Lúng túng với Sơn Tùng M-TP, nhạc Việt bao giờ mới có lối thoát?

Văn hóa - Giải tríThứ Năm, 13/11/2014 06:41:00 +07:00

(VTC News) - Các cơ quan chức năng lúng túng chưa thể xử lý ca khúc của Sơn Tùng M-TP, vấn nạn 'đạo nhạc' vẫn ồn ào suốt nhiều năm.

(VTC News) - Các cơ quan chức năng lúng túng chưa thể xử lý ca khúc của Sơn Tùng M-TP, vấn nạn 'đạo nhạc' vẫn ồn ào suốt nhiều năm.

Chưa thể khẳng định Sơn Tùng M-TP đạo nhạc

Ngày 24/10, ca khúc Chắc ai đó sẽ về ra mắt trong bộ phim Chàng trai năm ấy. Ngay lập tức, Chắc ai đó sẽ về bị tố cáo là có nhiều điểm trùng hợp đối với ca khúc Because I Miss You của nam ca sỹ Jung Yong Hwa - trưởng nhóm nhạc CN Blue của Hàn Quốc.

Ca khúc Chắc ai đó sẽ về của Sơn Tùng M-TP

Ca khúc Because I Miss You của Jung Yong Hwa:

Từ đó, cuộc tranh cãi xung quanh ca khúc Chắc ai đó sẽvề nổ ra không chỉ từ phía khán giả mà ngay trong giới chuyên môn. Phần lớn các nhạc sỹ, khán giả đều lên án việc đạo nhạc, tuy nhiên họ cũng chưa xác định được ca khúc của Sơn Tùng M-TP có phải là 'hàng đạo' hay không.

Ngày 11/10, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã có cuộc họp với sự tham gia của các nhạc sĩ Phó Đức Phương, Trương Ngọc Ninh, Võ Thiện Thanh, Đỗ Bảo…. Sau cuộc họp này, Trung tâm khẳng định ca khúc Chắc ai đó sẽ về của Sơn Tùng M-TP đã đạo nhạc ca khúc Because I Miss You.

Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã gửi văn bản lên Cục Bản quyền đề nghị cấm lưu hành ca khúc này.
Sơn Tùng
Sơn Tùng gây ồn ào với ca khúc Chắc ai đó sẽ về 
Trước đó, một số nhạc sỹ có uy tín đã lên tiếng bênh vực Sơn Tùng M-TP. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Thế Bảo nhận định: Giai điệu và lời bài hát ca khúc Chắc ai đó sẽ về của Sơn Tùng và Because I Miss You của Jung Yong Hwa không giống nhau. Cả hai chỉ giống nhau ở nhịp 6/8 và vòng hoà âm, nhưng bấy nhiêu đây thì không thể kết luận là đạo nhạc.

Các nhạc sỹ khác như Thái Thịnh, Lê Đức Hùng khẳng định, 2 ca khúc trên hoàn toàn khác nhau về giai điệu và phối khí.

Trước những ý kiến trái chiều về ca khúc mới của Sơn Tùng M-TP, mới đây Cục trưởng Cục Bản quyền Vũ Ngọc Hoan đã lên tiếng.

Ông Vũ Ngọc Hoan cho hay: Cục Bản quyền chưa đủ căn cứ để xác định ca khúc Chắc ai đó sẽ về có phải là sản phẩm của việc đạo nhạc hay không.

Ông Vũ Ngọc Hoan còn nói thêm, ý kiến của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam cũng chỉ một nguồn để tham khảo. Muốn xác định ca khúc Chắc ai đó sẽ về có phải là một sản phẩm đạo không thì cần thêm rất nhiều các nguồn khác như tác giả của ca khúc Because i Miss You, Sơn Tùng M-TP và ý kiến của giới chuyên môn.


