"Khi ấy, cướp biển là nghề hợp pháp vì Somali là một xã hội vô chính phủ, còn chúng tôi thì chẳng khác nào những đứa trẻ mồ côi", ông từng nói.
Khi bộ phim bom tấn “Thuyền trưởng Phillips” gây sốt tại phòng vé Mỹ, thu về 26 triệu USD ngay trong tuần đầu, cũng là lúc Mohamed Abdi Hassan – trùm cướp biển một thời đã “về hưu” tất bật bay tới Bỉ với kế hoạch bán câu chuyện đời mình cho một hãng phim.
Nổi tiếng với biệt danh "Afweyne", tức "Mồm rộng", Afweyne từng có nhiều năm lênh đênh khắp Ấn Độ Dương, dắt túi hàng triệu USD từ những pha cướp biển.
Tuy nhiên khi vừa đặt chân xuống đất Bỉ, giấc mộng đặt chân vào Hollywood của “Mồm rộng” đã đổ vỡ tan tành. Cảnh sát Bỉ tra tay Afweyne vào còng ngay khi ông đặt chân xuống sân bay, với các tội danh cướp biển và bắt cóc con tin.
Afweyne và đồng phạm vừa sa vào cái bẫy khó tin nhất, đã được các nhà lập pháp Bỉ dày công sắp đặt nhiều tháng để tóm cổ chủ mưu của nhiều vụ cướp biển năm 2009 và tàu Pompei thuộc sở hữu của Bỉ.
Mặc dù có hơn 1.000 quân cướp biển Somali đã bị bỏ tù tại hàng chục quốc gia, Afweyne sẽ là thủ lĩnh hải tặc đầu tiên bị đưa ra xét xử trước cộng đồng quốc tế, với phiên xét xử được tiến hành tại Bỉ.Afweyne từng có nhiều năm lênh đênh khắp Ấn Độ Dương, dắt túi hàng triệu USD từ những phi vụ cướp bóc.
Có công "khai phá" ngành cướp biển
Mặc dù ước mơ được khắc họa trên màn ảnh lớn của Afweyne đã tan tành, ông ta sẽ vẫn được nhớ đến như một trong những cướp biển thế hệ đầu tiên có “công” tổ chức phe cướp biển Somali thành một “ngành công nghiệp” hàng triệu USD.
Theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới, doanh thu của cướp biển Somali trong khoảng từ 2005 – 2013 có thể cán mốc 413 triệu USD.
Giống nhiều “đồng nghiệp”, Afweyne một mực khẳng định ông ta không phải là một kẻ bắt cóc mà là lãnh đạo của một “phong trào tự vệ hợp pháp” để bảo vệ tài nguyên biển của Somali.
Đúng là trên thực tế, một số hải tặc Somali thế hệ đầu đã “tuần duyên” và thu thuế từ hoạt động đánh bắt cá trái phép, có thể nói Afweyne không phải là một trong số này.
Thay vào đó, ông ta là một doanh nhân khôn khéo, thành công trong việc nhào nặn băng đảng cướp biển nghiệp dư tại khu tự trị Puntland thành một đế chế kinh doanh thu tiền như nước.
Ngược về năm 2003, cựu dân quân một thời đã kêu gọi các nhà đầu tư đổ tiền vào một dự án được ông cho là “ý tưởng kinh doanh vô cùng xuất sắc”, đồng thời tổ chức tuyển chọn cựu cướp biển từ Puntland để tự mình huấn luyện. Những người này sau đó được gia nhập đội quân “Hàng hải Somali” do Afweyne điều hành.
Đây là tổ chức tiền thân của nhóm cướp biển Somali thời hiện đại: Dịch chuyển trên các nhóm tàu nhỏ và hỗ trợ tàu mẹ “đi săn” các tàu chở hàng trong phạm vi hàng trăm dặm cách xa bờ biển.
Trong những năm tháng hoàng kim, Tổ chức theo dõi cướp biển Somali của Liên hiệp quốc cho biết ông trùm hải tặc này đứng sau ít nhất 7 vụ bắt cóc chỉ tính trong năm 2009, trong khi một báo cáo khác khẳng định ông là chủ mưu của hàng chục vụ tấn công khác, trong đó có cả tàu chở dầu siêu tải trọng Sirius Star, đòi nhiều triệu USD tiền chuộc, và tàu MV Faina của Nga năm 2008 chở 33 xe tăng, con tàu này sau đó được phóng thích với 3 triệu USD tiền chuộc.
