Lần đầu đến Hà Nội, thầy giáo K’Dĩnh (SN 1979, Bình Thuận) không giấu nổi niềm vui. Đây là kỷ niệm cũng là món quà lớn với thầy trong ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay. Thầy giáo K’Dĩnh (người dân tộc K’ho) là một trong 63 giáo viên dân tộc thiểu số tiêu biểu được vinh danh năm 2020.
Thầy có hơn 14 năm gắn bó với nghề gieo chữ cho học sinh vùng cao tại trường Tiểu học Tân Phúc 1 (Hàm Tân, Bình Thuận). Với thầy, nghề giáo nhiều gian truân, khó nhọc, luôn đòi hỏi sự kiên trì và nhẫn nại. Nhưng dù có vất vả tới đâu thầy vẫn luôn vững tin mỗi khi nhìn ánh mắt học trò vui cười tới trường, không bỏ học đi nương rẫy.
Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ bận làm nương rẫy, không quan tâm đến chuyện học hành nên việc tới trường của thầy K'Dĩnh từng không ít lần bị gián đoạn. Sau 12 năm học phổ thông, thầy K’Dĩnh thi đỗ vào Cao đẳng Sư phạm Bình Thuận. Thầy chọn theo nghiệp sư phạm vì muốn được dạy học cho những đứa trẻ trong xã, vận động chúng đến lớp, không bỏ học.
Thời sinh viên, thầy K’Dĩnh tìm nhiều việc làm thêm, vừa kiếm tiền trang trải học phí, chi phí sinh hoạt, vừa tiết kiệm gửi về nhà giúp đỡ bố mẹ. "Ngày đầu tiên cầm tấm bằng tốt nghiệp sư phạm, tôi bật khóc to vì ước mơ trở thành giáo viên thành hiện thực", thầy nhớ lại.
Tháng lương đầu tiên, thầy K’Dĩnh nhận 600.000 đồng. Thầy dành số tiền đó để mua thêm đồ dùng học tập, sách cho học sinh trong lớp. Dù tiền lương không nhiều nhưng bản thân vẫn vui vì được đứng trên bục giảng, được cười đùa với học trò mới là điều thầy muốn.
Hai năm đầu làm giáo viên, lương thấp, chưa được hưởng nhiều phụ cấp, bố của thầy K’Dĩnh chọc vui: "Làm thầy giáo kiểu gì mà sao ăn ké gia đình hoài. Làm thầy giáo đáng lẽ phải đi làm nuôi gia đình chứ sao để gia đình nuôi suốt mấy năm nay". Dù là nói đùa nhưng lúc đó thầy chỉ muốn bỏ nghề đi xuất khẩu lao động. Thấy bố mẹ lớn tuổi mà vẫn khổ cực, khiến thầy không cam lòng.
Nhiều đêm trằn trọc nằm suy nghĩ, thầy K’Dĩnh luôn canh cánh lời nói của bố; một bên là gia đình, một bên là học trò. Nếu bỏ dạy, thì những đứa trẻ quanh nhà chắc chắn sẽ không tới trường học nữa, các em sẽ theo bố mẹ đi nương rẫy. Cuối cùng, thầy quyết định bám trụ lại với nghề, dù nghèo nhưng giúp ích được cho bản làng và cũng tiện chăm sóc bố mẹ già nhỡ nhàng khi ốm đau.
Ngoài giờ trên lớp, thầy K’Dĩnh xung phong đi vận động học sinh tới trường hoặc tranh thủ làm nương rẫy phụ giúp gia đình. Dần dần, lương của thầy cũng được cải thiện hơn, giúp đỡ được bố mẹ tiền sinh hoạt hàng ngày. Sau 14 năm kiên trì bám trường, bám lớp, hiện lương của thầy K’Dĩnh là 6,6 triệu đồng/tháng.
“Lý do là tôi giữ nghề đến ngày hôm nay không phải vì đồng lương mà tôi muốn tăng tỷ lệ vận động các em đến trường, được học, được vui chơi và phát triển bình thường như những bạn học sinh khác trên cả nước”, thầy giáo tâm sự.
Trong cuộc đời người giáo viên vùng cao, thầy nhớ nhất là những lần đi vận động học sinh tới trường. Mỗi lần thấy bóng dáng thầy đến nhà gọi đi học là học sinh chạy tán loạn. Học trò lớp 4, lớp 5 trốn học một phần vì kiến thức khó, phần khác do bố mẹ bận làm nương rẫy, không quan tâm việc con đi học.
Thầy K’Dĩnh nhớ năm 2008, có cô học trò tên Phượng, nhà các trường 5km đường núi. Mỗi lần nhìn thấy thầy đến nhà vận động là em chạy nhanh như sóc. Có khi vừa nhìn thấy em ấy đứng bên kia bờ suốt, thầy K’Dĩnh chỉ kịp gọi “Phượng ơi!” là đã ba chân bốn cẳng chạy trốn lên đồi, không thể tìm được. Thầy kiên trì gần 10 lần vào nhà vận động nhưng đều thất bại. Cuối cùng phải nhờ đến các em học sinh trong lớp cùng đi vận động. Lúc đó Phượng mới chịu ra lớp.
Đa phần phụ huynh người dân tộc ở đây không quan tâm sâu sát đến việc đi học. Các em trong độ tuổi mới lớn 13, 14 tuổi là bỏ học vào TP.HCM kiếm việc làm. Đến nay, số học sinh chịu học hết lớp 12 rất ít, đa số chỉ dừng lại ở trình độ lớp 8, lớp 9.
Điều thầy K’Dĩnh lo lắng nhất là các em học sinh này đang trong độ tuổi mới lớn, chưa hiểu được đúng sai, nhưng cạm bẫy xã hội.
Thầy giáo người dân tộc K’ho hy vọng, các cấp, các ngành có chính sách hỗ trợ giúp các em học hết cấp 2 đi học nghề hoặc tạo điều kiện cho các em có được việc làm an toàn. Mong sao các em đồng bào dân tộc thiểu số có cái nghề đó làm cái cần câu cơm để các em không phải khó nhọc kiếm từng miếng ăn qua ngày.
Bình luận