Tại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), năm 2015 với tổng nhân viên 273 người, SCIC đã chi ra 121 tỷ đồng trả lương cho người lao động. Trong đó nhân viên có thu nhập trung bình khoảng 37 triệu đồng, cao hơn mức 30,4 triệu đồng một tháng năm 2014. Trong khi đó, nguyên Tổng giám đốc Lại Văn Đạo là 1,4 tỷ đồng; bốn Phó tổng giám đốc có thu nhập khoảng 1,3 tỷ đồng; Kiểm soát viên là 1,1 tỷ.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (công ty mẹ) sử dụng khoảng 584 lao động tính đến cuối năm 2014, thu nhập bình quân đạt 32 triệu đồng, năm 2014 là 30,5 triệu đồng một tháng. 17 lãnh đạo quản lý thu nhập bình quân 624 triệu đồng một năm, giảm so với mức 726 triệu đồng trước đó.
Mặc dù giá cao su liên tục rớt trong những năm gần đây, song lương thưởng của các nhân viên và lãnh đạo Tập đoàn Cao su Việt Nam vẫn ở mức cao. Theo đó, với tổng số nhân viên khoảng 245 người, thu nhập bình quân năm 2015 đạt 20,3 triệu đồng một tháng. 13 lãnh đạo quản lý doanh nghiệp có thu nhập bình quân khoảng 527 triệu đồng một năm.
Năm 2015, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam chi khoảng 8.387 tỷ đồng trả lương cho người lao động. Gần 8.400 lao động tập đoàn có thu nhập bình quân 17,6 triệu đồng một tháng. Trong khi đó, thu nhập lãnh đạo khoảng 643 triệu đồng một năm. Dù thu nhập ở tầm trung, song lãnh đạo tập đoàn vẫn cho biết đây là mức lương thấp so với quy mô và hiệu quả hoạt động của tập đoàn. Vì vậy, Phó giám đốc - Tô Mạnh Cường đã kiến nghị Nhà nước sửa đổi quy định để tăng lương, thưởng cho giới chức quản lý tiệm cận với thị trường.
Năm 2015, mỗi nhân viên của Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) có năng suất lao động khoảng 3-4 tỷ đồng. Do vậy, lương bình quân ở mức cao lên tới 30,5 triệu đồng một tháng. Giai đoạn 2016-2020, Viettel đặt mục tiêu thu nhập bình quân nhân viên lên 40-50 triệu đồng mỗi tháng.
Không hề kém cạnh, nhân viên Tập đoàn Hoá chất Việt Nam cũng có thu nhập bình quân trên 20 triệu đồng một tháng, trong khi thu nhập lãnh đạo khoảng 850 triệu đồng năm 2015.
Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cũng có mức thu nhập khá cao. Với 10.100 nhân viên, thu nhập tăng 15-25% trong khi năng suất lao động bình quân tăng hơn 9%. Thu nhập của phi công đạt trung bình khoảng 106 triệu đồng một tháng. Tiếp viên là 22,6 triệu đồng và các lao động khác là 14,2 triệu đồng.
Hơn 8.000 nhân viên của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cũng có thu nhập khoảng 21 triệu đồng một tháng, còn lãnh đạo thu nhập hơn một tỷ đồng năm 2014. Theo ban lãnh đạo công ty, mức lương này chưa phải là cao và đặt mục tiêu tăng thu nhập nếu như tình hình kinh doanh thuận lợi.
Đặc biệt, một số công ty sổ xố cũng trả lương cao vọt so với thị trường. 129 nhân viên của Công ty Xổ số Tiền Giang có thu nhập bình quân 29 triệu đồng và dự kiến tăng lên mức 30,2 triệu đồng trong năm nay. Lãnh đạo cấp cao của Xổ số Tiền Giang có thu nhập 691 triệu đồng một năm.
Còn các công ty khác như: Xổ số Bình Thuận, Xổ số Kiến thiết TP HCM, Xổ số Phú Yên, Xổ số Bạc Liêu..., nhân viên có thu nhập từ 18 đến 25 triệu đồng một người.
Ngoài ra, thu nhập của 10 lãnh đạo tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) dự kiến trung bình khoảng trên 1,4 tỷ đồng. Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam cũng công bố thu nhập viên chức quản lý dao động 500-900 triệu đồng năm 2015. Tại các sở giao dịch chứng khoán thuộc Bộ Tài chính, thu nhập nhân viên cũng ở mức trên 20 triệu đồng.
Đặc biệt, tại Công ty Vận tải biển Việt Nam, lãnh đạo vẫn lĩnh lương tiền tỷ trong khi đang lỗ luỹ kế khoảng 500 tỷ đồng. 1.112 nhân viên có thu nhập khoảng 15 triệu đồng một tháng.
Những năm gần đây, lương thưởng ở các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp của Nhà nước luôn ở mức cao, tăng nhanh so với thị trường. Cũng vì vậy, quan điểm doanh nghiệp Nhà nước lương thấp đã dần thay đổi. Ở bức tranh toàn cảnh hơn, theo báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, lương bình quân của khối doanh nghiệp Nhà nước dẫn đầu năm 2015 với khoảng 7,04 triệu đồng một tháng, khối doanh nghiệp FDI chỉ là 5,47 triệu đồng, tư nhân là 4,99 triệu đồng.
Mới đây, Kiểm toán Nhà nước đã có báo cáo thực trạng hoạt động của 38 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Trong đó, có 5 tập đoàn, tổng công ty thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Hệ số vay nợ của doanh nghiệp Nhà nước luôn ở mức cao, nhiều doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh vay vốn nhưng không có khả năng trả nợ. Dù ít nhiều ở thế độc quyền trong lĩnh vực, song các doanh nghiệp Nhà nước ít tận dụng được, hơn nữa quản lý yếu kém khiến hiệu quả sử dụng vốn thấp.
Bình luận