(VTC News) - Xuất hiện tại Việt Nam dưới hình thức liên doanh nhưng Coca Cola lần lượt loại bỏ từng đối tác của mình để trở thành công ty 100% vốn nước ngoài.
Liên doanh để thâm nhập
Liên doanh với nước ngoài là xu thế tất yếu. Đó là nhận định của hầu hết các chuyên gia về xu hướng phát triển kinh tế của Việt Nam khi nước ta mở cửa thị trường. Trong thời gian đầu mở cửa, các đối tác nước ngoài thường “dựa” vào doanh nghiêp trong nước để nhờ giải quyết thủ tục hành chính, giấy tờ. Rất ít các trường hợp liên doanh thật sự mà đối tác tìm thấy “sức mạnh nội lực” của doanh nghiệp Việt Nam.
Vì thế, một khi đã đạt được mục đích thì phía đốc tác nước ngoài sẽ kiếm cớ đẩy doanh nghiệp Việt Nam ra khỏi liên doanh và “thâu tóm” công ty. Nếu doanh nghiệp thiếu kinh nghiệm, kém cảnh giác thì rất dễ rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài.
Coca Cola là một trong những trường hợp điển hình cho việc “kết hôn” với doanh nghiệp khi chân ướt chân ráo bước chân vào thị trường Việt Nam rồi “ly hôn” sau vài năm “chung sống”.
Coca Cola bắt đầu biết đến tại Việt Nam từ năm 1960, tuy nhiên phải 30 năm sau, năm 1994 mới bắt đầu chính thức kinh doanh. Trải qua gần 20 năm phát triển, Coca Cola Việt Nam đã trở thành một thương hiệu lớn tại Việt Nam. Ngày nay, Coca Cola được biết đến là công ty 100% vốn nước ngoài. Tuy nhiên, trước đó, công ty này đã trải qua một thời kỳ dài liên doanh, liên kết với các đối tác Việt Nam.
Tháng 8/1995, liên doanh đầu tiên giữa Coca-Cola Đông Dương và Công ty Nông nghiệp và Thực phẩm Vinafimex được thành lập, có trụ sở tại miền Bắc.
Chỉ 3 năm sau, vào tháng 1/1998, thêm một liên doanh nữa xuất hiện tại miền Trung - Coca-Cola Non Nước. Đó là quyết định liên doanh cuối cùng của Coca-Cola Đông Dương tại Việt Nam, được thực hiện do sự hợp tác với Công ty Nước Giải Khát Đà Nẵng.
Tháng 10/1998, Chính Phủ Việt Nam đã cho phép các Công ty Liên Doanh trở thành Công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài. Các Liên Doanh của Coca-Cola tại Việt Nam lần lượt thuộc về quyền sở hữu hoàn toàn của Coca-Cola Đông Dương, và sự thay đổi này đã được thực hiện trước tiên bởi Công ty Coca-Cola Chương Dương – miền Nam.
Tháng 3 đến tháng 8/1999, liên doanh tại Đà Nẵng và Hà Nội cũng chuyển sang hình thức sở hữu tương tự.
Tháng 6/2001, được sự cho phép của Chính phủ Việt Nam, ba Công ty Nước Giải Khát Coca-Cola tại ba miền đã hợp nhất thành một và có chung sự quản lý của Coca-Cola Việt Nam, đặt trụ sở tại Quận Thủ Đức – Thành Phố Hồ Chí Minh.
Vậy là chỉ sau 6 năm đặt chân tới Việt Nam, Coca Cola đã kịp “kết hôn” rồi “ly hôn” với nhiều doanh nghiệp Việt.
Coca Cola “đẩy” doanh nghiệp Việt ra khỏi liên doanh
Khi mới đặt chân vào Việt Nam, Coca Cola đối đầu ngay với đối thủ sừng sỏ Pepsi. Ngay lập tức người tiêu dùng Việt Nam được chứng kiến cuộc thư hùng giữa hai đối thủ “truyền kiếp” là Pepsi và Coca-cola.
