Sau thảm họa kép MH370 và MH17, các chuyên gia hàng không cho rằng lượng tiền mặt còn lại của Malaysia Airlines chỉ cho phép hãng hoạt động đến cuối năm 2015, trước khi phải xem xét tìm gói cứu trợ vốn từ chính phủ.
Các chuyên gia xử lý khủng hoảng hàng không cho rằng số phận của hãng bay hàng đầu Malaysia đang bị quật trong gió bão và lượng khách hàng có thể tiếp tục rơi tự do sau thảm họa hàng không mới nhất của hãng.
Thảm họa MH17 không chỉ là nỗi đau của các gia đình nạn nhân mà còn là đòn giáng mạnh vào tài chính và danh tiếng của hãng Malaysia Airlines - dù đó không phải lỗi của hãng - Ảnh: Reuters |
S&P Capital IQ nói tính đến cuối cuối quý I, Malaysia Airline chỉ còn 1,06 tỉ USD tiền mặt và tổng nợ là 3,7 tỉ USD - gấp đôi khoản nợ 1,78 tỉ USD hồi cuối năm 2011.
Tập đoàn mẹ Malaysian Airline System Bhd. báo cáo lỗ ròng 443 triệu USD ringgit (139,5 triệu USD) trong quý I/2014, tiếp nối mức lỗ 279 triệu ringgit cùng kỳ năm ngoái. Năm 2013, công ty báo lỗ 1,17 tỉ ringgit.
Lợi suất của Malaysia Airlines - số tiền hãng có được trên 1 hành khách bay 1 km - đã sụt giảm sau thảm họa đầu tiên, theo Giảng viên cấp cao ngành hàng không Ian Douglas tại trường Đại học University of New South Wales. Nếu hành khách tiếp tục “né” các tuyến bay của Malaysia Airlines, lợi suất còn giảm sâu hơn nữa.
Dữ liệu hàng tháng của công ty cho biết sau năm 2013 bùng nổ lượng khách đặt vé, tăng trưởng khách hàng của Malaysia Airlines đã giảm tốc đều đặn kể từ tháng Hai. Sau vụ vụ mất tích của MH 370 hồi tháng 3-2104, lượng sụt giảm hành khách theo năm là 4% và còn 1,3 triệu trong tháng 5-2014 - lần giảm đầu tiên kể từ tháng 9-2012. Nhưng, các quan chức của hãng cho biết lượng khách đã bắt đầu cải thiện trong những tuần gần đây.
Phản ánh sự mất niềm tin tiêu dùng, ông Douglas nói một số bạn bè của ông ở Úc đã hủy vé Malaysia Airlines và đặt lại vé của hãng đối thủ Singapore Airlines sau khi nghe tin tai nạn của chiếc MH17 hôm 17/7. Thậm chí họ thừa biết "tai nạn hàng không có thể xảy ra với bất kỳ hãng hàng không nào nào bay từ Tây Âu đến Đông Nam Á", ông này nói.
Nguyên nhân của thảm họa là chưa từng có tiền lệ, và rất khó để giới phân tích đánh giá được khả năng vực dậy của Malaysia Airlines. Nhưng họ cho rằng thách thức lớn nhất của hãng là làm cách nào để vẫn giữ được hành khách mà không phải chiết khấu quá nhiều - như một chiến lược gần đây mà hãng đang áp dụng nhằm lấp đầy mọi chỗ trống trên các chuyến bay.
Video máy bay MH17 bị bắn rơi:
Các nhà quan sát ngành công nghiệp này dự báo chính phủ Malaysia sẽ phải tham gia nếu tình hình ngày càng tồi tệ. Hồi đầu tháng 7/2014, một nguồn thạo tin tiết lộ công ty đầu tư nhà nước Khazanah Nasional Bhd. đang cân nhắc thâu tóm toàn bộ cổ phần còn lại trong Malaysia Airlines để xử lý khủng hoảng tài chính.
Họ nói rằng nếu công ty thuộc quyền quản lý của riêng mình thì họ sẽ dễ dàng đưa ra các quyết định khó khăn mà không bị cổ đông thẩm vấn. Giới phân tích nhận định bước đi hữu hiệu nhất là để cho hãng sụp đổ hoàn toàn, sau đó tái xây dựng lại từ đống đổ nát. Ông Tsang nói: "Dù việc khởi đầu lại từ con số 0 là rất cực đoan nhưng nó sẽ là biện pháp bền vững trong dài hạn".
Chuyên gia Jonathan Galaviz - đối tác tại hãng tư vấn Global Market Advisors khẳng định: "Thương hiệu Malaysia Airlines đã bị tổn thương nặng nề dù đó không phải là lỗi của hãng".
"Bi kịch kép trong thời gian ngắn như vậy chưa từng xảy ra trong lịch sử ngành công nghiệp hàng không", theo Chủ tịch toàn cầu kiêm chuyên gia xử lý khủng hoảng Vivian Lines tại Hill+Knowlton Strategies ở Singapore nói.
Cổ phiếu Malaysian Airline System giao dịch tại Kuala Lumpur gần đây đã giảm 11% sau khi rớt giá 18% trong phiên trước đó. Kể từ khi MH370 mất tích hồi tháng 3/2014, cổ phiếu của hãng đã giảm khoảng 25%.
WSJ cho rằng Malaysia Airlines cần tập trung xử lý khủng hoảng MH17 gọn gàng hơn cách họ đã làm đối với MH370. Lần nay, có vẻ như dễ dàng xác định được điều gì đã xảy ra - không giống như kết cục bí ẩn của MH370 - để an ủi các gia đình nạn nhân, chuyên gia Lines tại Hill+Knowlton nói.
Về lâu dài, Malaysia Airlines sẽ phải trấn an khách hàng về tính an toàn của đội bay, mà có thể đòi hỏi phải đại tu lại toàn bộ công ty và thương hiệu của mình, theo ông Lines.
Theo Tuổi trẻ
Bình luận