• Zalo

“Lượt tượt phượt” bằng… Kayak

Tổng hợpThứ Hai, 27/02/2012 09:48:00 +07:00Google News

Dường như không còn thỏa mãn với những chuyến du lịch bụi bằng xe máy, những kẻ ưa khám phá đang tìm ra những phương thức khác...

   Dường như không còn thỏa mãn với những chuyến du lịch bụi bằng xe máy, những kẻ ưa khám phá đang tìm ra những phương thức khác nhau để chinh phục những con đường và chinh phục chính bản thân mình. Một trong những phương thức ấy chính là kayak.

 

Một phương tiện mới của người thích “lượt tượt phượt”

Nghe nói, mấy nghìn năm trước, chiếc kayak bọc lông thú được những thổ dân Bắc Mỹ phát minh ra để đi săn bắn. Tên nguyên thủy của nó là Qajaq, người châu Âu phát âm theo cách đơn giản hóa thành kayak. Và phương tiện di chuyển trên sông nước, có cấu tạo nhỏ và dài, hai đầu nhọn và có khả năng vượt sóng rất tốt này đã trở thành loại xuồng hấp dẫn nhất, với những người ham mê cảm giác mạnh và những thú chơi mạo hiểm trên khắp thế giới.

Xuất hiện ở Việt Nam vào những năm 1990 nhưng vài năm gần đây khi du lịch trở thành phong trào phát triển mạnh thì kayak mới được các công ty lữ hành tổ chức thành các tour du lịch, đồng thời xuất hiện những CLB kayak do những người trẻ tuổi yêu thích khám phá thành lập.

Được nhắc đến như người dẫn dắt giới trẻ đến với thú chơi kayak, anh Lê Anh có lẽ là người đã gây dựng nên phong trào chơi thuyền từ khi còn câu lạc bộ thuyền nho nhỏ trên đường Thanh Niên. Lê Long, một thành viên của CLB chia sẻ: “Sau một thời gian muốn gây dựng lại phong trào chơi thuyền, anh Lê Anh đã rủ nhóm Tây Bắc chúng tôi tham gia chơi. Chúng tôi bắt đầu chơi từ cấp độ thấp trên mặt hồ Tây rồi ra đến sông Hồng, sông Mã và các sông khác. Những ai tiếp tục muốn chơi cao hơn thì đi chinh phục các con thác… Về sau khi bản thân những thành viên của nhóm Tây Bắc cũng “nghiện” rồi thì chúng tôi bắt đầu muốn mở rộng chia sẻ kinh nghiệm chơi thuyền bằng cách mở lớp cho tất cả những ai thích môn này cùng đến chơi”.

 

Kayak có mấy loại, bằng nhựa composit, bằng cao su đúc hoặc bơm hơi. “Chúng tôi chọn loại bơm bơi vì dù di chuyển bằng máy bay nó cũng dễ dàng gói gọn, không bị quá cân. Các thuyền loại khác bằng cao su hay composit thì khá nặng và cồng kềnh”, Lê Long cho biết. Loại kayak đang được anh sử dụng là loại bơm hơi, nặng khoảng 20kg. Cộng cả mái chèo, bơm, phụ kiện là khoảng 25-27kg, khi cần có thể gấp gọn lại vác trên vai, dễ vận chuyển, dễ kiếm. Kayak đa dụng có thể di chuyển trên nhiều địa hình khác nhau.

Kayak bản chất là nhẹ, đế bằng, lúc nào cũng nổi trên mặt nước. Khác với các loại thuyền đế hình chữ V dễ bị lật, kayak tuy chậm nhưng chắc. Và may mắn là khi biết đến phong trào chơi kayak của nhóm, ông chủ của một xưởng gia công cho các hãng thuyền nổi tiếng trên thế giới tại Việt Nam đã sản xuất riêng cho nhóm vài chiếc. Được biết, một chiếc kayak mua ở Việt Nam bây giờ có giá khoảng 21 triệu/ một cái.

