Năm nay, thời gian nghỉ Tết Nguyên đán khá dài. Nếu bạn có ý định cho con nhỏ cùng đi đừng quên tham khảo những kinh nghiệm và rất thực tế sau đây:
1. Làm mọi cách để bé ngoan
Sẽ khó tránh khỏi cảnh bé quấy khóc, lên cơn cáu kỉnh, mè nheo. Tuy nhiên bạn sẽ hạn chế được những cách cư xử “chưa ngoan” này của bé nếu có một “hệ thống khen thưởng” rõ ràng.
2. Khởi hành đúng thời điểm
Nên chọn lúc bé ngủ trưa để lên đường, như thế bạn sẽ có vài tiếng đồng hồ thảnh thơi khi con ngủ trên xe. Cách này tốt hơn cho cả các bé say xe nữa.
3. Nói cho con biết phải làm gì khi con đi lạc
Ngay khi con đã có khả năng nhận biết, hãy dạy bé tên đầy đủ của bé, địa chỉ gia đình và số điện thoại. Hỏi đi hỏi lại, dạy đi dạy lại bé nhiều lần cho đến khi ghi nhớ (nên chọn dạy bé theo cách “học mà chơi”). Bài học này sẽ rất có ích khi bé bị lạc.
Hãy đeo vào tay bé mẩu giấy có ghi tên bố mẹ và số điện thoại phòng khi bé đi lạc.
Không bao giờ được phép để bé chơi một mình ở các khu vui chơi trẻ em, khu vực mua sắm hay công viên… mà không để mắt đến bé, dù chỉ 1 phút.
4. Nghỉ giữa chặng
Đừng đi một lèo, hãy dừng lại một nơi thật thú vị cho bé được nghỉ ngơi. Trước khi lên đường hãy dự tính hành trình cẩn thận, chỗ dừng chân có thể là khu công viên hoặc một nhà hàng dành cho các gia đình.
5. Chuẩn bị đồ cá nhân cho trẻ
Thời điểm Tết Nguyên đán ở khu vực các tỉnh phía Bắc thường rất lạnh nên cần chú ý giữ ấm cho trẻ. Chuẩn bị quần áo ấm, tất dày mềm, khăn quàng cổ, mũ len, khẩu trang. Chú ý không nên mặc quá nhiều quần áo cho trẻ vì trẻ nhỏ rất nhiều mồ hôi ngay cả khi trời lạnh, nếu không lau kịp mồ hôi sẽ khiến trẻ bị cảm lạnh. Nếu trời không quá lạnh hoặc khi ở trong nhà, bạn có thể cởi bớt áo khoác ngoài để bé được thoải mái.
6. Chú ý đến ăn uống và giấc ngủ
Với những trẻ lớn thì chuyện ăn uống đơn giản, có thể ăn chung với cha mẹ.
Với những trẻ ở độ tuổi ăn dặm nên mang theo loại bột dinh dưỡng ăn liền tùy theo độ tuổi của các hãng uy tín. Bạn cũng nên mang theo hộp sữa mà bé hay uống ở nhà. Mang theo nước uống, trái cây, bánh… mà bé hay ăn.
Một vấn đề mà cha mẹ cần lưu ý là phải đảm bảo cả giấc ngủ cho bé, cố gắng cho trẻ ngủ theo giờ như khi ở nhà. Nếu bất đắc dĩ lệch giờ hãy cho dỗ cho trẻ ngủ khi đang đi tàu hay xe.
7. Mang theo một số thuốc Thuốc hạ sốt
Thuốc có tác dụng hạ sốt an toàn cho trẻ là Acetaminophen (hay còn có tên là Paracetamol), dạng gói bột hay viên sủi.
Thuốc điều trị rối loạn tiêu hóa
Trẻ có thể bị tiêu chảy, đau bụng, ói… Tình trạng kéo dài có thể làm cho trẻ bị mất nước nhiều nên cần chuẩn bị một số dung dịch bù nước ở dạng gói bột như Oresol.
Chuẩn bị thêm một loại men tiêu hóa giúp ổn đinh hệ vi khuẩn đường ruột cho trẻ. Nên lựa chọn các chế phẩm có chứa vi khuẩn lactis như Lactobacillus.
Thuốc chữa táo bón
Trong trường hợp trẻ bị táo bón bạn có thể chuẩn bị thuốc bơm glycerin (Rectiofar) bơm vào hậu môn.
Thuốc trị dị ứng, sổ mũi
Cần chuẩn bị thêm một số thuốc chống dị ứng như chlopheniramin hoặc polaramin. Dùng trong trường hợp trẻ bị dị ứng do ăn phải thức ăn lạ hoặc dị ứng côn trùng đốt.
Thuốc chống say tàu, xe
Với những bé bị say tàu xe có thể chuẩn bị thêm thuốc chống say tàu xe như: diphenylhydramin (nautamine), cinnarinzine, promethazine. Nên cho bé dùng trước khi lên xe ít nhất 30 phút.
Thuốc chữa vết thương và các thuốc khác
Đối với vết thương xây xát ngoài da, rửa sạch vết thương với nước sạch sau đó dùng povidine (sát trùng ngoài da) rồi dùng băng cá nhân y khoa hoặc gạc vô khuẩn băng vết thương lại nếu vết thương lớn. Vết thương rách da chảy nhiều máu phải đến cơ sở y tế gần nhất khâu lại.
Ngoài ra mang theo nhiệt kế, thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi natri clorua 0,9%.
Theo Nifm
Bình luận