Loay hoay đối phó với việc đạo nhạc

Việc đạo nhạc đã tồn tại từ rất lâu trong showbiz Việt. Năm 2004, làng nhạc Việt rúng động khi nhạc sỹ Bảo Chấn bị phát hiện là đã đạo nhạc ca khúc Tình thôi xót xa từ ca khúc I 've never been to me (Charlene) và bản hòa tấu Frontier (Keiko Matsui). Nhạc sỹ Bảo Chấn cũng thừa nhận rằng bài Tình thôi xót xa giống với I've never been to me tới 99%.

Sự giống nhau một cách rõ ràng giữa ca khúc Tình thôi xót xa và các tác phẩm quốc tế trên khiến cho ai cũng nhận rõ hành vi đạo nhạc của nhạc sỹ Bảo Chấn. Hội nhạc sỹ đã ra quyết định cảnh cáo vị nhạc sỹ tên tuổi này.
Bảo Chấn
Sự nghiệp của nhạc sỹ Bảo Chấn gần như chấm dứt sau khi việc đạo nhạc bị phát hiện 
Tuy nhiên, sau Bảo Chấn, nhiều nhạc sỹ khác được cho là đạo nhạc và phải nhận biện pháp xử lý. Chẳng hạn như Minh Vương, FB Boiz đã bị thu hồi giải Bài hát Việt sau khi các ca khúccủa họ bị phát hiệnđạo từ nhạc Hàn Quốc...

Bản thân Sơn Tùng M-TP cũng đã bị loại khỏi một số chương trình như Bài hát yêu thích, Làn sóng xanh khi các ca khúc của anh bị phát hiện là đạo nhạc.

Tuy nhiên, những ca khúc này bị phát hiện bởi họ đã sử dụng phần beat (nhạc nền) của các ca khúc quốc tế. Mức độ giống nhau giữa những ca khúc đạo và ca khúc bị đạo lên tới mức độ gần 90% nên dễ bị nhận ra và bản thân những người nghệ sỹ này cũng đã lên tiếng thừa nhận hành vi 'ăn cắp'.

Mặc dù vậy, đối với cách thức đạo tinh vi hơn và bản thân người nhạc sỹ không lên tiếng thừa nhận nên các cơ quan chức năng chưa thể đưa ra biện pháp xử lý cụ thể.

Trong năm 2004, Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã công bố 70 ca khúc bị nghi là đạo nhạc. Trong đó có sáng tác của các nhạc sỹ có tên tuổi như Quốc Bảo, Võ Thiện Thanh, Nguyễn Hà, Phương Uyên, Lê Quang...

Vào năm 2008, hàng loạt các ca khúc làm mưa làm gió trên thị trường như Vầng trăng khóc, Kiếp đỏ đen, Hãy nói anh yêu em cũng vướng phải nghi án đạo nhạc.

Tuy nhiên, tất cả những cái ca khúc trên chỉ bị xếp vào dạng nghi án. Chính vì thế, các nhạc sỹ gần như không phải chịu trách nhiệm gì.

Ý thức người làm nghề

Việc xác định một tác phẩm có phải là 'hàng đạo' hay không không phải là chuyện đơn giản. Chính vì thế chỉ có chính tác giả mới là người biết rõ nhất rằng tác phẩm của mình có đạo hay không. Và việc này thì phụ thuộc hoàn toàn vào ý thức của người làm nghề của họ.

Là một người đã từng lên tiếng nhiều lần về vấn đề đạo nhạc, nhạc sỹ Dương Khắc Linh đã lên tiếng kêu gọi: 'Làm một ca khúc không chỉ đơn giản là để bạn hát rồi quên. Ca khúc đó sẽ có những người ngoại quốc nghe, thậm chí là tác giả của ca khúc gốc bị đạo nghe, đừng vì một sự tiện lợi của cá nhân mà làm cho âm nhạc của Việt Nam trở nên xấu xí trong mắt bạn bè quốc tế.

Hãy nhìn cách người Singapore bảo vệ hình ảnh đất nước họ khi có một con sâu làm rầu nồi canh. Liệu chúng ta có nên làm điều tương tự?'.

Mộc Lan
Bình luận
vtcnews.vn