Nhóm chơi kayak của Lê Long có khoảng 15 thành viên cả Nam và Bắc. Số lượng không đông. Thấy tôi có vẻ hơi “hẫng hụt” với con số này, anh giải thích rằng, Kayak khá kén người chơi bởi vì nó yêu cầu ở người chơi một số điều kiện cơ bản nhưng vô cùng quan trọng đó là phải biết bơi và bơi tương đối giỏi, có sức khỏe tốt. Và quan trọng nữa là phải đam mê. Bởi khác với những phương tiện phượt khác như xe máy, ô tô, để tổ chức một chuyến đi kayak phức tạp hơn nhiều và cũng công phu hơn nhiều. Và cũng vì thế mà đối với những người đã có thâm niên du lịch bụi như Long càng cảm thấy kayak hấp dẫn hơn.

Long nói, “nước mình ¾ là đồi núi tạo ra nhiều sông ngòi nên đi hết con sông này ta lại muốn đi đến một con sông khác. Sự phong phú của những con đường, cảm giác chinh phục, khao khát, khám phá nó thôi thúc ta khiến ta khó có thể dừng lại. Đó là khi một mình ta, một thuyền, một dòng chảy, cảm giác thật tuyệt vời mà khi đi tàu hỏa, ô tô, xe máy, máy bay… không bao giờ bạn có được…Ở mỗi cấp độ khó của dòng chảy, ta lại có một cảm giác chinh phục riêng. Chinh phục được cấp độ này, ta chỉ muốn lao đi chinh phục một cấp độ lớn hơn”.

 

 

Thú chơi không nên… độc hành

Người chơi kayak phân biệt mức độ khó theo 5 cấp. Cấp độ 1 là mặt hồ lặng sóng chẳng hạn như hồ Tây. Cấp độ 2 có dòng chảy (sông Hồng). Cấp độ 3 có ghềnh thác. Cấp độ 4 ghềnh thác hiểm trở hơn. Và cấp độ 5 là cấp độ khó nhất, có nhiều ghềnh thác và ghềnh thác đứt gãy. Những người chơi thuyền đều phải qua quá trình chơi từ cấp độ dễ đến khó.

Lớp học kayak diễn ra trên hồ Tây vào các cuối tuần là mức độ xuất phát ở cấp độ 1- dễ nhất. Đây là lớp thứ 6 do CLB tổ chức. Lớp đầu tiên là năm 2005, cũng chính là thế hệ người chơi kayak đầu tiên. Long chơi từ năm thứ 2, tức năm 2007. “Để chơi kayak, động tác chèo không quá khó nhưng phải làm sao phải phân phối sức khỏe để chèo được lâu, được dài mới là quan trọng”, Long nói. Thông thường, những người mới tập chơi phải mất khoảng 3 tuần, tương ứng với khoảng 6 buổi tập trên Hồ Tây sau đó rồi mới ra sông Hồng. Các bài tập thông thường là các kỹ năng chèo, kỹ năng phân phối sức và các cách xử lý trong các tình huống khác nhau.

Gọi đây là môn chơi công phu vì để tìm được một điểm chơi, những người chơi thường phải dành nhiều thời gian đi thực tế khảo sát các con sông, con thác. Ví dụ trước khi thực hiện chuyến chinh phục Ngòi Thia, nhóm đã phải đi khảo sát nó cách đấy 1, 2 năm. Sau đó nghiên cứu kỹ độ lớn của thác ra làm sao, dòng chảy thế nào. Có những con sông men theo đường lộ thì dễ dàng khảo sát, có thể tranh thủ những lúc du lịch bụi bằng xe máy rồi đi dọc sông để quan sát nhưng cũng có những con sông khó hiểm trở thì phải vác thuyền trên vai vào đến tận nơi.