Thậm chí, Afweyne còn được tôn lên như một “biểu tượng”, được cố lãnh đạo Libya - Muammar Gaddafi tiếp đãi với nghi lễ dành choanh hùng dân tộc vào năm 2009.
Mánh làm ăn khôn khéo
Giống nhiều trùm tội phạm tinh ranh, Afweyne tìm cách để đa dạng hóa khoản đầu tư, cùng lúc giảm thiểu tối đa rủi ro cá nhân.
Ví dụ, “tập đoàn” của ông nổi tiếng là đầu mối cung cấp khat – một loại lá thảo dược gây ảo giác được giới hải tặc ưa chuộng.
Theo báo cáo của Liên hiệp quốc, Afweyne dùng tiền thu được từ các vụ chuộc con tin đổ vào canh tác lá khat tại Kenya. Sản phẩm sau đó được tuồn về làng chài Harardhere, rồi chuyển tới bờ biển Somali, nơi khat được cướp biển mua với giá cao gấp ba lần chợ đen.
Đến năm 2010, Afweyne đã truyền lại băng nhóm cướp biển cho con trai quản lý, để tập trung thời gian toàn phần vào quản lý đế chế kinh doanh kéo dài từ Dubai sang Ấn Độ.
Đương nhiên, không phải lúc nào công việc cũng thuận buồm xuôi gió. Một trong những rủi ro lớn là nhóm phiến quân Hồi giáo al-Shabab. Nhóm này thường xâm lấn địa bàn của cướp biển tại Haradhere và Hobyo vào những năm 2010.
Al-Shabab từng thề sẽ xóa bỏ tội ác gây ra bởi những tên hải tặc không theo đạo Hồi, nhưng “triết lý” của phiến quân này nhanh chóng bị các món lợi vật chất bóp méo.
Năm 2010, Afweyne và cấp trên là một trong những lãnh đạo cướp biển đầu tiên đạt được thỏa thuận chính thức với các tay súng Hồi giáo.
Afweyne cam kết sẽ trả cho họ hơn 100.000USD tiền thuế cho mỗi vụ bắt cóc, đổi lại nhóm phiến quân sẽ không can dự vào hoạt động làm ăn của Afweyne.
Trong một buổi phỏng vấn sau này, Afweyne từng thừa nhận phải trả 5% số tiền chuộc con tin cho al-Shabab dưới dạng “chi phí an ninh”.
“Chẳng có mối quan hệ chính trị nào ở đây hết, mọi người làm ăn với nhau vì tiền”, ông trả lời nhật báo ABC của Tây Ban Nha.
Về hưu, hướng thiện
Afweyne vẫn phủ nhận cáo buộc cho rằng nhóm cướp biển của ông từng hợp tác với phiến quân al Qaeda, nhưng theo lời con trai trùm cướp biển, hai bên có mối quan hệ kéo dài tới tận tháng 4/2012.
Afweyne từng thừa nhận phải trả 5% số tiền chuộc con tin cho al-Shabab dưới dạng “chi phí an ninh”.
Đây cũng là năm Afweyne gặp khó vì lực lượng an ninh được tăng cường. Mặc dù vẫn thu được hàng triệu USD từ các vụ bắt cóc, giờ việc đuổi bắt đầu trở nên khó hơn và nguy hiểm hơn.
Năm 2010, có 49 vụ bắt cóc thành công ngoài khơi Somali, con số này giảm xuống 28 vụ 1 năm sau đó. Đến năm 2012 chỉ còn 14 vụ.
Số lượng tàu tuần duyên vũ trang không chỉ gia tăng, lực lượng hải quân liên minh giữa EU và Mỹ cũng quyết liệt hơn, sẵn sàng bắt giữ nghi can hải tặc và phá hủy tàu nghi ngờ tại trận.
Có thể vì suy tính thiệt hơn, Afweyne đã chính thức tuyên bố bỏ nghề cướp biển vào tháng 1/2013.
