• Zalo

Lùm xùm ở Cục Quản lý lao động ngoài nước: Bộ trưởng LĐTB&XH lên tiếng

Thời sựThứ Ba, 16/05/2017 15:37:00 +07:00Google News

Về các cá nhân của Cục Quản lý lao động nước ngoài (QLLĐNN) liên quan trong đơn kiến nghị của Công ty VIHATICO, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Đào Ngọc Dung đã chính thức lên tiếng.

Xử lý nghiêm, không bao che, dung túng

Sáng 16/5, sau gần 2 tuần Công ty Cổ phần Việt Hà – Hà Tĩnh (VIHATICO) đệ đơn lên Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Thanh tra Chính phủ và Bộ trưởng Bộ LĐTBXH với nội dung kiến nghị đối với các vi phạm và các quyết định sai trái của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Cục QLLĐNN) thuộc Bộ LĐTBXH do ông Tống Hải Nam – Phó Cục trưởng và một số cán bộ khác ký ban hành – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã trao đổi với Báo Điện tử Tổ Quốc xung quanh vấn đề này.

Bộ trưởng LĐ -TB - XH lên tiếng xung quanh vụ việc ở Cục Quản lý lao động ngoài nước - ảnh 1

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trong một lần trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, ông đã “nắm rõ” sự việc này. Do đây là đơn khiếu nại nên theo quy trình phải giải quyết tại Cục QLLĐNN trước, sau đó mới đưa lên Bộ giải quyết tiếp. Để khách quan, hiện Bộ đã có chủ trương giao cho một Thứ trưởng không phụ trách Cục QLLĐNN trực tiếp chỉ đạo Cục giải quyết khiếu nại lần đầu.

Sau khi Cục QLLĐNN giải quyết xong, nếu mọi việc đi đến rõ ràng thì “câu chuyện” dừng ở đó. Trường hợp chưa “thỏa mãn” thì sự việc sẽ tiếp tục được giải quyết lên cấp trên.

“Tôi đang giao cho Cục QLLĐNN phải khẩn trương giải quyết theo tinh thần của pháp luật. Hiện Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp đang phụ trách mảng xuất khẩu lao động, nhưng tôi phải giao cho Thứ trưởng khác trực tiếp giải quyết việc này để khách quan hơn, nhất là trong thời điểm nhạy cảm này. Còn đối với các cá nhân của Cục QLLĐNN liên quan trong đơn kiến nghị của Công ty VIHATIO  – nếu ai sai phạm đều phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật và quy chế lao động của cơ quan. Quan điểm của tôi là phải làm đúng quy trình, tôn trọng khách quan, không bao che, không dung túng bất cứ ai”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Từ câu chuyện này, người đứng đầu Bộ LĐTBXH chia sẻ, quan điểm của ông là sẽ tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là các doanh nghiệp có đủ điều kiện, có đủ tiêu chuẩn.

Video: Giành giật cơ hội xuất khẩu lao động như đi ăn cướp

“Phương châm của chúng tôi là tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp để xuất khẩu lao động với mục tiêu là tạo việc làm, tăng thu nhập, tiếp cận khoa học công nghệ, kỷ cương lao động mới…nhưng đồng thời cũng đưa doanh nghiệp vào quy củ, làm ăn đàng hoàng. Đặc biệt, sẽ điều chỉnh và xử lý nghiêm những doanh nghiệp đang hoạt động chưa đúng kỷ cương, nguyên tắc .

Hơn hết, phải quan tâm đến người lao động. Không được để doanh nghiệp hoạt động dưới dạng cò mồi, môi giới, bóc lột người lao động, không có trách nhiệm với người lao động khi đưa họ ra nước ngoài”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết thêm, Hội nghị về xuất khẩu lao động diễn ra vừa qua cũng đã kết luận, về phía cơ quan quản lý nhà nước sẽ tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp một cách thông thoáng nhất, nhưng phải trên cơ sở của pháp luật. Bộ sẽ giảm tối đa không để tình trạng “giấy phép con” làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người lao động.

Những thủ tục hành chính, văn bản rườm rà của Cục và các đơn vị sẽ được bãi bỏ. Với các quy định do phía đối tác (Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia…) đề ra, nếu Bộ có khả năng đàm phán được sẽ cố gắng đàm phán để giảm tối đa các thủ tục. Bộ cũng chỉ đạo sẽ xem xét lại tất cả những văn bản của Cục. Văn bản nào bắt buộc phải bỏ sẽ bỏ. Những văn bản không thể bỏ được Cục sẽ tổng hợp và báo cáo lên Bộ trong tháng 5/2017.

