• Zalo

Lương cán bộ EVN cao hay thấp?

Kinh tếThứ Ba, 22/11/2011 10:04:00 +07:00 Google News

Năm 2010, tiền lương bình quân của người lao động trong các loại hình doanh nghiệp là 3,2 triệu đồng/người/tháng. Khối DNNN có mức lương bình quân là 3,8 triệu.

Việc Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ông Phạm Lê Thanh “rất đau lòng khi thấy thu nhập bình quân của cán bộ năm 2009 chỉ ở mức 7,3 triệu đồng/tháng” và giảm xuống còn khoảng 7 triệu trong năm 2010, trong khi EVN lỗ nặng, đã gây phản ứng mạnh từ bạn đọc.

So với các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và các ngành khác, mức lương ấy cao hay thấp?


Lương khủng vẫn kêu!

Thông tin trên được ông Phạm Lê Thanh đưa ra tại cuộc họp công bố giá thành điện ngày 19-11. Tuy nhiên, theo kết quả điều tra của Bộ LĐTB&XH, công bố hồi tháng 10-2011, về thu nhập của các ngành trong năm 2010 cho thấy, ngành mỏ, luyện kim trả lương cao nhất (khoảng 9,2 triệu đồng/người/tháng). Tiền lương bình quân của người lao động trong các loại hình doanh nghiệp năm 2010 là 3,2 triệu đồng/người/tháng.

 
Khối DNNN có mức lương bình quân là 3,8 triệu đồng. Doanh nghiệp cổ phần có vốn đầu tư nhà nước là 3,3 triệu đồng/người/tháng. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 3 triệu đồng. Các ngành trả lương cao như ngân hàng cũng chỉ ở mức bình quân 7,6 triệu đồng/người/tháng, ngành dược bình quân 7 triệu đồng/người/tháng; điện tử viễn thông 5,5 triệu đồng/người/tháng.

Còn nếu so thu nhập bình quân năm 2010 của cán bộ ngành điện với mức thu nhập bình quân hiện tại của một số tập đoàn và tổng công ty nhà nước, thì người lao động nhiều đơn vị làm ăn lãi lớn, đóng góp vào ngân sách cao, vẫn thua xa. Như Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm lợi nhuận đạt trên 6.086 tỷ đồng, nộp ngân sách 2.461 tỷ đồng nhưng thu nhập bình quân của người lao động chỉ đạt 3,996 triệu đồng/người/tháng.

Còn nếu so với thu nhập của cán bộ công nhân viên Tập đoàn Dệt May Việt Nam, đơn vị có kim ngạch xuất khẩu gần 11, 2 tỷ USD trong năm 2010, thì lương của ngành điện là đáng mơ ước. Đại diện tập đoàn cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2011, dù doanh thu đạt tới 19.174 tỷ đồng nhưng thu nhập bình quân của ngành chỉ ở mức 3,64 triệu đồng/người/tháng. Thu nhập bình quân của cán bộ Tổng Cty Thuốc lá Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay chỉ đạt 5,58 triệu đồng/người/tháng.

Theo lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, những tháng đầu năm 2011, cán bộ trong ngành cũng chỉ có mức thu nhập bình quân 7 triệu/người/tháng. Còn nếu so với năm 2009, thu nhập bình quân cán bộ ngành than chỉ ở mức 5,3 triệu đồng (thấp hơn EVN 2 triệu đồng).

“Nếu so với ngành điện, đặc thù công việc của chúng tôi vất vả, nặng nhọc hơn. Ngay thu nhập của lãnh đạo bên đó cũng cao hơn chúng tôi rất nhiều” - Một phó tổng giám đốc Vinacomin, nói.

Theo một chuyên gia, việc EVN kêu mức lương bình quân tính của lao động ở mức trên 7 triệu đồng là thấp thì cũng không có gì đáng ngạc nhiên, nếu nhìn vào những đề xuất chia thưởng từng được đơn vị này đưa ra hồi cuối năm 2008.

