• Zalo

Lùm xùm thi cao học ở ĐH Luật Hà Nội

Giáo dụcThứ Ba, 16/12/2014 10:59:00 +07:00 Google News

Lần đầu tiên, Trường ĐH Luật Hà Nội phải gửi bài thi trong kỳ thi tuyển sinh cao học đi giám định chữ viết.

Lần đầu tiên, Trường ĐH Luật Hà Nội phải gửi bài thi trong kỳ thi tuyển sinh cao học đi giám định chữ viết.

Trong hai tháng 10 và 11, một thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh cao học luật khoá 22 của Trường ĐH Luật Hà Nội đã 3 lần gửi đơn khiếu nại tới bộ trưởng và các thứ trưởng Bộ Tư pháp, bộ trưởng và thanh tra Bộ GD-ĐT và một số cơ quan truyền thông về việc mình không có tên trong danh sách trúng tuyển.
Lần đầu tiên, Trường ĐH Luật Hà Nội phải gửi bài thi trong kỳ thi tuyển sinh cao học đi giám định chữ viết
Lần đầu tiên, Trường ĐH Luật Hà Nội phải gửi bài thi trong kỳ thi tuyển sinh cao học đi giám định chữ viết 
Đó là thí sinh Trần Thị Phương, có địa chỉ tại quận Hoàng Mai, Hà Nội. Theo đơn khiếu nại, thí sinh này đã tham gia kỳ thi tuyển sinh cao học luật khoá 22 diễn ra vào các ngày 29, 30, 31/8/2014.

Ngày 8/10/2014, kết quả thi đã được công bố trên trang web của trường, Phương được tổng điểm 12.

“Danh sách trúng tuyển ngành Luật Dân sự và Tố tụng dân sự có 62 thí sinh, trong đó có 22 thí sinh bằng hoặc kém điểm tôi nhưng không có tên tôi trong danh sách trúng tuyển” – thí sinh này viết trong đơn và cũng cho biết đã gọi điện đến khoa Sau ĐH thì được biết Khoa Luật Dân sự và Tố tụng dân sự lấy điểm trúng tuyển từ 11.50 trở lên.

“Nhà trường công bố điểm của tôi trên các phương tiện thông tin đại chúng có nghĩa là đã thừa nhận kết quả của tôi trong kỳ thi do nhà trường tổ chức. Vậy lý do gì khiến nhà trường gạt tên tôi khỏ danh sách trúng tuyển?” – thí sinh Trần Thị Phương đặt câu hỏi.

Tuy nhiên, trong các đơn khiếu nại của mình, thí sinh Trần Thị Phương đã “lờ” đi một chi tiết quan trọng: Đó là buổi làm việc giữa thí sinh này với nhà trường vào sáng ngày 20/10.

Có nhập nhèm về chữ viết trong bài thi?

Chiều ngày 15/12, ông Nguyễn Văn Tuyến, trưởng khoa Sau ĐH (Trường ĐH Luật Hà Nội) cho biết: Quy trình của trường là sau khi có kết quả thi sẽ công bố điểm cho thí sinh. Sau đó trường mới xác định điểm trúng tuyển. Khi xác định được điểm trúng tuyển, bộ phận chuyên môn rút các bài thi của những thí sinh trúng tuyển để kiểm tra.

Đối với trường hợp thí sinh Trần Thị Phương, ngay khi so sánh chữ viết trong bài thi môn chuyên ngành với chữ viết trong phần thi tự luận của môn ngoại ngữ, cán bộ nhà trường đã thấy có sự khác biệt.

Vì vậy, khoa Sau ĐH và Thanh tra đào tạo của trường đã mời thí sinh Trần Thị Phương đến trường làm việc. Tại buổi làm việc này, thí sinh Phương được yêu cầu viết một đoạn văn bằng tiếng Việt và một đoạn văn bằng tiếng Anh để so sánh với mẫu chữ viết trong các bài thi.

Tuy nhiên, thí sinh Phương chỉ viết một đoạn tiếng Việt, sau đó đã từ chối không tiếp tục viết tiếng Anh dù khẳng định: “có thể viết được nhiều kiểu chữ tuỳ thuộc tâm trạng”. Lý do từ chối được thí sinh này đưa ra là “do vừa đi công tác về và đang có một cuộc họp quan trọng nên tâm trạng không tốt, chỉ viết được một kiểu chữ” – theo biên bản làm việc ngày 20/10.

Mặc dù thanh tra tuyển sinh, lãnh đạo khoa Sau ĐH tiếp tục đề nghị thí sinh chứng minh không có gì khuất tất bằng việc viết ngay tại hội đồng tuyển sinh nhưng thí sinh vẫn từ chối và đề xuất phương thức kiểm tra khác như “Khi em đi học trường kiểm tra kỹ môn tiếng Anh của em”. Không được chấp thuận, thí sinh này đã ra về. Và sau khi trường công bố danh sách trúng tuyển thí sinh bắt đầu gửi đơn khiếu nại.

Thí sinh sẽ bị tước quyền vào học ở trường

Theo ông Nguyễn Văn Tuyến, trường đã phải gửi công văn tới Viện Khoa học hình sự, Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, đề nghị giám định chữ viết, với tài liệu cần giám định là bài thi môn Tiếng Anh (ký hiệu A) của thí sinh Trần Thị Phương, với tài liệu mẫu so sánh là bài thi môn Luật Dân sự (ký hiệu M1) và bản chữ viết tay (ký hiệu M2) của Trần Thị Phương.

“Trường vừa nhận được công văn của Viện Khoa học hình sự, công văn số 3424/C54(P5) ký ngày 11/12/2014, trả lời về kết quả giám định” – ông Tuyến cho biết.

Kết quả giám định của Viện Khoa học hình sự là: “Chữ viết tại phần “Bài làm" trên tài liệu cần giám định ký hiệu A so với chữ viết trên các tài liệu mẫu so sánh ký hiệu M1, M2 không phải do cùng một người viết ra”.

Với kết luận này, ông Nguyễn Văn Tuyến cho biết, trường sẽ có công văn thông báo cho Trần Thị Phương và các cơ quan liên quan, cũng như đơn vị thí sinh này công tác. Việc xử lý sẽ theo các quy định hiện hành.

Được biết, theo Quy chế Đào tạo trình độ thạc sĩ hiện hành, Điều 40 về Xử lý vi phạm trong tuyển sinh quy định rõ: Thí sinh dự thi trong kỳ thi tuyển sinh có hành vi vi phạm quy chế, tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật theo quy định tại Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy hiện hành.

Như vậy, với lỗi vi phạm của thí sinh Trần Thị Phương, theo bà Nguyễn Phương Lan, phó trưởng Phòng Thanh tra Đào tạo của trường, thí sinh này sẽ bị tước quyền vào học ở các trường ngay trong năm đó và tước quyền tham dự kỳ thi tuyển sinh vào các trường trong hai năm tiếp theo.

Theo Ngân Anh/Vietnamnet
Bình luận
vtcnews.vn