Cho đến chiều 10/1, khu vực nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Đoàn Văn Vươn đã bị phong tỏa bởi Công an xã Vinh Quang. Phóng viên của nhiều tờ báo đã không thể tiếp cận được khu vực này bởi các công an viên và sự cản trở của một số người không có nhiệm vụ.
Giang hồ cản trở, cán bộ xã đe?
Chúng tôi cùng một số đồng nghiệp của các cơ quan báo chí khác đã không thể tiếp cận được khu vực đầm của gia đình ông Vươn trước sự cản trở của Công an xã Vinh Quang và những người lạ có thái độ dữ tợn.
Suốt từ sáng đến chiều cùng ngày, chỉ duy nhất phóng viên Truyền hình An ninh được phép tiếp cận khu vực “cấm”. Mỗi bước đi của phóng viên đến khu vực nền nhà ông Vươn cũ luôn có những người tay lăm lăm gậy theo sát.
Khu đầm nuôi trồng thủy sản của nhà ông Đoàn Văn Vươn, nơi diễn ra vụ nổ súng khiến 6 công an, bộ đội bị thương (Ảnh Minh Khang chụp ngày 6/1)
Ông Vũ Văn Hiền (xã Vinh Quang), người có 2 ha đầm nằm kế đầm ông Vươn, nói: “Toàn bộ hàng trăm hecta đầm ngày nay ở Cống Rộc, xã Vinh Quang trước đây là bãi bồi. Công sức của ông Vươn và gia đình đã đổ vào đây là không kể xiết và người dân Vinh Quang biết ơn ông”. Ông Phạm Văn Danh, 82 tuổi, nguyên bí thư Đảng ủy xã Vinh Quang 16 năm, chia sẻ: “Công sức của gia đình anh Vươn lớn lắm!”. Vừa trả lời phóng viên nhưng ông Danh vẫn e dè bởi có người vừa “đe” ông vì những ngày qua ông đã trả lời báo chí về công sức của ông Vươn trong việc lấp biển khai hoang.
Được sự đồng ý của lãnh đạo (?!)
Chiều 10/1, thay mặt lãnh đạo huyện Tiên Lãng, ông Ngô Ngọc Khánh, Chánh Văn phòng UBND huyện Tiên Lãng, cho biết huyện Tiên Lãng đã báo cáo vụ việc cưỡng chế đầm nhà ông Vươn và được sự đồng ý của lãnh đạo TP Hải Phòng. “Chúng tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm trước pháp luật và cơ quan chức năng đối với việc cưỡng chế khu vực đầm nuôi trồng thủy sản ông Vươn” – ông Khánh nói.
Về chuyện Công an xã Vinh Quang cùng một số đối tượng cản trở không cho phóng viên và người lạ tiếp cận khu đầm nhà ông Vươn, ông Khánh nói: “Việc này chúng tôi không có chủ trương gì cả nhưng có một điều đây là biện pháp quản lý và báo chí muốn tác nghiệp thì phải liên hệ chính quyền địa phương. Nếu cứ đến mà tác nghiệp thì họ ngăn cấm là đúng”.Người dân thôn xóm Chùa Trên vẫn chưa hết bàng hoàng sau vụ đọ súng (Ảnh: Minh Khang)
Phóng viên hỏi tiếp việc nhiều người dân địa phương cho rằng, ông Vươn cùng gia đình đã bỏ nhiều công sức để tạo nên vùng đầm nuôi an toàn tại sao chính quyền không tiếp tục giao đất cho ông Vươn tiếp tục sản xuất để thu hồi vốn, công sức bỏ ra, ông Khánh cho biết: “Có phải là tất cả người dân nói vậy hay chỉ là một số người. Người ta nói thế là không đúng.
Quan điểm của huyện là khi thu hồi đất đầm này sẽ giao cho dân để tiếp tục sản xuất. Không phải ngăn cấm, loại trừ ai cả. Công sức đâu phải mình ông Vươn, nói thế không đúng, mà đây là công sức của toàn dân. Chúng tôi là những người làm công ăn lương Nhà nước có gì đâu mà hằn thù với ông Vươn. Khi thuyết phục ông Vươn cứ trả lại đầm rồi làm đơn xin giao tiếp thì cơ quan có thẩm quyền mới quyết định việc có giao nữa hay không”.
Phủ nhận công lao của ông Vươn
Theo Luật Đất đai, việc giao đất nuôi trồng thủy sản có thời hạn 20 năm, việc ông Vươn chỉ được giới hạn 14 năm phải chăng là sai quy định, ông Khánh giải thích: “Trường hợp ông Vươn là có thời hạn 14 năm nên cứ làm đúng theo quy định từ năm 1993 đến năm 2007 là hết hiệu lực. Những trường hợp sau này thì mới giao 20 năm”.
Về ý kiến một số người dân cho rằng việc thu hồi đầm của gia đình ông Vươn và một số gia đình khác là có chủ ý giao cho người khác liên quan đến lãnh đạo xã, ông Khánh không trả lời thẳng vào câu hỏi mà nói: “Việc này anh em phải thông cảm. Việc giao đầm cho ai là việc sau này, nay cứ giao cho xã Vinh Quang quản lý”.
Phóng viên đặt vấn đề về việc nhiều người dân xã Vinh Quang khẳng định ông Vươn là người có công mở đường, đi đầu khai hoang lấn biển và đổ vô vàn công sức, thậm chí là mất cả con, cháu để có được diện tích nuôi trồng thủy sản như ngày nay, ông Khánh khẳng định: “Nói đúng ra, ông Vươn chẳng có công lao gì, cũng chẳng phải là người đi đầu vì ông Vươn sử dụng hàng chục hecta và thu lời nhưng không có đóng góp gì cho địa phương. Đặc biệt là từ năm 2007 đến nay, ông hoàn toàn ăn không. Anh đắp đê để thu lợi cho gia đình chứ có ích gì cho xã hội. Còn tài sản tại đầm của ông Vươn chẳng có gì nhiều nên khi cưỡng chế phải giải tỏa”.
Theo Thế Dũng/Người lao động
Bình luận