Sự nghiệp mới được ông trùm chọn lựa là thuyết phục các thanh niên từ bỏ việc cướp biển. “Tôi từng thuyết phục thành công nhiều đồng nghiệp bỏ việc”, Afweyne khẳng định.
Ý thức rằng bản thân đang dính nhiều cáo buộc từ cộng đồng quốc tế, cựu hải tặc đã tự đề vào ghế lãnh đạo Chính phủ Liên bangSomali (SFG), và đàm phán thỏa thuận nhằm ân xá cho các tên cướp biển Somali, sau đó giúp họ tái hòa nhập cộng đồng.
Cùng lúc, Afweyne thành lập Cơ quan chống hải tặc Somali tại thành phố Mogadishu, nỗ lực kêu gọi nguồn tài trợ từ quốc tế và chính phủ để các trại phục hồi chức năng thuần hóa cướp biển.
Sa lưới
Tính đến nay đã có hơn 80 quốc gia đưa các tội ác cướp biển ra xét xử, Bỉ và Seychellois là hai nước có công lớn nhất trong việc tóm gọn ông trùm hải tặc Somali.
Tháng 4/2009, cả tàu Pompei của Bỉ và Indian Ocean Explorer của Seychellois đã bị bắt cóc bởi cùng một băng nhóm, giam giữ gần làng Harardhere. Sau khi con tin được phóng thích, hai chính phủ đã bắt đầu trao đổi thông tin liên quan đến vụ điều tra.
Hai năm sau, lực lượng hải quân đã lọc ra 6 nghi can và chuyển họ cho Seychellois điều tra. Sau phân tích ảnh và vân tay, INTERPOL khẳng định Afweyne có liên quan tới vụ bắt cóc tàu Pompei.
Nghi ngờ chính quyền Somali sẽ không trừng phạt ông trùm một thời, Bỉ đã ấp ủ một kế hoạch có sự tham gia của lực lượng chống tội phạm đặc biệt và cảnh sát liên bang.
Giới chức đã thuyết phục được Afweyne và đồng phạm là Mohamed Aden Tiiceey chấp nhận làm cố vấn cho một cuốn phim về cướp biển, nói về cuộc đời họ. Hai cướp biển khét tiếng không hề biết mình đã bước một chân vào cái bẫy của Bỉ.
Sau khi bị bắt, Afweyne có khả năng phải đối mặt với án tù 15 năm vì tội cướp biển và 30 năm vì tội bắt cóc con tin.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng vụ bắt giữ Afweyne không hẳn là một thành công. Ông trùm cướp biển một thời có đủ nguồn lực tài chính để bảo vệ bản thân trước tòa. Tài sản của ông ta không bị chính phủ tịch thu, vị trí quan trọng của ông trong chính phủ liên bang Somali cũng mang lại nhiều thuận lợi.
Rất có thể SFG sẽ thay mặt Afweyne có các biện pháp can thiệp để bảo vệ “nhà hoạt động” chống cướp biển tích cực của tổ chức. Tại Somali, nhiều cuộc biểu tình phản đối lệnh bắt giữ đã nổ ra.
Nhiều người giữ lập trường cho rằng cướp biển không phải là hoạt động tự phát, nó bắt nguồn từ những thiếu sót của chính phủ Somali. Ở một đất nước nơi GDP trên đầu người chỉ đạt 600 USD, trong khi Kenya là 1.700 USD, lao động ít có cơ hội việc làm thì chuyện kiếm được 6.000 USD cho mỗi vụ cướp biển thành công trở thành lựa chọn hấp dẫn của thanh niên Somali.
Bản thân Afweyne cũng từng đổ lỗi cho hoàn cảnh đã đẩy mình vào con đường bất lương. Hồi đầu những thập niên 90, công ty hải sản của Afweyne bị hủy hoại trước sự lấn áp của những đội tàu đánh cá từ nước ngoài, giữa thời điểm đất nước Somali bị nhấn chìm vào cuộc nội chiến.
Nhiều người giữ lập trường cho rằng cướp biển không phải là hoạt động tự phát, nó bắt nguồn từ những thiếu sót của chính phủ Somali.
"Khi ấy, cướp biển là nghề hợp pháp vì Somali là một xã hội vô chính phủ, còn chúng tôi thì chẳng khác nào những đứa trẻ mồ côi", ông từng nói.
Theo BizLiv
Bình luận