Năm 2009, Công Vinh ký hợp đồng chơi bóng cho CLB Leixoes (Bồ Đào Nha) dưới dạng cho mượn từ Hà Nội T&T (tiền thân của Hà Nội FC). Chẵn 10 năm sau, bóng đá Việt Nam mới chứng kiến trường hợp thứ hai sang châu Âu chơi bóng. HAGL đạt thoả thuận cho mượn Công Phượng sang CLB Sint-Truidense với thời hạn 1 năm. Công Phượng sẽ hưởng lương cao, được đãi ngộ tốt và có cơ hội ra sân ở giải VĐQG tốt thứ tám tại lục địa già hiện nay.
Bầu Đức cũng khẳng định có 7 đội châu Âu ngỏ lời chiêu mộ Công Phượng. Tiền đạo sinh năm 1995 cũng trở thành cầu thủ đầu tiên ở Việt Nam xuất ngoại tại 3 quốc gia (Nhật Bản, Hàn Quốc và Bỉ). Clermont Foot, CLB ở hạng Nhì Pháp "suýt" có chữ ký Công Phượng cũng chia sẻ sự tiếc nuối với báo giới khi không thể hoàn tất thương vụ.
Điều gì khiến cầu thủ người Việt Nam được các CLB nước ngoài để ý và Công Phượng có thể mang tới cho Sint-Truidense những lợi ích gì trong một năm tới đây?
"Họ nói Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh đi nước ngoài vì thương mại. Tôi hỏi lại, thương mại là gì? Là mua bán, kinh doanh. Nếu mà ông chủ tịch nào đó bỏ tiền ra mua cầu thủ, không phải ít đâu, mà để về đá chơi thì cá nhân tôi cho là thằng điên. Có điên mới bỏ tiền ra mua cầu thủ về đá chơi", bầu Đức thẳng thắn chia sẻ.
Động cơ của Sint-Truidense trong thương vụ chiêu mộ Công Phượng là gì, bầu Đức hay HAGL không phải bên quyết định. "Hợp đồng thương mại" là cụm từ phổ biến để nói về những thương vụ chiêu mộ cầu thủ với mục tiêu quảng bá hình ảnh hay những động cơ khác ngoài chuyên môn.
Manchester United từng mua Dong Fangzhou để thâm nhập vào thị trường Trung Quốc, Chelsea ký với trung vệ người Mỹ Matt Miagza hay Almeria mang về tiền đạo Thái Lan Teerasil Dangda là những thương vụ mà báo giới gọi là "hợp đồng thương mại" điển hình.
Thực tế, khái niệm này không còn phù hợp trong bóng đá hiện đại khi tính thương mại cầu thủ đã/đang được nâng tầm quan trọng lên không kém tính chuyên môn. Khi một CLB cân nhắc ký hợp đồng với cầu thủ, giá trị hình ảnh và thương hiệu của cầu thủ sẽ được xem xét và đo lường rất kỹ lưỡng.
Đó là lý do thương vụ chiêu mộ Cristiano Ronaldo của Juventus với giá 100 triệu euro được đánh giá là khôn ngoan. Ngoài giá trị chuyên môn, Ronaldo còn nâng tầm hình ảnh Juventus, nhất là trên trường quốc tế.
CLB thường chỉ hạ thấp vai trò thương mại của cầu thủ khi anh ta còn trẻ hoặc ở dạng tiềm năng. Quay trở lại với trường hợp Công Phượng, ở tuổi 24, cầu thủ người Việt Nam không còn trẻ. Công Phượng chơi bóng ở V-League 3 năm (2015, 2017, 2018), ở Hàn Quốc (2019) và Nhật Bản (2016) trong một năm.
Công Phượng chinh chiến hết các giải trẻ, khoác áo ĐTQG ngót 4 năm. Do đó, CLB Sint-Truidense phải tính toán đến hiệu quả thương mại bên cạnh yếu tố chuyên môn hiển nhiên phải có.
Tính thương mại còn được cân nhắc hơn nữa khi Công Phượng đến từ Việt Nam với nền bóng đá đang phát triển và có lực lượng CĐV đông đảo, sử dụng mạng xã hội phổ biến. Các cầu thủ đến từ châu Á nói riêng và Đông Nam Á nói chung luôn là "mỏ vàng" thương mại để các đội bóng châu Âu khai thác. Mức phí chuyển nhượng rẻ, song đổi lại là lực lượng CĐV đông đảo và hình ảnh đội bóng mặc nhiên lan toả rộng rãi ở đất nước của cầu thủ đó.
Incheon United không thu lại thành công về chuyên môn khi chiêu mộ Công Phượng, song về mặt hình ảnh, đội bóng Hàn Quốc có thể hài lòng phần nào. Trận ra quân của Incheon ở K-League 2019 chứng kiến gần 15.000 CĐV có mặt tại Incheon Stadium, gấp 3 lần số khán giả/ trận của đội bóng này mùa trước đó (gần 5.000 CĐV).
