Có một chiếc điện thoại ra mắt trên thế giới và vào Việt Nam năm 1994 và lúc đó nếu bạn đã ý thức về sự “sành điệu”, bạn sẽ phát điên với nó đó là chiếc Nokia 7610. Thêm điều nữa, lúc đó thì 7610 không phải là chiếc “điện thoại phổ thông” như iPhone bây giờ.
“Tôi vẫn còn nhớ cảm giác khi nhìn thấy chiếc 7610, chiếc Symbian lừng danh của Nokia với thiết kế như hình chiếc lá chiếm trọn tình cảm của những người đam mê công nghệ từ những cái nhìn đầu tiên”, một người dùng cho biết. Đó thực sự là Smartphone so với thời bấy giờ, điện thoại chụp ảnh 1.3 và có khả năng nghe nhạc. Lúc đó, chưa có hãng nào trở thành đối trọng thực sự với hãng điện thoại Phần Lan và giá của 7610 khoảng 10 triệu đồng - Bát phở năm 1994 là 3.000 đồng/bát, bây giờ bát phở giá... 30.000 đồng/bát. Nhiều người gọi 7610 là "chiếc lá biểu tượng của Nokia".
Tiếp theo 7610, Nokia phát triển dòng điện thoại thông minh N Series như N95, N97, N8, nhưng chưa có điện thoại nào thực sự "đỉnh". Sau khi iPhone rồi Android ra đời, Nokia càng trở nên "lúng túng" hơn, cho đến khi dòng sản phẩm Lumia ra mắt.
Nokia đã từng có những chiếc Smartphone dẫn đầu trong thị trường công nghệ, sáng tạo ra những chiếc điện thoại có thiết kế đỉnh cao, và nếu Nokia một lần nữa tạo ra "biểu tượng chiếc lá" của mình trên thị trường công nghệ, thì rất có thể đó sản phẩm đó nằm trong dòng Lumia.
Chúng ta hãy xem xét những điều này:
Kì vọng vào Windows Phone
Trong tháng 4, Nokia đưa Lumia vào Việt Nam với hai sản phẩm Lumia 800 và Lumia 710, đồng thời “show” thêm chiếc Lumia 900 bản mẫu – chiếc điện thoại hiện đã được giới thiệu ở thị trường Mỹ như một làn gió mới thổi đến thị trường Smartphone vốn nhan nhản iPhone và Android.
Phân tích của hãng Strategy Analytics cho thấy, Nokia đang là nhà sản xuất Windows Phone đứng đầu trên thế giới với 33% thị phần, vượt qua cả HTC và Samsung trong dòng sản phẩm Windows Phone.
Lumia 800 là một chiếc điện thoại rất đẹp về thiết kế |
Trong phân khúc Smartphone, hiện Nokia chỉ tập trung vào việc phát triển Windows Phone và Symbian Belle tích hợp trên điện thoại "siêu chấm" 808 PureView.
Nhiều người nói rằng, nếu Nokia bớt cứng đầu và “vịn” vào Android, thì Lumia đã trở nên thuyết phục người dùng hơn, nhưng cho đến nay thì không có điều gì cho thấy Nokia sẽ chọn cho mình một con đường như Samsung và HTC, mặc dù Google cung cấp miễn phí Android.
Gia đình Lumia của Nokia từ trung cấp đến cao cấp với các kích cỡ màn hình từ 3.7 - 4.3 inch phù hợp với nhiều đối tượng người dùng khác nhau |
Vậy Nokia sẽ làm như thế nào để sản phẩm của mình có thể cạnh tranh với Android, iOS – hệ điều hành được phát triển bởi hãng công nghệ danh tiếng hàng đầu thế giới là Google và Apple?
Có 3 điều chắc chắn Nokia sẽ phải làm, đó là nâng cấp về thiết kế, phần cứng và hạ giá thành sản phẩm, trong khi hệ điều hành sẽ phải phụ thuộc vào cố gắng của Microsoft.
Thế mạnh về thiết kế
Nokia không phải là “tay mơ” trong lĩnh vực thiết kế, có thể bạn thích những sáng tạo của Jonathan Ive trên chiếc iPhone hay của Lee Minhyouk trên Samsung Galaxy, nhưng nhà thiết kế Marko Ahtisaari của Nokia và những cộng sự của ông đã sáng tạo ra những sản phẩm rất thẩm mỹ.
