Video: Lý Hùng - Thu Trang hóa thân thành Trọng Thủy - Mỵ Châu
Nhìn lại 30 năm sự nghiệp, Lý Hùng cũng thừa nhận, có lúc anh tưởng rằng khán giả đã bỏ quên mình. Song, với lòng yêu nghề và sự trân trọng khán giả, Lý Hùng chưa bao giờ bị lãng quên.
Hẹn gặp anh vào một buổi sáng đầu tuần ở nhà riêng, phóng viên đã có cuộc trò chuyện thân mật để nghe anh trải lòng về sự nghiệp, cuộc đời và cả những định hướng trong tương lai.
Cát-xê 60 lượng vàng mỗi bộ phim
- Nhìn lại 30 năm hoạt động nghệ thuật của mình, ắt hẳn thập niên 90 là thời hoàng kim nhất của anh?
Chắc chắn rồi, tôi được Tổ đãi từ truyền thống nghệ thuật của gia đình. Một diễn viên thường phải mất vài năm đến chục năm mới ghi được dấu ấn vào lòng khán giả. Thời của ba tôi (NSND Lý Huỳnh), chú Nguyễn Chánh Tín, chú Thế Anh, cô Trà Giang,... cũng phải đến gần ba mấy tuổi mới nổi tiếng. Còn với tôi, danh tiếng đến từ rất sớm.
Đầu những năm 1990, tôi chỉ vừa 18 tuổi, học xong phổ thông và đang là sinh viên năm nhất nhưng đã được đông đảo khán giả thần tượng. Thành công từ hai bộ phim Phạm Công - Cúc Hoa và Người không mang họ đã giúp tôi được cả triệu người biết đến, từ Nam đến Bắc đều hâm mộ tôi. Đó là một thời vàng son tôi không thể nào quên.
- Trong giới giải trí Việt Nam, có lẽ kỷ lục cát-xê cao nhất của anh chưa ai qua được?
Tôi nghĩ vậy, thập niên 90, tôi đóng một phim được trả 30 triệu đồng. Thời đó cái gì cũng rẻ, một chỉ vàng có giá 400.000 đồng. Tính theo tỷ giá bây giờ, mỗi phim tôi được nhận đến 60 lượng vàng. Tôi đóng 2 phim đã có tiền mua chiếc ô tô xịn. Mà không chỉ phim ảnh, tôi đi hát cũng cháy vé.
Ngày xưa, tôi hát ở cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô một ngày 2 suất, rạp 1.000 chỗ ngồi mà bữa nào cũng không còn ghế trống. Kỷ lục Diễn viên đóng vai chính nhiều nhất ở Việt Nam với hơn 70 phim và danh hiệu Ông hoàng phòng vé của tôi cũng do khán giả nuôi dưỡng, yêu quý mà có.
- Ngoài danh hiệu hay cát-xê, chắc chắn tình cảm của khán giả mới là điều anh tự hào nhất?
Tôi có nhiều kỷ niệm buồn cười lắm. Mình đang mặc quần áo rất đẹp mà có anh công nhân ra ôm vai chụp hình. Họ mến quá, thương quá, cứ ôm đại nên mình cũng không nỡ từ chối. Người ta làm xây dựng thì đương nhiên tay chân phải bẩn chứ. Hồi đầu, tôi cũng thấy hơi khó xử nhưng thấy họ nhiệt tình quá, thích mình quá, rồi mình chuyển thành vui lúc nào không biết.
Tôi của ngày xưa hay bây giờ vẫn vậy, vẫn bình dân, gần gũi với khán giả dù thời ngôi sao của mình đã qua. Bởi, tôi được ba và các thầy cô dạy từ buổi đầu vào nghề, khán giả chính là người nuôi dưỡng tên tuổi mình. Mình nổi tiếng được đã khó, giữ được còn khó gấp ngàn lần nữa. Mà muốn vậy, phải luôn tôn trọng và hết lòng với khán giả, đó là cách sống với nghề, với nghiệp nghệ sĩ.
“Tôi không bán danh”
- Nhìn lại thời kỳ điện ảnh thập niên 90, nhiều người đánh giá, đó là thời kỳ của phim “mỳ ăn liền”. Anh có thấy chạnh lòng?
Tôi buồn chứ, điều đó không chính xác. Tôi được học hành bài bản chính quy tại trường đại học Điện ảnh đàng hoàng. Tôi tốt nghiệp khoá diễn viên đầu tiên tại TP.HCM nên ý thức làm nghề của tôi không thể bị đánh đồng với kiểu phim “mỳ ăn liền” đó được.
Thời đó, chúng tôi làm phim cực khổ lắm chứ không được hiện đại như bây giờ đâu. Để có được những bộ phim chiếu màn ảnh rộng trong 90 phút, cả đoàn phải lặn lội khắp nơi đến 3, 4 tháng. Chưa có bộ phim nào tôi quay dưới 3 tháng.
Còn phim “mỳ ăn liền” là do nhiều hãng phim tư nhân thấy chúng tôi làm ăn khấm khá nên họ dựa vào cơ hội đó để làm phim kiểu chụp giật, mời những diễn viên hài diễn nhảm nhí và chỉ quay chừng 1 tuần là chiếu ngoài rạp. Cẩu thả như vậy thì làm sao có chất lượng, vậy mà họ cũng bán vé có giá ngang với chúng tôi. Vì thế, khán giả bất mãn và nhiều nhà báo đã bức xúc, gọi là kiểu phim “mỳ ăn liền”.