Khi đó, với lý do lãi lớn, thay vì chuyển tiền vào đầu tư, EVN có văn bản gửi Thủ tướng cho rằng, việc ưu tiên tăng vốn đầu tư là cần thiết, song cũng cần xem xét quyền lợi của 84.000 cán bộ công nhân viên ngành điện (nay là hơn 100 ngàn lao động). Vì vậy EVN kiến nghị xử lý tổng lợi nhuận thực hiện năm 2007 theo hướng cho trích quỹ khen thưởng phúc lợi 1.002 tỷ đồng, còn lại 1.490 tỷ đồng sẽ bổ sung vào quỹ đầu tư phát triển. Đề xuất này sau đó đã bị phản ứng dữ dội, nên chỉ được trích 334 tỷ đồng quỹ khen thưởng.

Một chuyên gia cho rằng, đấy mới chỉ là thu nhập bình quân còn thu nhập thực tế của lãnh đạo ngành điện chắc chắn cao hơn rất nhiều lần. Với việc ngành điện khiến cả nước phải liêu xiêu vì tình trạng cắt điện triền miên trong năm 2010 và 2009 thì mức thu nhập trên với ngành điện là không xứng đáng. Nếu tính những thiệt hại do tình trạng thiếu điện mà EVN là đơn vị phải chịu trách nhiệm chính thì mức lương bình quân trên cần phải xem xét lại.

Nhân danh lo cho vài triệu người nghèo, đè người tiêu dùng

Trao đổi với PV, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, các tập đoàn nhà nước được hưởng ưu đãi rất nhiều về đất đai, tài nguyên thiên nhiên, vốn… so với các doanh nghiệp khác. Đó là chưa kể những lợi thế không thể so sánh như được ưu tiên vay vốn ODA, được Chính phủ bảo lãnh vay vốn ngân hàng trong và ngoài nước.

"Do bộ máy cồng kềnh dẫn đến việc hoạt động chưa hiệu quả. Nhiều khi muốn giảm bớt nhân lực nhưng cũng khó vì nếu người ta không sai phạm, không có khuyết điểm gì thì rất khó có thể đuổi việc”-Một ủy viên Hội đồng Thành viên EVN. 

Với ngành điện, cần tách bạch khoản phục vụ công ích khỏi phần kinh doanh để làm rõ hiệu quả hoạt động của ngành này. Không thể để tình trạng nhân danh lo cho vài triệu người nghèo để rồi mập mờ đè lên đầu mấy chục triệu người tiêu dùng khác.

TS.Vũ Đình Ánh, Viện Kinh tế -Tài chính, Bộ Tài chính cho rằng, vấn đề lãi, lỗ bao nhiêu, lương cao hay thấp của EVN chỉ là nhỏ lẻ, mà quan trọng bây giờ là phải có cuộc đại phẫu tổng thể cả ngành điện. Bây giờ không phải chữa theo cách xem nó nổi u ở đâu thì cắt ở đó mà phải đặt nó lên bàn mổ xem u chỗ nào, cục chỗ nào để đại phẫu.

Cũng cần đặt ra vấn đề là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước khi để cho ngành điện rơi vào tình trạng này. Còn mức lương của EVN, như thế là quá cao.

Chưa kể, hiện lượng lao động của ngành điện quá đông, tới hơn 10 vạn. Theo TS Nguyễn Mạnh Hiến, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng, ở các nước người ta chỉ tính 2 hoặc 2,5 người/MW công suất lắp đặt trong khi ở EVN hiện từ 4,5 - 6 người. Chỉ tính riêng phần trả lương của EVN trong giá điện hiện nay cũng là không công bằng. Đây là điều cần xem lại. Cần có sự kiểm toán chi phí sản xuất điện của EVN.

Phạm Tuyên/TienPhong Online

Bình luận
vtcnews.vn