Dòng sản phẩm “đinh” Lumia sử dụng chất liệu nhựa tổng hợp Polycarbonate, với bộ khung nguyên khối được bo tròn góc, gây nhiều thiện cảm và tạo cảm giác về sự bền bỉ cho thấy Nokia không ngại bất cứ đối thủ nào về mặt thiết kế.
Ông Stefan Pannenbecker (giữa) Phó chủ tịch Phụ trách thiết kế công nghiệp tài năng của Nokia |
Stefan Pannenbecker - Phó chủ tịch Phụ trách thiết kế công nghiệp của Nokia cho biết, đứng trên tư cách một nhà thiết kế của Nokia, ông quan tâm đến yếu tố con người và cách làm thế nào để sản phẩm có thể giúp cuộc sống của con người tốt hơn, thú vị hơn, trọn vẹn hơn. Các giá trị văn hoá cũng là một khía cạnh quan trọng mà Stefan muốn lồng ghép vào trong các sản phẩm, dịch vụ và trải nghiệm. Ông tin rằng việc kết hợp và nâng cao các yếu tố văn hoá chính là chìa khoá tạo ra những sản phẩm có ý nghĩa và đem đến thành công trong thương hiệu.
Một thông tin mới gần đây cho thấy Samsung sẽ dùng vỏ gốm cho dòng điện thoại Galaxy, trong khi Apple thể hiện rằng mình sẵn sàng dùng vật liệu hợp kim siêu bềnLiquidmetal trên những chiếc iPhone thế hệ tiếp theo, đây là một thách thức với Nokia, nhưng không có nghĩa là Nokia sẽ không theo kịp được các đối thủ của mình.
Cần nâng cấp về phần cứng, nhất là Camera.
Trên thực tế, hiện điện thoại cao cấp chip đơn lõi của Nokia có giá bán tương đương với chip lõi kép của nhiều đối thủ trên thị trường.
Lumia 800 có giá bán 10.6 triệu đồng tích hợp chip lõi đơn 1.4 Ghz, trong khi những chiếc điện thoại khác có cùng giá bán như Sony Arc S, Motorola RAZR, Samsung Galaxy Nexus và HTC Sensation đều tích hợp chip lõi kép, điều này làm cho Windows Phone của Nokia có vẻ như kép hấp dẫn hơn rất nhiều về mặt giá bán.
Nokia có nhiều tham vọng với việc phát triển những camera tốt hơn dành cho Smartphone của mình |
Windows Phone và Android là hai hệ sinh thái khác biệt nên thật khó so sánh, nhưng xét về hiệu năng sử dụng như lướt web, chạy ứng dụng thì hầu như không có sự khác biệt về tốc độ giữa các loại điện thoại này. Tuy nhiên, nếu Windows Phone của Nokia không có sự nâng cấp về phần cứng thì rất khó thể sẽ bị tụt hậu.
Apple và Google vẫn liên tục cập nhật bổ sung tính năng cho hệ điều hành của mình - có nghĩa là iOS và Android có thể sẽ hỗ trợ tối đa để bộ vi xử lý hoạt động hết khả năng và lúc đó những chiếc máy có chip lõi kép, lõi tứ sẽ vượt qua một cách thuyết phục chip lõi đơn về khả năng xử lý.
Mặc dù vậy, điều mà Nokia cần nâng cấp nhất lúc này có lẽ là camera, khi mà thuật ngữ "nhà báo công dân" được ra đời thì mạng xã hội cũng phát triển cực kì mạnh mẽ với Facebook, Instagram, Path, Twitter... hơn bao giờ hết, nhu cầu sử dụng camera để quay phim và chụp ảnh chia sẻ ngay lập tức trên mạng xã hội đã thực sự bùng nổ.
Ảnh chụp từ Lumia 800 khá đẹp nhưng camera trên những chiếc Lumia của Nokia vẫn chưa thuyết phục hơn camera của iPhone 4S hoặc HTC One X. Nếu ai để ý, sẽ thấy rằng ống kính trên Nokia mang thương hiệu CarlZeiss của Đức - đây là thương hiệu hàng đầu thế giới về chất lượng ống kính và hi vọng rằng Nokia sẽ tận dụng được thế mạnh của đối tác này trong tương lai.
Hiện Nokia có lẽ cũng đã nhận ra tầm quan trọng của camera trong việc tác động vào quyết định lựa chọn điện thoại của người dùng, hãng cũng đã cho ra mắt chiếc PureView 808 camera 41.0 thể hiện quyết tâm của mình trong việc "đem máy ảnh nhúng vào trong điện thoại".
