• Zalo

Mách nước cho bạn: Những lễ hội độc đáo đầu xuân

Văn hóa - Giải tríThứ Sáu, 27/01/2012 08:36:00 +07:00Google News

(VTC News) - Nếu Tết là sự cử hành những nghi thức đánh dấu sự giao chuyển của năm mới thì mùa xuân là mùa của Lễ hội.

(VTC News) - Nếu Tết là sự cử hành những nghi thức đánh dấu sự giao chuyển của năm mới thì mùa Xuân là mùa của Lễ hội. Đi hội Xuân cũng là một thu vui của cha ông ta từ hàng trăm năm nay, nhân ngày Tết đầu Xuân Nhâm Thìn, xin “mách” bạn một vài lễ hội độc đáo khắp chốn nhân gian.

Hội... Chen

Tươm tất, chỉnh tề trảy hội chẳng có gì lạ nhưng các cụ xưa cũng thường bảo: "tả tơi đi hội". Du Xuân đi trảy Hội Chen, người đi hội có khi quần áo tơi bời vậy mà phải chen lấn bở hơi tai mới vào được hội lễ thú vị này để được hân hoan cười tươi như bắt được vàng. Đó chính là Hội… Chen mở hội ngày 6 Tết hàng năm tại làng Nga Hoàng, Quế Võ, Bắc Ninh.

Hình ảnh nhộn nhịp của hội Chen 


Chen là tên dân gian đặt cho lễ hội bởi “đặc sản” của hội chính là… chen nhau. Phần linh thiêng nhất của hội là lễ rước. Trong đám rước ở Hội Chen có sự khác biệt, bỗng đâu có tiếng hô lập tức cánh đàn ông trong làng từ già trẻ lớn bé bắt đầu chạy xô vào phụ nữ bất kể trẻ già. Họ xô đẩy, giằng co, chen vai, dính vào rồi lại bật ra khỏi nhau…

Cuộc chen diễn ra thêm 2 lần nữa, 2 lần này đều xuất phát từ chị em, đầu tiên chị em chen cánh đàn ông trong làng, sau chen sang cánh đàn ông thiên hạ đến chơi hội... Hội Chen giờ dẫu không như xưa song, vẫn thành lệ, cứ đến đúng ngày hội làng thì nơi nơi nô nức kéo về trảy hội.

Đả cầu cướp phết

Cũng đến hội để chen lấn tới mệt bở hơi tai còn có ở lễ hội Đả cầu cướp phết ở xã Bàn Giản, Lập Thạch, Vĩnh Phúc. “Chen” ở hội này gợi tới hình ảnh quyết tâm đánh đuổi giặc thù. Tương truyền, trong trận chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược lần thứ 3, trên đường điều binh Hưng Đạo Đại Vương ngày 15.2.1288 qua Bàn Giản dừng lại lập đàn tế bách thần phù trợ.

Thanh niên chen chân cướp phết 


Có “âm phù dương trợ” năm đó ta đại thắng đánh tan quân xâm lược và bắt được tướng giặc Ô Mã Nhi ở sông Bạch Đằng. Để ghi nhớ, nhân dân Bàn Giản tổ chức lễ hội Đả cầu cướp phết nhằm ngày 15.2 diễn tích toàn dân đánh giặc. Mồng phết làm bằng gốc tre, trổ đầu ngựa tượng trưng kỵ binh, cướp phết bằng tay tượng trưng bộ binh.

Lúc rước kiệu vua đi trước, trai đinh ôm theo quả phết đi sau, đến giữa sân hội, quả phết được tung lên, cả hội ào vào cướp. Trong biển người đó xuất hiện một trai đinh thắt đai đỏ phất cờ sai tượng trưng cho xung trận. Người cướp được phết vinh dự ôm vào bái yết trước cửa đền, còn cả lễ hội ai cũng “tả tơi hoa lá” nhưng nét mặt vẫn hớn hở.

Hội... Ông Ỉ

Kinh Bắc nổi tiếng với nhiều lễ hội, nhưng một trong những nét độc đáo cùng đất Bắc Ninh phải nói đến những lễ hội gắn liền với “ông ỉ” khá kỳ lạ. Như hội rước lợn ỉ và đuổi cuốc ngày mồng 4 tết ở làng Trà Xuyên, Khúc Xuyên, Yên Phong, hội rước ông ỉ đen làng Vân Đoàn, Đức Long, Quế Võ vào ngày 10 -15 tháng Giêng.

