• Zalo

Ma trận 'bẫy tử thần’ trong mùa mưa bão ở Hà Nội khiến người đi đường khiếp vía

Thời sựThứ Hai, 03/07/2017 07:28:00 +07:00Google News

Mùa mưa bão đến cũng là lúc người dân Hà Nội nơm nớp nỗi lo khi phải đối mặt với những nguy hiểm luôn rình rập trên đường như cây đổ, sập hố ga, điện giật…

Những “bẫy ngầm” dưới đất

Những hố ga không có nắp đậy nằm ở giữa đường hoặc gần vỉa hè không phải là hình ảnh hiếm gặp ở Hà Nội. Trong thời gian qua đã xảy ra rất nhiều vụ tai nạn thương tâm vì lọt hố ga.

Còn nhớ trong trận mưa lịch sử năm 2008 khiến Hà Nội ngập lụt nhiều ngày, trong số hơn 20 người chết thì có đến 4 người chết do lọt hố ga. Càng đau lòng hơn khi có người tụt xuống hố ga và bị nước cuốn đi xa hàng trăm mét, nhiều ngày sau lực lượng chức năng mới tìm thấy xác.

Ngoài ra còn hàng chục vụ lọt hố ga liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây mà nạn nhân không chỉ người đi đường mà còn có cả xe buýt, xe bồn…

DSC07593

Những hố ga không được đậy nắp chờ "nuốt" người đi đường.

Theo quan sát, hiện nay bên cạnh các hố ga có chức năng thoát nước thì còn rất nhiều hố ga khác dùng để kéo dây cáp điện lực, viễn thông, phần điều khiển cột đèn tín hiệu… Một số hố ga tuy có nắp đậy nhưng cũng rất sơ sài, không đảm bảo an toàn (đậy bằng mặt bàn, rào bằng cây, tấm xốp…).

Theo số liệu của Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Thoát nước Hà Nội, hiện nay trên địa bàn toàn thành phố có đến hơn 80.000 hố ga các loại. Tuy nhiên, số hố ga mà Công ty thoát nước Hà Nội quản lý chỉ chiếm khoảng 50%, số còn lại do các đơn vị khác như bưu chính viễn thông, điện lực… quản lý.

Video: Hàng loạt 'hố tử thần' rình rập trên con đường nghìn tỷ vừa thông xe

Thực tế trên dẫn đến tình trạng chồng chéo trong quản lý. Khi người dân phản ánh thì đơn vị này đổ trách nhiệm cho đơn vị kia. Hệ quả là đến nay vẫn có rất nhiều hố ga ở các đường phố, vỉa hè Hà Nội vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”, không nắp đậy, nằm chờ “nuốt người” mà không có ai xử lý.

“Tử thần” trên cao

Bên cạnh những “bẫy ngầm” dưới đất, người dân Hà Nội còn nơm nớp nỗi lo với những “tử thần” từ trên cao có thể giáng xuống bất cứ lúc nào. 

Năm 2012, khi hoàn lưu cơn bão số 5 chỉ lướt qua Thủ đô nhưng cũng đã đủ để quật ngã hơn 200 cây xanh, trong đó có không ít cây cổ thụ. Một tài xế lái xe taxi Mai Linh đã thiệt mạng ngay trong xe khi bị một cây xà cừ cổ thụ trên phố Lò Đúc bật rễ đè vào.

26fef1c5-24fc-40bb-af90-48545e4f5aa1 4

Cành cây đổ trên phố Bà Triệu đè lên người đi xe máy trên đường. (Ảnh: Đoàn Viên)

Tháng 6/2015, một nữ sinh viên quê Ninh Bình cũng đã chết tức tưởi trên đường đi học về khi bị cây cổ thụ bật gốc đè trúng người.

Chỉ tính từ năm 2014 đến nay, đã có hàng chục cây đổ do mưa dông xảy ra trên địa bàn Hà Nội khiến hàng chục người thương vong. Những con số trên đã trở thành nỗi ám ảnh thường trực trong mỗi người dân khi ra đường trong mùa dông bão.