Đầu tháng 4/2012, điều này càng rõ ràng hơn khi Nokia đã để lộ tài liệu về Lumia PureView - Chiếc Windows Phone Apollo màn hình HD 4,3 inch, bộ xử lý lõi kép Krait 1,5GHz, đồ họa Adreno 320 tích hợp camera 41.0 và quay video full HD, cho thấy Nokia đã sẵn sàng cạnh tranh với các dòng điện thoại khác ở phân khúc "camera phone".
Giá thành điện thoại Nokia sẽ giảm
Tháng 2/2012, Nokia công bố cắt giảm 4000 nhân công tại 3 nhà máy tại Hungary, Phần Lan và Mexico, chuyển quy trình sản xuất của mình sang một số nước châu Á có giá nhân công rẻ hơn như Trung Quốc và Việt Nam.
Tháng 4/2012, Nokia khởi động nhà máy Nokia tại Việt Nam có tổng vốn đầu tư trị giá 200 triệu Euro, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia trung tâm trong chuỗi cung ứng sản phẩm Nokia ra khắp toàn cầu.
Bà Mary McDowell chia sẻ về chiến lược "kết nối tỷ người kế tiếp" của Nokia |
Việc chuyển dịch để tái cơ cấu này thể hiện quyết tâm giảm giá thành sản phẩm để cạnh tranh với các đối thủ khác hiện nay như Apple, Samsung và Sony.
Sự thay đổi này, nằm trong chiến lược "kết nối tỷ người kế tiếp" của Nokia trong tương lai, bà Mary McDowell - Phó chủ tịch cấp cao Phụ trách mảng Mobile của Nokia cho biết, theo số liệu của Nokia thì hiện trên thế giới có hơn 3 tỷ người chưa có điện thoại, khoảng 1 tỷ người mong muốn đổi một chiếc điện thoại tốt hơn và Nokia sẽ đáp ứng nhu cầu đó của họ.
Riêng tại Việt Nam, Nokia cũng đưa ra những cam kết sẽ dành nhiều hoạt động hỗ trợ cộng đồng trong tương lai, tạo sự hiện diện thân thiện của Nokia tại Việt Nam.
Sự hỗ trợ của Microsoft
Nokia không đơn độc trong cuộc chiến Smartphone, nếu như Android có Google và iOS có Apple chống lưng, thì đằng sau Nokia là người khổng lồ Microsoft.
Một trong những yếu điểm của Windows Phone là thị trường ứng dụng quá nghèo nàn, nhưng Microsoft đang làm nhiều điều để các nhà phát triển cảm thấy hệ sinh thái Windows Phone hấp dẫn họ. Thành công của công ty FourBros Studio là một ví dụ, năm 2011 công ty giới thiệu game Taptitude trên Windows Phone, hiện công ty thu 1000 USD/ngày nhờ quảng cáo.
Hiện, Marketplace của Windows Phone có khoảng 80.000 ứng dụng so với số hơn 550.000 của App Store và 450.000 của Android. Thế nhưng, người dùng chỉ thường xuyên sử dụng khoảng 10 ứng dụng trong số đó mà thôi. Và Microsoft được cho là đã trả cho các lập trình viên từ 60.000 – 600.000 USD để các lập trình viên phát triển ứng dụng thành công trên iOS và Android viết ứng dụng trên nền tảng Windows Phone.
Hiện Facebook, Twitter và những ứng dụng hay như SoundHound, Angry Brids đều đã có mặt trên Windows Phone, trong tương lai sẽ là Instagram, Path và Scan Card… cũng sẽ có mặt trên hệ sinh thái này.
Windows Phone cũng có nhiều thế mạnh của mình, như giao diện ứng dụng đẹp, cảm ứng rất mượt không hề thua kém iOS trên iPhone và khả năng hoạt động ổn định được nhiều người dùng đánh giá là ít bị crash (đơ máy) như Android.
Như vậy, Lumia hoàn toàn có thể trở thành một biểu tượng kiêu hãnh mới của Nokia, hơn thế nữa là một đại diện xuất sắc của Windows Phone, và điều này như một chỉ dấu rõ ràng hơn đe doạ về vị thế số 1 của iPhone trong tương lai, cũng như việc Windows Phone sẽ cạnh tranh không khoan nhượng với Android Phone trên thị trường di động. (còn tiếp)
Bài & ảnh: Cường Cao
Bình luận