"Tôi từng nhận lương 1 triệu"
Chị Thanh Hải, đang làm tại văn phòng của tổ chức phi chính phủ ở Hà Nội có thu nhập gần 30 triệu đồng/ tháng, cho biết chị từng ăn lương khởi điểm theo mức quy định của Chính phủ.
“Khi mới tốt nghiệp đại học, cũng nhờ bố tôi có quen biết nên xin cho vào một hội nghề nghiệp làm việc. Đương nhiên tôi hưởng lương theo quy định đối với một người có bằng đại học mới ra trường, hình như chỉ hơn 1 triệu đồng/ tháng.
Tất nhiên tôi không thể sống mòn mỏi với mức lương này khi có trong tay tấm bằng tốt nghiệp Học viện Ngoại giao.
Nên sau đó, cũng nhờ quen biết, tôi chuyển công việc khác với mức lương khoảng 5, 6 triệu đồng.
Làm một thời gian, tôi thi tuyển vào làm tại văn phòng của một tổ chức phi chính phủ đặt tại Thái Lan, làm ở đó hai năm, lương hơn 1 nghìn USD/ tháng, hết hợp đồng về nước. Nhưng từ đó có đà, tìm việc có thu nhập tốt dễ hơn. Tính đến chỗ này tôi đã trải qua khoảng 6 nơi làm việc”.
Hiện nay là chủ một công ty riêng chuyên buôn bán các loại hóa chất và vận tải lớn ở khu vực phía Bắc, anh Hòa vui vẻ cho biết “Tôi cũng bắt đầu đi lên với hai bàn tay trắng cùng tấm bằng tốt nghiệp đại học ngành… du lịch”.
Công việc đầu tiên của anh Hòa là làm lễ tân cho một khách sạn mini tư nhân ở khu vực phố cổ của Hà Nội, thu nhập hàng tháng là 1,5 triệu đồng cộng với tiền tip của khách và hoa hồng từ tiền bán các tour du lịch cho khách.
“Tôi chỉ làm việc này vài tháng, sau cũng phải bươn chải ra ngoài, “quên” luôn tấm bằng với cái chuyên ngành du lịch đã từng học 4 năm để làm những công việc khác”.
Anh Hòa cho biết để gây dựng được sự nghiệp như ngày hôm nay, anh và vợ đã mất nhiều thời gian, công sức và cả may mắn - “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.
“Chúng tôi đã không quản vất vả, khó nhọc, thậm chí có những thời gian chấp nhận mức lương mà tôi tự cho là thấp nhưng thấy rằng mình có thể học hỏi và tìm kiếm quan hệ ở đó.
Rồi sau này, khi đủ lông đủ cánh và… đủ liều, chúng tôi mới tự tạo dựng cho mình để có được mức “lương” tự trả mà tôi thấy hài lòng như hiện nay”.
Du học trường "ngon" vẫn phải… chờ thời
Nguyễn Ngân Hà, 24 tuổi, từng du học ở Anh. Sau khi về nước, hiện nay cô đang nhận công việc trợ lý ở một ngân hàng thương mại cổ phần với mức lương khởi điểm là 9 triệu đồng/ tháng.
“Như không ít bạn trẻ du học về, tôi đã từng kỳ vọng vào một mức lương tốt hơn. Tuy nhiên, sau khi nộp hồ sơ ở rất nhiều ngân hàng, công ty, tôi nhận ra rằng nếu đã “đi làm thuê” và mới bỡ ngỡ ra trường, chưa có kinh nghiệm gì, thì mình cũng không có gì quá nổi bật hơn người khác để kỳ vọng mức lương 15, 20 triệu đồng/ tháng”.
Vì vậy, sau nhiều cân nhắc, Ngân Hà đã nhận công việc trợ lý, nhưng với tham vọng sẽ đạt được thu nhập tốt hơn sau này.
Còn chị Thu Hồng, 32 tuổi, đang làm việc tại một tập đoàn với mức lương 35 triệu đồng/ tháng, cho biết đây là công ty đầu tiên khi chị bắt đầu sự nghiệp “ăn lương”.
Nhưng để có được mức “khởi điểm” như vậy, trước đó, chị đã trải qua nhiều công việc có thu nhập khác.
“Trong gần chục năm học đại học và học tiếp MBA ở Anh, tôi đã làm rất nhiều việc lao động chân tay, từ làm thêm ở xưởng may, làm ở tiệm làm móng, làm ở nhà hàng…, thu nhập tính theo giờ. Có lẽ đấy mới là “lương khởi điểm” của tôi.
Sau khi về nước, trong lúc chờ tìm việc vì các công việc được giới thiệu khi đó có thu nhập không cao như mong muốn, chị Hồng cộng tác với công ty của một người họ hàng làm rất nhiều mảng về bất động sản, khai khoáng, thương mại…
“Thu nhập tính theo đầu việc, dự án tôi tham gia, không đều đặn nhưng khi được cũng được một món lớn và quan trọng là tôi có được rất nhiều kinh nghiệm từ những công việc này. Từ đó, tôi mới có thể thương lượng được mức lương tốt khi bắt đầu vào làm việc tại chỗ hiện tại”.
“Thật sự là, tôi cho rằng, đã là “lương”, thì mức khởi điểm của một người mới ra trường khó cao, các bạn không nên quá kỳ vọng.
Có điều, mình nhìn thấy được đằng sau sự khởi điểm đó là cơ hội nào, và khả năng của mình có thể vươn tới được không” – chị Thu Hồng chia sẻ kinh nghiệm.
“Tôi cho rằng nếu không tự khởi nghiệp mà xác định ăn lương, thì mức khởi điểm khi mới ra trường sẽ không cao.
Muốn có thu nhập tốt, dù có năng lực nổi trội, bạn vẫn cần có thêm thời gian để thuyết phục người trả lương cho mình là “tôi xứng đáng”, hay “hãy trả lương cao đi, tôi sẽ làm lợi rất nhiều cho anh, hoặc tôi sẽ… đi chỗ khác” – anh Hòa bày tỏ quan điểm.
Mạng xã hội đang lan truyền màn hỏi đáp giữa nữ sinh viên và nhà tuyển dụng trong một buổi tọa đàm được tổ chức tại Học viện Kỹ thuật mật mã (Hà Nội) chiều 29/11. Một nữ sinh viên tên Phạm Thị Thanh đã đặt câu hỏi: “Em phải học tập và làm việc như thế nào để các nhà tuyển dụng ở đây nhận em vào làm với mức lương khởi điểm 2.000 đôla?”.
Ngay sau đó, một nhà tuyển dụng đã đặt câu hỏi ngược lại với nữ sinh này: “Nếu anh trả cho em 2.000 đôla thì em làm lại được cho anh bao nhiêu tiền? Với một sinh viên mới ra trường thì anh không nghĩ rằng bạn ấy sẽ mang lại được cho anh 10-15 nghìn mỗi tháng để anh có thể trả lại cho bạn ấy 2 nghìn”.
Bình luận