Những con số đó cũng đã phần nào nói lên sự “xuống cấp” của hệ thống cây xanh trong nội đô, và có lẽ cũng không ai dám chắc rằng những thảm kịch tương tự trên sẽ không còn lặp lại.

Nói về biện pháp nhằm phòng ngừa những thảm kịch do cây đổ trong mùa mưa bão, ông Vũ Kiên Trung – Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội cho biết: “Chúng tôi sẽ cố gắng làm hết sức”. Song ông Trung cũng thừa nhận, để khẳng định không xảy ra đổ cây thì không thể, vì có nhiều nguyên nhân khác nữa.

Ông Trung cho biết: “Hiện chúng tôi cũng đang ra quân tiến hành kiểm tra, rà soát và cắt cành, tỉa ngọn các cây lớn trên các tuyến phố. Biện pháp này sẽ giúp tỉa lọc các cành cây yếu và khi gió lớn thì cây sẽ đứng vững, không bị gió quật ngã. Nhưng đó chỉ là phần ngọn. Chứ phần gốc ngầm dưới đất thì rất khó kiểm tra.

Ví dụ như bên điện nước hay viễn thông họ đào đường ngầm để đặt dây cáp, họ vô tình chặt các rễ của cây, khiến trọng tâm cây bị lệch, đây cũng là điều rất nguy hiểm khi có dông bão vì cây vẫn có thể đổ”.

Hiểm họa điện giật

Những chiếc bẫy dây diện chằng chịt từ trên cao ngay khu dân sinh. Có nơi, sợi dây điện đứt rời và rơi xuống đường, gây nguy hiểm cho người đi đường.

Có một thực tế đang diễn ra là tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện hiện nay rất phổ biến ở các tuyến phố của Hà Nội. Những vi phạm về an toàn lưới điện thường là không đảm bảo khoảng cách an toàn từ đường điện đến khu dân cư sinh hoạt gây nguy hiểm cho người dân.

DSC07620 3

Dây điện rơi xõa xuống lòng đường.

Trong trận mưa đầu mùa năm 2010, một vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra tại Hà Nội: 3 phụ nữ bị điện giật chết khi đang đi bộ trên đường. Thậm chí có người bị điện giật ngay giữa phố đông người nhưng không ai dám cứu vì sợ bị điện giật.

Bên cạnh đó, hiện nay các tủ điện đặt ở Hà Nội cũng chưa đảm bảo an toàn. Hầu hết chỉ nằm cách nhau vài chục mét, thậm chí chỉ 10m lại có một tủ điện. Những tủ điện đặt ngay dưới đất, cùng lắm là đặt trên trụ bê tông cao vài chục cm vừa gây mất mỹ quan đường phố, vừa gây mất an toàn giao thông lại vừa nguy hiểm nếu nước ngập vào tủ điện. Đặc biệt, tủ điện này càng gây nguy hiểm khi đặt tại nhiều cổng trường học trên đường phố.

Khi trời mưa, đường phố ngập nước tuy chưa tới tủ điện nhưng do tủ đặt thấp, bộ phận tiếp đất kém, các phương tiện ô tô, xe máy đi qua tạo sóng sẽ đẩy nước vào tủ điện, gây nguy hiểm cho người dân.

Dù dư luận đã nhiều lần lên tiếng, đại diện phía Tổng Công ty Điện lực đã nhiều lần “hứa”, song tình trạng trên đến nay vẫn không được cải thiện bao nhiêu.

Mùa mưa bão 2017 đã cận kề, người Hà Nội lại nơm nớp nỗi lo mỗi khi ra đường lúc mưa bão. Không lo sao được khi những “cái bẫy” chết người bủa vây khắp nơi từ trên cao, dưới lòng đất, sát ngay cạnh nhà mình.

Những mối nguy hiểm tiềm tàng trên không phải không ai nhận ra. Khi nào thì người dân Thủ đô không phải nơm nớp trước các “bẫy tử thần” trên những đường phố? Câu trả lời xin dành cho các cơ quan chức năng TP Hà Nội.

Tuấn Linh
Bình luận
vtcnews.vn