Chiến tranh giữa hai gã khổng lồ bắt đầu vào năm 1996. Cả hai tung ra rất nhiều hoạt động khác nhau thông qua những chiến dịch quảng cáo, khuyến mãi như thay đổi bao bì sản phẩm, chiết khấu cho đại lý, cắt giảm giá thành, tặng quà hoặc tăng mức tính dụng cho đại lý. Kết quả là những chiến dịch này đã mang đến những khoản lỗ khổng lồ cho cả hai nhãn hiệu từ năm 1996 đến năm 2000. Số liệu của Cục Thuế TP.HCM cho biết, Coca-Cola lỗ dài dài kể từ khi chính thức hoạt động tại Việt Nam đến nay.
Điều này khiến cho việc liên doanh nằm trong tình trạng không có lời suốt nhiều năm và bên đối tác Việt Nam đành trao quyền lại cho phía nước ngoài. Với việc lỗ triền miên, Coca-Cola dần dần loại bỏ từng đối tác Việt Nam để trở thành công ty 100% vốn nước ngoài.
Đối tác đầu tiên phải rút lui là Vinafimex. Nhiều thông tin cho thấy Vinafimex đã bán 30% cổ phần của mình tại Coca-Cola cho Coca-Cola với giá 2 triệu USD.
Năm 2001, Nhà máy Coca-cola Ngọc Hồi, Nhà máy Coca-cola Chương Dương (Hà Nội) và Nhà máy Coca-cola Non Nước (Đà Nẵng) đã được Bộ Công nghiệp cho phép sáp nhập. Như vậy, một công ty chuyên sản xuất và kinh doanh nước ngọt lớn nhất tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư trên 350 triệu USD đã ra mắt.
Vốn đầu tư hiện có của 3 nhà máy trên lần lượt là 151 triệu USD, 182,5 triệu USD và 25 triệu USD. Sau khi mua hết phần vốn góp của liên doanh trong nước, tại thời điểm đó 3 nhà máy có tổng công suất gần 400 triệu lít Coca-cola/năm này đều là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.
Sau đó, theo Công văn 2129 của Bộ Công nghiệp, Bộ này đã đồng ý về nguyên tắc sáp nhập 3 doanh nghiệp của tập đoàn Coca-cola tại Việt Nam.
PGS. TS. Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam nhìn nhận, trước đây Coca-Cola đã từng lập liên doanh nước giải khát với Chương Dương. Thua lỗ kéo dài khiến đối tác Việt Nam phải nhượng lại phần vốn.
Ông Võ Văn Quang, chuyên gia thương hiệu hàng đầu tại Việt Nam cho biết không loại trừ việc Coca Cola lỗ triền miên và chuyển giá. Đây có thể là một trong các chiêu thức Coca Cola áp dụng để thâu tóm doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Quang phân tích, trong các chiêu thâu tóm doanh nghiệp Việt của các công ty nước ngoài, chiêu chuyển giá được đặt ở vị trí số 1.
Theo ông Quang, các liên doanh cùng ngành nghề thường xảy ra hiện tượng chuyển giá. Trong hợp đồng liên doanh, phía nước ngoài thường hay yêu cầu phía Việt Nam tiêu thụ một số sản phẩm của mình được sản xuất từ nước ngoài và kê giá cao hơn giá các mặt hàng khác cùng loại, cùng cấp độ thương hiệu.
Ngoài việc lách thuế do chênh lệch chính sách thuế ở các quốc gia thì gian lận về giá bán trong liên doanh cũng là lý do chính mà phía nước ngoài thực hiện "chuyển giá" vào liên doanh trong nước. Ngoài chuyển giá trong thành phẩm còn có chuyển giá một số nguyên liệu đầu vào.
Trong chiến lược của ngay cả các tập đoàn Đa-quốc-gia làm ăn chuyên nghiệp thì họ chỉ đầu tư công nghệ - nhà máy ở một vài quốc gia và chỉ cần ở một nơi nào đó chính quyền địa phương quản lý giá không chặt chẽ là chiêu trò này sẽ được mang ra áp dụng ngay lập tức.
Trong thời gian gần đây, dư luận rộ lên nghi án Coca Cola chuyển giá, trốn thuế. Đây cũng có thể là chiêu để Coca Cola thâu tóm đối tác Việt, ông Quang nhìn nhận.
Bảo Linh
Bình luận