• Zalo

Lý do Thế Giới Di Động đóng cửa chuỗi bán lẻ ở Campuchia

Thị trườngChủ Nhật, 19/02/2023 18:38:40 +07:00Google News

Đây không phải lần đầu tiên tập đoàn bán lẻ này dứt khoát đóng cửa những mô hình kinh doanh không mang lại lợi nhuận.

Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã cổ phiếu: MWG) mới đây đã thông báo đóng cửa toàn bộ chuỗi Bluetronics tại Campuchia trong quý I/2023.

Được biết, Bluetronics là chuỗi có mô hình tương tự thegioididong.com tại Việt Nam và là bước đi đầu tiên của Thế Giới Di Động trong việc khai thác thị trường quốc tế từ năm 2017.

Lý do Thế Giới Di Động đóng cửa chuỗi bán lẻ ở Campuchia - 1

Chuỗi Bluetronics của Thế Giới Di Động ở Campuchia có quy mô 44 cửa hàng. (Ảnh: MWG)

Ban đầu, chuỗi này có tên gọi là BigPhone, đến tháng 6/2020, chuỗi được đổi tên thành Bluetronics và mở rộng địa bàn hoạt động từ PhnomPenh sang các tỉnh khác của Campuchia. Theo công bố của Thế Giới Di Động tính tới ngày 31/3/2022, Bluetronics có 44 cửa hàng ở Campuchia.

Theo báo cáo tài chính, chuỗi bán lẻ của Thế Giới Di Động tại Campuchia đã lỗ liên tục từ năm 2017 đến nay, với lũy kế 605 tỷ đồng.

Ông Đoàn Văn Hiểu Em, Thành viên HĐQT Thế Giới Di Động cho biết, doanh thu của chuỗi Bluetronics ước đạt 500 tỷ đồng trong năm 2021. Nếu không bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Bluetronics đã có thể đạt tới điểm hòa vốn ngay trong năm 2021. Khi đó, lãnh đạo công ty vẫn đặt mục tiêu hồi vốn và có lời ở chuỗi này vào năm 2022.

Lãnh đạo Thế Giới Di Động cũng nhìn nhận đây không phải mô hình quá tệ. Tuy nhiên, thị trường Campuchia quá nhỏ, chính sách thuế khóa phức tạp. Vì vậy, sau gần 6 năm hoạt động tại đây, tập đoàn đã quyết định đóng toàn bộ cửa hàng Bluetronics trong quý I năm nay để tập trung cho các thị trường khác như Indonesia và dồn lực cho các mô hình kinh doanh khác.

Trái ngược với thị trường Campuchia, thị trường Indonesia rất lớn với nhiều cơ hội cho mô hình Era Blue. Thế Giới Di Động cho biết sẽ tiếp tục thử nghiệm, nhân rộng các cửa hàng Era Blue ở Indonesia để có sự đánh giá toàn diện hơn sau đó bước vào giai đoạn tăng tốc và mở rộng.

Thực tế, đây không phải lần đầu tiên Thế Giới Di Động ra quyết định cắt bỏ một chuỗi kinh doanh không hiệu quả. Tháng 6/2022, tập đoàn bán lẻ này đã đóng cửa hai chuỗi bán lẻ AVAFashion và AVAJi cũng vì kinh doanh không hiệu quả và cần sắp xếp lại.

Tương tự, tháng 7/2020, chuỗi Điện Thoại Siêu Rẻ, chuyên kinh doanh smartphone giá dưới 8 triệu của Thế Giới Di Động, cũng đã phải đóng cửa sau chưa đầy một năm ra mắt.

Về kế hoạch kinh doanh năm nay, sau năm 2022 với nhiều khó khăn khiến Thế Giới Di Động ghi nhận tăng trưởng âm ở chỉ tiêu lợi nhuận, tập đoàn bán lẻ này vẫn đặt tham vọng cho năm 2023 với doanh thu dự kiến đạt 135.000-150.000 tỷ đồng và lợi nhuận ròng 4.200 - 4.700 tỷ đồng.

Trong đó, đóng góp chính vào kết quả kinh doanh năm nay vẫn sẽ là bộ ba bán bán lẻ điện máy (Điện Máy Xanh), điện thoại (thegioididong.com) và bách hóa (Bách Hóa Xanh).

Với nhà thuốc An Khang và AVAKids, công ty đánh giá các chuỗi này có thị trường lớn nhưng đều chưa có lợi nhuận. Do đó, năm nay, công ty sẽ tạm ngưng mở rộng hai chuỗi này, tập trung giữ những cửa hàng có biên lợi nhuận dương, tăng doanh thu trên mỗi điểm bán và kiểm soát chi phí vận hành.

Ngoài chuỗi Bluetronics dự kiến đóng cửa toàn bộ trong quý I, Thế Giới Di Động cũng cho biết sẽ chủ động dọn dẹp, thu hẹp cửa hàng AVASport với lý do không có tiềm năng đóng góp doanh thu/lợi nhuận đáng kể trong tương lai, đồng thời giảm gánh nặng trong năm 2023.

Với kế hoạch kinh doanh năm 2023, trong kịch bản tích cực nhất, doanh thu và lợi nhuận của Thế Giới Di Động có thể tăng trưởng lần lượt 12% và 15%.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn