- Đây có phải là vai phản diện đầu tiên của anh không?
Thực ra là không. Tôi từng có vai phản diện trên sân khấu và phim, nhưng không ấn tượng như vai này nên ít được biết đến.
- Thực tế là anh cũng không có nhiều trải nghiệm về cuộc sống của “xã hội đen”?
Đúng vậy. Cả tôi và anh Hoàng Dũng đều như thế! Nhưng thành công ở đây là do kịch bản. Kịch bản gốc đã cực tốt, kịch bản Việt hóa thì mang hơi thở của người Việt, người xem không cảm thấy cách biệt.
Khi mới bắt đầu, chúng tôi không nghĩ bộ phim có phản hồi mạnh mẽ như thế mà chỉ cảm nhận được đây là một kịch bản tốt và lạ. Các nhân vật đều có cá tính và giọng riêng nên diễn viên có đất để xây dựng nhân vật.
- Cảnh nào thể hiện sự tàn bạo của Lương Bổng nhất?
Lương Bổng làm gì đều là lệnh của Phan Quân. Cảnh chặt ngón tay ngay đầu phim, tôi nhớ là nó đã gây bão trên mạng xã hội và các bạn đã tranh cãi rất nhiều. Có nhà báo đã dùng từ “ghê tởm” để nói về cảnh này. Sắp tới cũng sẽ có những cảnh Lương Bổng phải xử một ai đó nhưng vẫn nhất quán với tính cách của Lương Bổng dù phần 2 là do đạo diễn khác làm.
Tôi và đạo diễn đã bàn nhau để thay đổi cái kết cho đúng với tư tưởng của Lương Bổng.
NSƯT Trung Anh
- Người ta nói nhiều về cái kết phim và phim đã phải làm lại vì lộ kết?
Phim chưa chiếu hết nên rất khó nói. Tuy nhiên, trong những cảnh sắp tới sẽ có những việc tưởng là trái ngược với Lương Bổng nhưng thực ra vẫn nhất quán. Tôi và đạo diễn đã bàn nhau để thay đổi cái kết cho đúng với tư tưởng của Lương Bổng.
- Cảnh nào mà bộ mặt lạnh của Lương Bổng sẽ phải bộc lộ cảm xúc mạnh mẽ?
Đấy là cảnh quay tâm lý nặng nề trước thử thách rạn nứt đầu tiên của Lương Bổng và Phan Quân. Cảnh này phải quay lúc chiều tà, trên miệng vực, thời gian rất ngắn bởi không nhanh sẽ thành cảnh đêm. Đây là cảnh phải dồn tụ rất nhiều thứ, vừa áp lực tâm lý, vừa không gian thời gian khiến tôi khá mệt mỏi.
- Điều gì khiến anh không từ bỏ sân khấu của Nhà hát Kịch Việt Nam trong khi khán giả đang quay lưng với sân khấu?
Tôi đã được sống qua những năm tháng thịnh vượng của sân khấu. Khi ấy khán giả tự nguyện bỏ tiền ra mua vé xem kịch. Mỗi lần có vở diễn là những hàng dài xếp vòng quanh để mua vé, có dãy riêng cho thương binh.
Thời bấy giờ ưu tiên bán vé theo giấy giới thiệu của cơ quan nên nhiều khi người mua lẻ còn không thể mua được vé. Vở “Nhân danh công lý” năm 1985 phải diễn cùng một lúc hai đoàn ở hai nhà hát mà vẫn không đủ.
Nghĩ mà xót xa cho hiện tại, vở mới có treo áp phích hàng tối cũng chả ai mua. Chúng tôi phải đi diễn tỉnh, mà cũng không phải người ta tự nguyện mua vé. Vé được chào bán từ nhiều tháng trước, mua theo kiểu ủng hộ nhau, đến ngày có khi người ta còn quên đi xem.
Có hôm chúng tôi diễn, khán giả ở dưới chỉ có 30 người, rất tủi thân. Tôi cảm thấy như mình bị phản bội, con đường mình đã theo đuổi càng ngày càng trở nên tuyệt vọng.
- Anh mong muốn điều gì từ Nhà hát Kịch Việt Nam?
Điều đáng buồn là Nhà hát Kịch Việt Nam không tự tạo khán giả riêng cho mình. Lẽ ra, nhà hát phải sáng đèn, những vở thật sự hay nhất phải được công diễn, khán giả xem và họ sẽ hình thành thói quen. Nhưng không, đã lâu rồi không có vở diễn tại nhà hát một cách đúng nghĩa, chỉ là tổng duyệt báo cáo.
Tôi cảm thấy sai lầm khi không chuyển khỏi nhà hát khi tôi còn sung sức, vào 10-12 năm trước. Giờ thì quá muộn, vài năm nữa là tôi về hưu. Những lần nhen nhóm ý định ra đi tôi lại xót xa vì mình đã trưởng thành, gắn bó ở đây quá lâu.
Xin cảm ơn anh!
Video: NSƯT Trung Anh trong vai Lương Bổng
Bình luận