Thời đó, có nhiều hãng phim kiểu “mỳ ăn liền” mời nhưng tôi nhất quyết không nhận lời. Tôi không bán tên, bán danh mà khán giả đã yêu thương để đóng phim kiểu đó. Xin nhớ cho, thời của tôi cùng với Lê Tuấn Anh, Diễm Hương, Việt Trinh... là phim thị trường, có chất lượng đàng hoàng.
- Thời nay, nhiều bộ phim kiểu “mì ăn liền” như vậy vẫn ra rạp ầm ầm, nhiều người chỉ cần sắc vóc, chiêu trò hay công nghệ là đã có thể xưng diễn viên. Anh có thấy buồn cho nghề của mình?
Là người đi trước, dĩ nhiên tôi luôn mong muốn có người nối tiếp mình, tre già thì măng phải mọc. Tôi không quan sát nhiều lắm, nhưng một vài điều làm tôi buồn. Các em trẻ bây giờ chưa có bộ phim để đời, làm nghệ sĩ là cần phải có những tác phẩm để đời.
Các em được công nghệ hỗ trợ tốt quá nên nhiều lúc lơ là với nghề. Họ nghĩ, cứ đẹp thì có thể nổi tiếng nhưng thật ra nghệ thuật quan trọng nhất chiều sâu, đòi hỏi sự khổ luyện với nghề.
Bây giờ, nhiều nghệ sĩ trẻ nhưng chưa ai đạt đỉnh thành công và được khán giả công nhận. Các em hay dùng công nghệ nhiều hơn là làm nghệ thuật thật sự. Công nghệ thì cũng tốt, để khán giả thêm mến mộ mình, biết mình đang làm gì, đang hoạt động gì.
Nhưng, công nghệ cũng là con dao hai lưỡi. Khi khán giả xem tin tức về mình mà nhảm nhí, vô bổ thì họ bất mãn ngay. Vì thế, tôi vẫn thường bảo các em không nên lạm dụng công nghệ hay những chiêu trò.
Giá trị nghệ thuật đích thực cần phải là cái nghề, phải tâm huyết, hết mình để có tác phẩm hay chứ không phải 1 tuần xuất hiện 3 lần trên báo là hay, là tốt đâu. Mình làm nghề diễn viên thì chỉ nên giới thiệu đến khán giả mình đang quay phim gì, đang làm gì để khán giả mong chờ thay vì cứ chạy theo tin tức đời tư mà chẳng có sản phẩm nào đàng hoàng.
Lửa nghề chưa bao giờ tắt
- Cuối những năm 1990, dòng phim thị trường thoái trào, những ngôi sao như anh cũng vắng bóng. Anh đã làm gì sau khi rời xa màn ảnh?
Thời gian đầu, tôi đã phải trải qua những tháng ngày vô cùng hụt hẫng. Thế rồi, tôi nhận ra mình không thể sống mãi trong quá khứ được. Tôi trở lại làm nghề bắt đầu bằng việc... luyện thanh, học âm nhạc và trở thành một ca sĩ.
Từ năm 1998, suốt 7 năm vắng bóng trên màn ảnh là thời gian tôi đi hát khắp mọi miền đất nước, từ vùng núi cao miền Bắc đến tận mũi Cà Mau. Tôi còn ra được 3 album trong thời gian này.
Tôi tiếp tục hoạt động nghệ thuật không phải vì kinh tế mà do yêu nghề. Sân khấu, ánh đèn, chắc là cái nghiệp mà tôi khó từ bỏ. Ngoài đi hát, tôi còn lăn lộn khắp các sân khấu vùng sâu vùng xa để làm bầu show, phục vụ khán giả.
- Hiện tại, so với nhiều diễn viên cùng thời kỳ, anh vẫn thuộc hàng đắt show. Ngoài tình cảm của khán giả, bản thân người nghệ sĩ cũng phải giữ lửa đam mê, đúng không anh?
Đúng vậy. Sau 10 năm từ giã màn ảnh, tôi trở lại phim trường cùng bộ phim truyền hình Đô la trắng của đạo diễn Trần Cảnh Đôn, cảm giác vừa lạ mà vừa quen. Rồi từ từ, tôi cũng bắt nhịp được với giới văn hoá văn nghệ bây giờ qua nhiều bộ phim khác như Thiên đường ở bên ta, Nghiệt oan, Cù lao lúa, Cuộc chiến quý ông, Lời sám hối, Thề không gục ngã, Bên dòng sông Trẹm...
Có lẽ, tôi may mắn hơn các bạn đồng nghiệp cùng trang lứa. Với nền tảng võ thuật, yêu thích thể thao nên tôi vẫn tập luyện thường xuyên và giữ được phong độ. Nhiều người qua thời hoàng kim hay bỏ bê khiến mình già nua, chán nản rồi tự ti nhưng tôi thì không. Tôi vẫn lạc quan, yêu đời, vẫn nhận lời đóng phim, hát show, làm giám khảo,... như bình thường.
Cảm ơn anh về những chia sẻ thẳng thắn!
Bình luận