 

Mỗi năm, ít nhất Long đi một chuyến, có những năm 3, 4 chuyến. Vừa đi vừa khảo sát địa hình để về hướng dẫn các thành viên khác trong nhóm. Chuyến đi dài nhất mà nhóm đã thực hiện là đi sông Đà, chèo khoảng hơn 100km. Ba ngày lênh đênh từ Mường Lay đến cầu Pá Uôn, Sơn La. Và chuyến đi còn có một ý nghĩa lịch sử mà cả nhóm đều tự hào là sau chuyến đó, không có một nhóm nào đi lại được trên lòng hồ đó vì giờ nó thành thủy điện mất rồi.

Năm vừa rồi, do bận bịu công việc, anh chỉ thực hiện được một chuyến trên sông Hồng dài 10km. “Không bõ”, Long phẩy tay. Cái khó của những người trong nhóm là họ hầu hết không phải dân chơi thuyền chuyên nghiệp. Tất cả mọi người trong nhóm đều có những công việc của riêng mình, có gia đình vì vậy mỗi chuyến đi chơi đều phải được sắp xếp, chuẩn bị.

Một trong những điều tối kị của dân chơi kayak là “độc hành”. “Chúng tôi không bao giờ đi một mình cả. Môn này nên chơi nhiều người, có tổ chức để lúc nguy cấp còn tương trợ lẫn nhau”. Điều này dường như càng được Lê Long tin hơn sau một chuyến đi trên sông La Ngà, con sông chảy dọc rừng Tân Phú, giữa một bên là đất Bình Thuận, một bên là đất Đồng Nai. “Tôi và Bình (một thành viên phía Nam) đi hơn 30km trên sông. Con sông đó nhiều ghềnh thác. Bình thường chúng tôi đều phải khảo sát kĩ càng trước khi xuất phát nhưng do đặc thù sông La Ngà chảy giữa địa bản của 2 tỉnh nên không có đường bộ để đi khảo sát được mà chỉ khảo sát trên bản đồ vệ tinh. Vậy là chúng tôi đi mà ko biết trước mắt là gì, con thác nào đang chờ mình, chỉ biết nghe tiếng nước chảy để đoán thác to hay bé. Không may, đến 4 giờ, mưa lớn, trời tối nhanh, chúng tôi phải chèo trong bóng tối đến tận 6 giờ tôi là người đầu tiên chạm đến vị trí thác Mai. Bình đi sau tôi 15 phút, bị đẩy vào một bụi cây lớn, thuyền bị bẻ đôi. Cảm giác hoảng sợ xâm chiếm, lo lắng không biết bạn mình có làm sao không, tôi kêu lên nhưng tiếng thác nước chảy và mưa đã nhấn chìm tiếng tôi xuống. Mãi sau nghe tiếng xì xào tôi mới phát hiện hóa ra trên đầu mình có một chiếc cầu treo và có 2 người đã giúp kéo chúng tôi lên. Sau chuyến đó, chúng tôi rút ra là sẽ không bao giờ đi “lẻ” thế này nữa”. Long nhớ lại.

Đối với những người đam mê bất cứ một môn chơi nào thì điều họ mong muốn nhất cũng là mở rộng nó cho nhiều người biết đến, tham gia chơi cùng tạo nên một cộng đồng lớn mạnh. Những người chơi kayak cũng vậy, chính vì thế mà lớp học kayak của Long dù gặp nhiều khó khăn nhưng anh vẫn cố gắng duy trì nó. Với số lượng thuyền còn ít, thậm chí phải mang cả đồ của mình ra cho người khác chơi nhưng “rồi mọi chuyện cũng ổn cả, quan trọng nhất là cảm giác được chia sẻ, có thêm những người cùng đam mê như mình, tìm thấy những người anh em, bạn đồng hành trên những hành trình mới. Thế là hạnh phúc lắm rồi”, Long cười.

Hà Trang


Bình luận
vtcnews.vn