Đặc biệt hội Chém lợn tế thần của làng Ném Thượng - tức Khắc Niệm, một trong 49 làng Quan họ cổ vào ngày mùng 6 Tết. Hội gắn liền với sự tích một vị tướng cuối đời Lý dẫn quân đi đánh giặc về đến vùng này đã chém lợn rừng để nuôi quân. Người dân ghi nhớ công ơn khai khẩn đất đai, mở làng đã tôn vị tướng quân là thành hoàng và hằng năm mở hội chém lợn. Năm 1999 Bắc Ninh đã phục hồi lễ hội này.

Hội Ông Ỉ ở làng La Phù (Hà Nội) 


Cũng ông ỉ nhưng được trang trí rất điệu đà đẹp mắt phải kể tới lễ hội ở làng La Phù (Hoài Đức, Hà Nội) từ 11 - 13 tháng Giêng. Lễ rước ông ỉ được tổ chức vào ngày kết thúc hội. Có 8 ông ỉ được các xóm rước từ nhà ra đình, tới 21h đêm các ông ỉ được mang vào trong cung để đúng 0h tế lễ.

Sau đó sẽ chấm giải ông ỉ đẹp nhất và các ông được mang trở lại nhà chủ chia đều cho mọi nhà với mong muốn năm mới mùa màng bội thu, chăn nuôi mát tay, nhiều may mắn.

Chợ Âm Dương

Lễ hội độc nhất vô nhị cho người âm và người dương gặp nhau đầu Xuân đó chính là chợ âm dương làng Ó (Xuân Ổ - TP Bắc Ninh). Chợ chỉ họp mỗi năm 1 lần vào đêm mồng 4 rạng sáng mồng 5 tết. Người dân địa phương quan niệm, mở phiên chợ cho những người thân đã âm dương cách biệt có cơ hội gặp nhau, cho nên dù là chợ nhưng không hề ồn ào.

Hình ảnh chợ đêm Âm Dương 


Chợ chỉ bán gà mái đen và vàng mã để người mua đốt cho người thân. Người bán thách, người mua không ngả giá, người ta chỉ thì thào làm quen, đến khi tàn chợ mời nhau về nhà chơi cũng là lúc làng khai hội xuân để chủ và khách cùng hát những câu Quan họ. Ở hội này, người ta mua gà mái đen về dâng thành hoàng và cúng gia tiên.

Ngày nay, chợ Âm Dương đã khác nhiều, không chỉ có gà mái đen và vàng mã, nhiều mặt hàng đã được bày bán và người đi chợ cũng đã tự do thoải mái bán mua cho đến khi ưng ý mới thôi. Nhưng, truyền thống về một lễ hội được tổ chức vào ban đêm trước khi khai hội chính của làng vẫn được duy trì.

Con đĩ đánh bồng và Xẩm

Múa dân gian hầu như xuất hiện ở khắp các hội làng trên toàn quốc, song đặc sắc đến mức trở thành đặc sản của lễ hội có lẽ không thể không kể tới hội làng Triều Khúc (Hà Nội) ngày mồng 10 - 12 tháng Giêng với “đặc sản” là điệu múa cổ Con đĩ đánh bồng. Con đĩ chính là các chàng trai ăn vận quần áo giả gái và cầm trống bồng múa góp phần tạo cho đám rước thêm tưng bừng xóm thôn.

Ngay trung tâm Hà Nội gần đây còn có thêm lễ hội của người Hát Xẩm vào ngày 22/2 tại đình Hào Nam (Đống Đa). Tưởng chừng đó là những người hành khất, nhưng không phải, mặc dù bị đánh đồng với ăn xin ăn mày nhưng người Hát Xẩm kiếm sống bằng giọng hát và tiếng đàn. Đến hội, bên cạnh phần lễ có thể thoải mái thưởng thức những làn điệu Hát Xẩm.

Hát Xẩm trong lễ hội 


Có được sự hồi sinh của lễ giỗ tổ là nỗ lực của Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc VN, hy vọng lễ giỗ được tiến hành đều đặn thường niên góp vui cho sắc xuân Hà thành.

Tất nhiên vẫn còn rất nhiều lễ hội độc đáo trong khắp chốn nhân gian mỗi độ Xuân về. Xin chúc quý bạn một mùa Xuân  - mùa trảy hội nhiều niềm vui, hạnh phúc.

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long

Bình luận
vtcnews.vn