• Zalo

Lương hưu của nguyên Tổng GĐ Bia Huda Huế 65,2 triệu đồng/tháng

Thời sựThứ Năm, 23/10/2014 09:06:00 +07:00Google News

(VTC News) – Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó chủ nhiệm ủy ban Các vấn đề xã hội cho biết lương hưu của nguyên Tổng giám đốc Bia Huda Huế là 65,2 triệu/tháng

(VTC News) – Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó chủ nhiệm ủy ban Các vấn đề xã hội cho biết lương hưu của nguyên Tổng giám đốc Bia Huda Huế là 65,2 triệu/tháng và cao hơn nhiều lương Chủ tịch Quốc hội.

Trong phiên thảo luận tại hội trường về luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội đã chỉ ra những bất cập trong việc tính lương hưu hiện nay.

Người lao động tuy có mức lương thực tế cao nhưng lại đóng bảo hiểm xã hội theo mức lương cơ bản. Người lao động khi nghỉ hưu được hưởng 75% lương của trung bình 5 năm hoặc 10 năm lao động sau cùng.
Ông Bùi Sỹ Lợi
Ông Bùi Sỹ Lợi thông tin mức lương hưu của nguyên Tổng giám đốc Bia Huda Huế là 65,2 triệu đồng/ tháng (Ảnh VNN) 

Thông tin trước Quốc hội, Ông Bùi Sỹ Lợi cho biết: "Nếu được hưởng lương hưu bằng 75% của 5 năm hoặc 10 năm cuối trước khi nghỉ thì hiện có 1 trường hợp rất đặc biệt là ông Nguyễn Minh, nguyên Tổng giám đốc nhà máy Bia Huda Huế hiện hưởng lương hưu 65 triệu đồng/tháng, cao hơn rất nhiều lương của Chủ tịch Quốc hội hiện nay"
.

Trao đổi thêm với báo chí chiều 23/10 ông Bùi Sỹ Lợi thông tin cụ thể mức lương hưu ông Nguyễn Minh nhận được là 65,2 triệu đồng/ tháng.

Tuy nhiên, vị đại biểu này cho rằng với cách tính lương hưu như hiện nay thì số tiền đó là hợp lý vì dựa trên số tiền ông Minh đã tham gia đóng bảo hiểm trước đó. Ông Minh đóng cao nên được hưởng lương hưu cũng cao.

Ông Lợi lý giải mức lương ông Minh hưởng cao là vì lương khi về hưu của nguyên Tổng giám đốc Bia Huda Huế được tính bình quân 5 năm cuối.

Ông Minh đã đóng bảo hiểm xã hội trên thu nhập thực tế hàng trăm triệu/tháng, chứ không phải lương cơ bản. Tuy nhiên, vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng trường hợp nhận được lương hưu hơn 65 triệu đồng/ tháng cũng chỉ là cá biệt. Một số trường hợp khác có mức lương hưu thấp hơn nhưng ông không nắm được thông tin.

Mức lương hưu của nguyên Tổng giám đốc Bia Huda Huế là hợp lý 

Ông Bùi Sỹ Lợi nhận định trên thế giới, các nước thường không hình thành cơ chế tính hưởng lương hưu ở mức như Việt Nam.


“Về nguyên tắc, lương hưu được coi là khoản bù đắp cho hao phí lao động để hưởng khi tuổi già, lúc không còn sức lao động chứ không hướng đến việc phải sống đàng hoàng bằng lương hưu”, ông Lợi nhấn mạnh.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng dù trường hợp nhận lương hưu 65,2 triệu đồng của ông Minh là hợp lý nhưng xét ở góc độ chính sách xã hội thì không nhất thiết phải vậy.

Để hạn chế tình trạng này, Nhà nước đã quy định khoản đóng bảo hiểm không vượt quá 20 lần lương cơ sở. Và thực tế hiện nay, những người đang hưởng lương cao cũng chỉ tham gia đóng bảo hiểm ở mức tương đương lương tối thiểu vùng cộng thêm một tỷ lệ nhỏ 5-7%.

 Về điều chỉnh mức hưởng lương hưu hàng tháng (Điều 56)

Về vấn đề này, có 2 phương án sau:


Phương án 1: điều chỉnh tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng theo lộ trình, từ năm 2018, mức lương hưu hàng tháng của người lao động được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tương ứng với 15 năm đóng BHXH của lao động nữ và 20 năm đóng BHXH của lao động nam (theo lộ trình từ 2018 đến năm 2022). Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.

Phương án 2: tán thành với ý kiến của Chính phủ, theo đó, số năm đóng BHXH tương ứng với 45% mức bình quân tiền lương tháng để tính lương hưu cho người nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm; năm 2019 là 17 năm; năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm và từ năm 2022 trở đi là 20 năm. Sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ, mức tối đa bằng 75%.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Ủy ban thường vụ Quốc hội thấy rằng, cả 2 phương án đều hướng tới mục tiêu bảo đảm việc cân đối đóng – hưởng BHXH. Trong điều kiện tuổi nghỉ hưu được thực hiện theo quy định của Bộ luật lao động thì cần giảm thiểu tác động bất lợi đối với người lao động nghỉ hưu, đặc biệt là lao động nữ thông qua việc xây dựng lộ trình nâng số năm đóng BHXH của nam giới từ 15 năm lên 20 năm để đạt 45% mức bình quân tiền lương tháng tính lương hưu (cụ thể: năm 2018 là 16 năm; năm 2019 là 17 năm; năm 2020 là 18 năm; năm 2021 là 19 năm và từ năm 2022 trở đi là 20 năm).

Việc thực hiện lộ trình theo phương án 1 sẽ tạo điều kiện để người lao động có thời gian thích ứng với các thay đổi chính sách theo nguyên tắc đóng – hưởng.


(Theo báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự án Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn