Tổng thống Mỹ - Donald Trump tuần này tiếp tục tỏ ra không hài lòng và cho rằng xe hơi Mỹ bị gây khó khi vào thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định quốc gia châu Á không đến mức đóng cửa như vậy.
Toyota là hãng xe thống trị thị trường Nhật. 6 hãng khác thì cạnh tranh với nhau số thị phần còn lại. Dù vậy, doanh số bán xe tại đây đang ngày một giảm sút.
John R. Harris (Canada) đã sống ở Nhật nhiều thập kỷ nay, chủ yếu viết bài phát biểu cho lãnh đạo các hãng xe. Ông ví thị trường xe Nhật như một cuộc đua đào hầm. Các hãng xe vừa phải giữ những gì mình đang có, vừa cạnh tranh với đối thủ khác để giành thêm từng chút thị phần.
Hội đồng Chính sách Ôtô Mỹ (AAPC) – nhóm đại diện cho các hãng xe Mỹ, từng phàn nàn về các quy định ngầm nhằm ngăn các hãng xe ngoại cạnh tranh ở đây. Tuy nhiên, các chuyên gia độc lập cho biết khi bán xe tại Nhật Bản, chính các hãng trong nước cũng gặp nhiều rào cản pháp lý không kém đối thủ ngoại.
Bên cạnh đó, Nhật còn không có thuế nhập khẩu xe. Trong khi Mỹ lại áp thuế với xe từ Nhật.
Thách thức lớn nhất với các hãng xe Mỹ tại đây là quan niệm có phần lỗi thời của người Nhật về chất lượng xe Mỹ, Hans Greimel – phóng viên Automotive News nhận xét. “Hình ảnh về xe Mỹ là những chiếc từ thập niên 70, to như con tàu vậy. Chúng tốn nhiên liệu và quá to để đi trên đường”, ông nói.
Volkswagen là thương hiệu xe ngoại bán khá tốt tại Nhật, có lẽ vì họ sản xuất xe nhỏ - kích cỡ được coi là chất lượng cao tại đây, Greimel nói. Các thương hiệu xe sang khác của Đức, như Mercedes-Benz hay BMW cũng kinh doanh tốt tại Nhật, theo số liệu từ LMC Automotive.
Loại xe bán chạy nhất trong nước của các hãng xe Nhật là kei car. Chúng có chiều dài ngắn hơn 60cm so với Honda Fit hay Toyota Yarris, và có động cơ công suất 63 mã lực.
Các quy định giúp kei car ít đắt đỏ hơn và dễ mua hơn so với một chiếc xe tiêu chuẩn. Một phần ba xe bán tại Nhật là kei car, nhưng không hãng xe ngoại nào sản xuất loại này. Họ có ít động lực để sản xuất loại xe chỉ bán cho Nhật. Và lợi nhuận tiềm năng, nếu có, cũng sẽ khá nhỏ.
Thị trường xe hơi Nhật đóng cửa với đối thủ ngoại trong vài thập kỷ sau Đại chiến Thế giới II, Grant Faulkner – Phó chủ tịch phụ trách kinh doanh tại hãng tư vấn LMC Automotive cho biết. “Đến khi mở cửa lại vào thập niên 70, người tiêu dùng nước này đã khá hài lòng với xe trong nước rồi”, ông nói.
Một yếu tố khác là thái độ còn khá bảo thủ và không muốn khác biệt của phần lớn người mua. “Anh sẽ không muốn là người đầu tiên lái một chiếc Chevrolet trên đường đâu”, ông cho biết.
Dĩ nhiên, vẫn có những người không muốn đi theo suy nghĩ đó. Điều này có nghĩa các hãng xe Mỹ vẫn còn cơ hội nếu thực sự nổi bật.
Ví dụ, Jeep của Fiat Chrysler Automobiles có hai lợi thế. Đầu tiên là hình ảnh độc đáo, không có tại bất kỳ hãng xe Nhật nào. “Jeep là thứ gì đó hoàn toàn Mỹ, nhưng theo hướng tốt”, Greimel nói
Bên cạnh đó, Jeep còn có phiên bản tay lái nghịch, phù hợp với Nhật. “Nhật là thị trường khó, nhưng những hãng xe quyết tâm và có sức mạnh thương hiệu sẽ tìm được cách thôi”, Greimel kết luận.
Video: Kho siêu xe cổ triệu USD ở trụ sở đại gia đấu giá Sotheby's
Bình luận