên tới 500.000 USD – khoản phí tăng vọt so với phí tham dự ban đầu chỉ 199 USD 1 tháng vào năm 1999 – để có được cơ hội cạnh tranh “đầy ý nghĩa” trong suốt chặng đường còn lại của cuộc thi.
Các quan chức ngành du lịch ở Maldives cho rằng, làm như vậy là cạnh tranh không công bằng và làm mất đi ý nghĩa thực sự của cuộc thi nên đã từ chối yêu cầu đó. Tuyên bố rút lui trên được đưa ra trong phiên họp nội các của quốc gia này vào hôm thứ Ba tuần trước, sau nhiều tuần thảo luận giữa Bộ Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch với Tổng công ty Quan hệ công chúng và Marketing Maldives (MMPRC) và các cổ đông có liên quan.
Các quan chức ngành du lịch ở Maldives vừa 'tố' ban tổ chức cuộc thi New7Wonders đòi thêm nửa triệu USD phí tham dự |
Phát biểu tại một buổi họp báo vào sáng thứ 4 tuần trước, Bộ trưởng Du lịch Thoyyib Mohamed cho biết, Maldives xin rút lui vì những yêu cầu bất ngờ về một khoản tiền lớn từ phía các nhà tổ chức, đồng thời nhấn mạnh: “Chúng tôi không còn cảm thấy việc tiếp tục tham gia cuộc thi này là phù hợp với các lợi ích kinh tế của Maldives”.
Theo kế hoạch, Maldives sẽ chỉ đầu tư tối đa là 12.000 USD chi phí cho toàn bộ cuộc thi này. Số tiền đó chủ yếu được chi cho các biểu ngữ và hệ thống bình chọn tại sân bay quốc tế Male. Vào năm 2009, New Open World Corporation (NOWC) - công ty chủ quản New7Wonders chỉ yêu cầu các bên nộp khoản phí tham gia là 199 USD. Tuy nhiên, khi Maldives được bình chọn nhiều và lọt vào vòng chung kết, NOWC đã yêu cầu họ nộp thêm phí tham gia cùng nhiều khoản phí khác chưa rõ ràng so với thỏa thuận ban đầu.
Các quan chức ngành du lịch nước này ước tính, tổng chi phí phát sinh nếu tiếp tục tham gia cuộc thi này vào khoảng nửa triệu USD; bao gồm: Gói Tài trợ Platinum phí 350.000 USD; Gói tài trợ Vàng lệ phí 210.000 USD; Đài thọ sự kiện "World Tour", trong đó trả toàn bộ chi phí cho một phái đoàn đến thăm đất nước, cung cấp khinh khí cầu khí nóng, chi phí báo chí, vé máy bay, ăn ở, thông tin liên lạc…
Đó là chưa kể đến 1.000.000 USD để một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông quốc gia được tham gia vào chiến dịch này (tính trung bình, mỗi công dân Maldives sẽ phải đóng 3 USD mới đủ cho khoản phí này), sau đó giảm xuống còn 500.000 USD; 1.000.000 USD để 1 hãng hàng không Maldives có cơ hội được quảng bá hình ảnh thông qua cuộc thi này...
Khi các quan chức ngành du lịch Maldives bày tỏ mối lo ngại về mức phí tham gia quá cao, NOWC cũng đã tỏ ra "thông cảm" với tình hình kinh tế của quốc gia này, đồng thời “hướng dẫn” họ kiếm tiền từ việc kinh doanh tại các khu nghỉ mát.
Tuy nhiên, Maldives tuyên bố, họ không thể đáp ứng được yêu cầu trên từ NOWC bởi “chúng quá vô lý, đội lên quá nhiều so với khoản phí tham gia ban đầu, thêm vào đó lại chưa được minh bạch”.
Bernard Weber - một người Canada gốc Thụy Sĩ, cha đẻ của ý tưởng tạo ra cuộc thi này phủ nhận việc "làm tiền" các quốc gia tham dự |
"Đồng minh" bỏ của chạy lấy người
Maldives không phải là quốc gia duy nhất bị yêu cầu nộp khoản phí tham gia bất ngờ và không được rõ ràng so với những gì được ghi trong bản hợp đồng như trên. Theo một nguồn tin, NOWC cũng đã yêu cầu các quan chức ngành du lịch Indonesia nộp thêm khoản phí 10 triệu USD để Vườn quốc gia Komodo của họ trở thành kì quan thiên nhiên mới của thế giới, đồng thời đề nghị họ nộp thêm 35 triệu USD để được trở thành đăng cai sự kiện World Tour.
Trong tháng 2 năm nay, Jakarta Post đưa tin, Bộ trưởng Du lịch và Văn hoá Indonesia Jero Wacik đã nhận được một lá thư vào ngày 29/12/2010 với nội dung NOWC sẽ loại Vườn quốc gia Komodo của họ ra khỏi danh sách những kì quan lọt vào vòng chung kết của cuộc thi nếu họ từ chối chi trả khoản phí lên tới 10 triệu USD.
Khi đó, ông Wacik đã nói: “Thật không công bằng và bất hợp lý.Tôi không bao giờ để bị tống tiền bởi bất cứ ai, bao gồm cả tổ chức phi chính phủ này. Tôi cứ tưởng rằng trở thành kì quan thế giới hay không là do mọi người bình chọn, chứ thế này thì tổ chức sự kiện trên làm gì?”
Bác lại những lời chỉ trích trên, ông Bernard Weber - một người Canada gốc Thụy Sĩ, cha đẻ của ý tưởng tạo ra cuộc thi này phản pháo rằng Bộ trưởng Du lịch và Văn hóa Indonesia Jero Wacik đã phản ứng thái quá trước những thông tin sai lệch đầy tai hại đó, bịa đặt ra những thỏa thuận tài chính mới, có những hành động chứng tỏ sự thiếu trách nhiệm đạo đức.
Cũng theo Bernard Weber, với cách cư xử đó, ông Jero Wacik đã tự mình đánh mất đi cơ hội được tổ chức các sự kiện mang tầm cỡ quốc tế như Olympics hay World Cup ở Indonesia.
Bắt đầu từ tháng 8/2011, tất cả những hoạt động vận động bình chọn cho New7Wonders tại Indonesia đều chỉ do các tổ chức tư nhân tiến hành, còn các cơ quan nhà nước đồng loạt rút lui.
Hiện tại, phát ngôn viên của N7W Eamonn Fitzgerald liên tục phủ nhận việc New7Wonders yêu cầu thêm các khoản phí từ chính phủ Maldives.
M.Q
Bình luận