5 trận đầu tiên của Incheon, số CĐV đến sân luôn dao động từ 10.000 đến 12.000 người, mang lại số tiền bán vé cao gần gấp ba mùa trước.
Tương tác trên mạng xã hội tăng cao giúp tên tuổi Incheon được báo giới Hàn Quốc chú ý hơn, điều này cũng sẽ lặp lại với Sint-Truidense, ít nhất trong 3 tháng đầu tiên. Một số nhật báo Bỉ, phổ biến là Woefoot, đã đăng tải thông tin Công Phượng sang Bỉ từ nhiều ngày trước.
Với Công Phượng trong đội hình, Sint-Truidense sẽ hướng tới thị phần CĐV Việt Nam tại châu Âu, xa hơn có thể là bán bản quyền một số trận cho các kênh phát sóng tại Việt Nam, bên cạnh khoản thu từ áo đấu, vật phẩm lưu niệm liên quan. Sức hút của cầu thủ người Việt Nam đảm bảo cho Sint-Truidense lợi ích nói trên.
Cựu tuyển thủ QG Mỹ Alli Peterson từng nghiên cứu và khẳng định 3 lý do chính để cầu thủ lựa chọn gia nhập đội bóng là tính cạnh tranh của giải VĐQG, trình độ của ban huấn luyện và "tài nguyên" được thừa hưởng để phát triển. Công Phượng thất bại ở Incheon, ít nhất là về mặt chuyên môn, khi không có 2 yếu tố sau.
Đội bóng Hàn Quốc chiêu mộ Công Phượng, song không tính toán và có kế hoạch dài hạn để giúp cầu thủ Việt Nam hoà nhập, nâng tầm. Phía HAGL cũng phải chịu phần nào trách nhiệm bởi môi trường bóng đá tại K-League vốn ưa chuộng thể lực, tốc độc và sự càn lướt - yếu tố Công Phượng dù cải thiện nhiều nhưng vẫn yếu so với mặt bằng chung. Sau 2 tháng thi đấu, cầu thủ này chia sẻ "không biết phải đá tiền đạo thế nào".
Xuân Trường, Tuấn Anh cũng thất bại ở Buriram United, Incheon, Gangwon hay Yokohama FC vì lý do chuyên môn, nhưng cầu thủ không hoàn toàn có lỗi. Khi đưa cầu thủ sang nước ngoài chơi bóng, CLB chủ quản phải tính toán xem đội bóng có phù hợp, tạo điều kiện tối đa để nhân sự của mình phát triển hay không.
Điều này quan trọng không kém so với việc cầu thủ nên sang châu Âu hay Nhật Bản, Hàn Quốc. Ở môi trường vừa tầm mà phát triển vừa vặn còn hơn sang môi trường quá cao rồi bị chững lại.
Nhìn vào danh sách đăng ký của Sint-Truidense mùa trước, dễ nhận ra đội bóng Bỉ rất ưu tiên mặt trận tấn công với số lượng tiền đạo đông đảo. 9 cầu thủ cạnh tranh suất đá chính với tuổi đời rất trẻ. Cầu thủ lớn tuổi nhất là Cristian Ceballos mới 26 tuổi, trưởng thành từ học viện bóng đá La Masia của Barcelona.
Dàn tấn công của Sint-Truidense cũng có đội trưởng Jordan Botaka, Ballongo, Janssens, Swers, Asamoah, Bolly. Ngoài ra còn có chân sút từng thi đấu tại các giải VĐQG hàng đầu như Mamadou Sylla (cựu cầu thủ Espanyol), Elton Acolatse (trưởng thành từ Ajax). Đó là chưa kể tiền đạo người Nhật Bản Kinoshita.
Kinoshita là cầu thủ ít được ra sân nhất trên hàng công Sint-Truidense. Sở hữu bởi ông chủ Nhật Bản nên số lượng cầu thủ Nhật Bản ở Sint-Truidense rất đông đảo. Dẫu vậy, không phải cầu thủ Nhật Bản nào cũng được ưu ái nếu không thể hiện được mình.
2 cái tên đã ra đi vì không đảm bảo được chuyên môn. 4 năm sau khi thăng hạng, Sint-Truidense luôn có mùa sau đứng cao hơn mùa trước. Đội bóng Bỉ được đầu tư lớp lang, bài bản và đào thải vô cùng khốc liệt. Ở châu Âu, Công Phượng sẽ không có sự ưu ái nào.
Vì vậy, đóng góp chuyên môn của Công Phượng cho Sint-Truidense còn phụ thuộc vào việc anh được đá chính hay không. Cầu thủ gốc Đô Lương chia sẻ sẽ cố gắng hết sức để không làm phụ lòng người hâm mộ. 12 tháng trước mắt sẽ là quãng thời gian Công Phượng chứng tỏ sự trưởng thành. Nếu ngồi dự bị, Công Phượng có thể vẫn học hỏi được, song đóng góp của anh cho CLB Bỉ sẽ chỉ dừng lại ở tính thương mại.
Mà bầu Đức, HAGL hay chính Công Phượng đều không muốn thế!
Bình luận