• Zalo

Lý do số lượng giáo sư, phó giáo sư năm 2017 tăng đột biến?

Giáo dụcThứ Bảy, 03/02/2018 07:44:00 +07:00Google News

Tổng số người đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư năm 2017 là 1.226 người, tăng gần 60% so với năm trước

Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước vừa công bố danh sách ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) năm 2017.

Bộ trưởng Y tế được công nhận GS

Theo đó, tổng số người đạt tiêu chuẩn GS, PGS năm 2017 là 1.226 người, tăng gần 60% so với năm trước. Trong đó, tân GS trẻ nhất được công nhận là GS Phạm Hoàng Hiệp (SN 1982, quê Hải Dương).

GS Hiệp công tác trong ngành toán học thuộc Viện Toán học, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam. Ông Hiệp cũng là PGS trẻ nhất Việt Nam khi mới 29 tuổi. Hướng nghiên cứu chính của GS Hiệp là lý thuyết đa thế vị, giải tích và hình học phức.

Theo đánh giá của GS-TSKH Trần Văn Nhung, Tổng Thư ký Hội đồng Chức danh GS nhà nước, tân GS trẻ nhất không phải là người sở hữu nhiều công trình khoa học nhất nhưng chất lượng các công trình khoa học rất tốt, đã được đăng trên nhiều tạp chí khoa học hàng đầu quốc tế.

"Hội đồng ngành toán luôn là một hội đồng chuẩn mực và khắt khe. Kết quả số phiếu công nhận chức danh GS cho ứng viên này đạt 100% cũng đã thể hiện sự vinh danh dành cho tân GS trẻ nhất là vô cùng xứng đáng" - GS Nhung chia sẻ.

Chạy nước rút, có thêm hơn 1.200 giáo sư, phó giáo sư - Ảnh 1.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng nằm trong danh sách tân GS được công nhận năm 2017.

Ông Nhung cho biết năm nay, có 85 người đạt tiêu chuẩn GS, 1.141 người đạt tiêu chuẩn PGS, tăng so với năm trước 534 người (khoảng 60%).

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng nằm trong danh sách tân GS được công nhận năm 2017. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến giỏi cả tiếng Anh, tiếng Pháp và có hơn 13 công trình công bố quốc tế trong những năm qua.

Đánh giá về chất lượng GS, PGS năm nay, GS Trần Văn Nhung cho rằng cao hơn hẳn các năm trước. Số các bài báo công bố quốc tế ở ISI và Scopus tăng lên.

Độ tuổi trung bình của ứng viên giảm xuống (tuổi trung bình của GS năm 2016 là 55, năm nay chỉ 53). Trình độ tiếng Anh của các ứng viên tăng lên rõ rệt, những điều này giúp việc đào tạo, trao đổi bằng tiếng Anh và công bố quốc tế được thuận lợi hơn với các ứng viên.

Tỉ lệ ứng viên đang giảng dạy được phong GS, PGS tăng lên, số thỉnh giảng giảm đi. Một điểm mới nữa là tỉ lệ GS, PGS đối với nữ tăng lên từ 28%-29%, trong khi trước đây chỉ 25%. Đặc biệt trong năm nay, có một phụ nữ dân tộc Nùng bên quân sự được phong PGS.

Đua nhau lên "chuyến tàu cuối"

Mổ xẻ việc số lượng GS, PGS đột biến trong năm nay, một GS của ĐHQG Hà Nội cho rằng đó là kết quả của qua trình các ứng viên "chạy nước rút" trước khi dự thảo quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS mà Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến gần 1 năm nay chính thức được ban hành.

Theo dự thảo này, tiêu chuẩn để được công nhận GS, PGS sẽ nâng lên rất cao và sẽ rất ít người có thể đạt được các tiêu chuẩn đó. Cụ thể, các GS, PGS phải sử dụng thành thạo ít nhất một ngoại ngữ phục vụ cho công tác chuyên môn (đã học tập, nghiên cứu toàn thời gian ở nước ngoài và được cấp bằng đại học, bằng thạc sĩ hoặc bằng tiến sĩ của cơ sở giáo dục ĐH sử dụng một trong các ngôn ngữ Anh, Pháp, Nga, Đức, Nhật, Trung Quốc trong đào tạo. Có chứng chỉ TOEFL IBT điểm tối thiểu 56 hoặc IELTS điểm tối thiểu 5.5. Từ năm 2018-2020, tăng thêm 5 điểm mỗi năm trên thang điểm TOEFL IBT và tăng thêm 0.5 điểm mỗi năm trên thang điểm IELTS).

Ngoài ra, các ứng viên chức danh GS, PGS phải có công bố quốc tế. Cụ thể, đến năm 2019, ứng viên chức danh GS thuộc nhóm ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ là tác giả chính và đã công bố được ít nhất 2 bài báo khoa học trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc hệ thống ISI, Scopus; hoặc ít nhất 1 bài báo khoa học hệ thống ISI và 1 quyển hoặc chương sách phục vụ đào tạo được xuất bản bởi một nhà xuất bản có uy tín trên thế giới; hoặc ít nhất 1 bài báo khoa học thuộc hệ thống ISI, Scopus và 1 bằng độc quyền sáng chế.

Ứng viên thuộc nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn là tác giả chính và đã công bố được ít nhất 1 bài báo khoa học trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc hệ thống ISI, Scopus. Từ năm 2020, ứng viên phải có thêm ít nhất 1 bài báo khoa học theo tiêu chuẩn trên.

Đối với chức danh PGS, ứng viên phải là tác giả chính và đã công bố được ít nhất 1 bài báo khoa học trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc hệ thống ISI, Scopus hoặc 1 quyển hoặc 1 chương sách phục vụ đào tạo được xuất bản bởi một nhà xuất bản có uy tín trên thế giới hoặc 1 bằng độc quyền sáng chế. Từ năm 2020, ứng viên phải có thêm ít nhất 1 bài báo khoa học theo tiêu chuẩn này…

Bình luận về con số hơn 1.200 GS, PGS mới được công nhân, PGS Bùi Mạnh Nhị - nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng thế hệ trẻ nhiều người giỏi, các trường ĐH, ngay cả trường ngoài công lập cũng chú ý đến phát triển đội ngũ giảng viên của mình nên con số này không quá ngạc nhiên.

Mặt khác, "các ứng viên đều có tâm lý rất con người là sang năm quy chế thay đổi nên cố gắng để được xét trong đợt này. Ngoài ra, việc nhận hồ sơ kéo dài thêm nửa năm cũng là lý do giải thích cho con số trên" - PGS Bùi Mạnh Nhị nói. 

Tăng đột biến 

Tổng Thư ký Hội đồng chức danh GS nhà nước thừa nhận số lượng GS, PGS được công nhận tăng đột biến do năm 2018 sẽ có sự thay đổi về quy định phong GS, PGS nên tâm lý chung mong muốn đi về "chuyến tàu cuối".

Ngoài ra, vì thời gian hết hạn nhận hồ sơ năm nay lùi lại nửa năm kéo theo các bài báo, sách xuất bản, đề tài nghiệm thu của các ứng viên... cũng lùi lại nửa năm. Sở dĩ chậm trễ do hội đồng dự định chờ thực hiện theo quy định mới nhưng chưa xong nên quay lại thực hiện theo quy định hiện hành.

Video: Ai phong hàm "giáo sư âm nhạc" cho ca sỹ Ngọc Sơn?

(Nguồn: Người Lao Động)
Bình luận
vtcnews.vn