• Zalo

Lún cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình: Lái xe rùng mình kể chuyện

Thời sựThứ Bảy, 21/06/2014 04:53:00 +07:00Google News

Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình mới thông xe hơn một năm nay, nhưng đoạn đường này đã xuất hiện những điểm lún mang tính "tử thần"

Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình mới thông xe hơn một năm nay, nhưng đoạn đường này đã xuất hiện những điểm lún mang tính "tử thần"

Những điểm "tử thần" trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình

Xung quanh việc đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình mới thông xe hơn một năm nay nhưng đã xuất hiện những điểm lún, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn của những phương tiện tham gia. Đặc biệt nghiêm trọng hơn khi đây lại là một tuyến đường cao tốc.

Chiều 19/6/2014, tại Bến xe Giáp Bát (Hà Nội), rất nhiều lái xe các tuyến Hà Nội đi Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An... đều đồng loạt phản ánh về tính nguy hiểm của con đường này, thậm chí có những đoạn đường, lái xe còn phải dùng đến hai chữ "tử thần" để lột tả.

Bến xe Giáp Bát
Bến xe Giáp Bát 

Anh Lê Ngọc Tình (SN 1980, Thanh Hóa), lái xe của nhà xe Tiến Phương, chuyên chạy tuyến Hà Nội - Thanh Hóa lắc đầu khi được hỏi về cung đường anh phải chạy hằng ngày.

Anh Tình cho biết: "Mang tiếng là đường cao tốc, tốc độ từ 60 - 100 km/h, nhưng có nhiều điểm các xe phải tốc độ xuống 30 - 40km/h kẻo tai nạn như chơi. Mà chúng tôi ngày nào cũng chạy trên tuyến đó nên còn biết đâu là điểm đen, còn những lái xe lạ, không ít người mất lái ở đây."

Anh Tình lý giải: "Trên tuyến cao tốc này đường lún theo vệt bánh xe rất đáng sợ, khi chạy tốc độ trên 80km sẽ xuất hiện hiện tượng láng bánh. Nhưng láng bánh như thế còn có thể chủ động được, chứ nguy hiểm nhất là các đoạn nối giữa đường với cống, tạo thành các gờ cao khoảng 20 - 30 cm. Tôi có thể kể ra là cống ở km  251 - 253, đoạn Ý Yên ở Nam Định.

Cách đây khoảng hai, ba ngày đã có một vụ tai nạn xe tải 2.5 tấn đã bị xóc bay xe và mất lái, lao vào giải phân cách. Còn trước đó khoảng một tuần thì một xe con cũng mất lái lao vào lề đường. Xe khách ngoài 40 chỗ thì đi tốc độ 60km/h có thể đi qua được, nhưng xe tải trọng từ 2.5 tấn trở lên chỉ dám đi tốc độ 30 - 40km/h, cao hơn là mất lái ngay."

Đồng quan điểm với lái xe Tình, lái xe Nguyễn Văn Vương (Nam Định) rất bức xúc về việc đường lún ở cao tốc này. Anh Vương cho biết: "Gờ cống thì hầu như cống nào cũng dính, còn lún nhất là đoạn Đồng Văn, từ Cầu Giẽ đến Hà Nam. Cả đoạn cao tốc hơn khoảng 100km nhưng lái xe nào cũng căng thẳng vô cùng."

Nên dừng thu phí đến khi... đường đẹp

Chung quan điểm với các lái xe trên, hàng loạt lái xe của các nhà xe Liêm Phát, Đức Dũng, Hải Đăng... đều tỏ ra bức xúc với đoạn đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Lái xe của nhà xe Liêm Phát cho biết: "Có những đoạn đường lún nghiêm trọng, người ta cũng bố trí bù lún, sửa chữa, nhưng sửa hôm nay, chạy mấy hôm lại bong hết lớp sửa, đường vẫn như cũ. Phí vẫn thu, nhưng đường chẳng ra gì."

Lái xe Lê Ngọc Tình của nhà xe Tiến Phương cho biết: "Nhà xe có 28 lượt xe đi về mỗi ngày, một lượt tổng phí phải đóng là 140.000 đồng, một tháng nhà xe chúng tôi đóng phí khoảng 120 triệu đồng. Ngoài ra mỗi xe thêm đủ các loại thuế phí hàng tháng khác. Trong khi đường xá như bẫy nhau như thế."

Lái xe Trần Thành Vinh (Thái Bình) nhận định: "Có lẽ nên dừng thu phí, hoặc giảm mức phí, khi nào đường đẹp, đúng tiêu chuẩn thì hãy thu phí, lúc đó thì chúng tôi đóng phí cũng thấy thỏa đáng."
Quốc lộ 18 đoạn Hạ Long - Uông Bí dừng thu phí vì đường xấu

Các lái xe tuyến Hà Nội - Hạ Long ở bến xe Mỹ Đình cho biết hiện tại Quốc lộ 18 đoạn Hạ Long - Uông Bí đã không thu phí cho đến tháng 11/2014.

Trước đó, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng ngày 29/5: yêu cầu không được thu phí BOT trên tuyến đường quốc lộ 18 đoạn Uông Bí - Hạ Long (Quảng Ninh) với lý do “có nhiều hỏng hóc, phải khắc phục xong rồi mới được thu”.

Công trình này do Công ty Cổ phần BOT Đại Dương thực hiện theo hình thức BOT. Công trình khởi công vào năm 2011, đến ngày 18/5 chính thức thông xe kỹ thuật. Ngày 24/5, nhà đầu tư có báo cáo hoàn thành công trình và đề nghị cho phép thu phí. Tuy nhiên, qua kiểm tra Bộ GTVT phát hiện một số hư hỏng nên không đồng ý cho nghiệm thu.

Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị trực thuộc hỗ trợ nhà đầu tư giải pháp kỹ thuật sửa chữa triệt để và chỉ cho phép đưa vào khai thác, thu phí sau khi công trình đã được sửa chữa đạt chất lượng. Toàn bộ kinh phí sửa chữa nhà đầu tư phải chịu.

» Clip: Đoạn đường sụt lún kinh hoàng trước mũi ôtô
» Đường nghìn tỷ lún, nứt: Có phải 'tất cả đều đúng'?
» Đường xấu dừng thu phí: Chờ Bộ trưởng Thăng hành động

Theo Đất Việt
Bình luận
vtcnews.vn