“Một số văn bản có tính chất dưới luật (chưa phải văn bản pháp quy) nhưng có tính chất chỉ đạo toàn quốc mà trước đây đã ban hành, thì tôi đã chỉ đạo cho Cục QLLĐNN và Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp tích hợp toàn bộ lại thành một văn bản dưới dạng thông tư với mục đích giảm tải, rõ ràng hơn và có tính chất pháp quy, đảm bảo theo quy định pháp luật.

Trong quý II/2017, các văn bản này đều phải được tích hợp lại thành một thông tư. Đồng thời, tôi cũng đã chỉ đạo nghiên cứu từng bước để sửa Luật lao động đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài theo tinh thần, chỉ đạo của Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay.

Doanh nghiệp “đệ đơn” kêu bị hành

Bộ trưởng LĐ -TB - XH lên tiếng xung quanh vụ việc ở Cục Quản lý lao động ngoài nước - ảnh 2

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet) 

Theo thông tin Báo Điện tử Tổ Quốc nhận được từ Công ty Cổ phần Việt Hà – Hà Tĩnh (VIHATICO), ngày 16/3/2017, thanh tra Bộ LĐTBXH đã công bố quyết định thanh tra Công ty CP Việt Hà thì trước đó, ngày 15/3/2017, ông Tống Hải Nam đã ban hành công văn số 291/QLLĐNN-TTr về việc tạm dừng tiếp nhận hồ sơ đăng ký hợp đồng của Công ty CP Việt Hà. Văn bản này của Cục QLLĐNN đồng nghĩa với việc yêu cầu Công ty tạm dừng các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian tiến hành thanh tra.

VIHATICO cho rằng, công văn số 291/QLLĐNN-TTr do ông Tống Hải Nam ký là vi phạm pháp luật vì không có quy định nào của pháp luật yêu cầu doanh nghiệp dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh trước khi bị thanh tra.  

Mặt khác, ngày 17/3/2017, ông Thái Phúc Thanh – Trưởng ban QLLĐNN tại Malaysia cũng đã gửi văn bản tới đối tác của Công ty CP Việt Hà đề nghị đối tác không được hợp tác với Công ty CP Việt Hà. Văn bản này của ông Thái Phúc Thanh là vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật, vi phạm nghị quyết số 35 của Chính phủ.

Ngoài ra, một số văn bản khác do Cục QLLĐNN ban hành hoặc tham mưu cho Bộ LĐTBXH cũng có nhiều vi phạm nghiêm trọng.

Không chỉ VIHATICO, một số doanh nghiệp khác, trong đó có Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Bạch Đằng (BIMEXCO) cũng cho biết, doanh nghiệp này bị “hành” vì thủ tục hành chính rườm rà, nhiêu khê, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và người lao động.

Bà Vũ Thị Phượng – Giám đốc BIMEXCO (Chi nhánh Hải Dương) cho biết, gần đây nhất, công ty của bà đã bị lỡ hợp đồng với đối tác là Công ty Nihon Human Create của Nhật Bản.

“BIMEXCO bắt đầu nộp hồ sơ đăng ký từ ngày 1/2/2016 và sau 17 lần chỉnh sửa hồ sơ, đi lại nộp giấy tờ mãi đến ngày 21/9/2016 công ty vẫn không hề nhận được thông báo của Cục QLLĐNN về việc có hay không chấp nhận cho BIMEXCO  thực hiện hợp đồng với đối tác trên?”, bà Phượng chia sẻ.

Ông Tống Hải Nam – Phó Cục trưởng Cục QLLĐNN:

Cả tuần rồi tôi rất đau đầu vì báo chí gọi điện hỏi. Nếu có sai phạm thì phải là sai phạm của cả tập thể. Với chức danh là Cục phó Cục QLLĐNN -  tôi nghĩ là tôi không thể làm được gì nếu như Cục trưởng không đồng ý. Vậy mà không hiểu sao đơn kiến nghị lại chỉ quy chụp mỗi tên tôi? Hiện tại tôi không thể thanh minh mình đúng hay sai? Đúng – sai thì sẽ có tổ chức, cơ quan xác minh. Nếu sai tôi sẽ chịu hoàn toàn trước pháp luật, trước cơ quan, tổ chức về hành vi của mình. Mong báo chí hãy đưa tin một cách khách quan và trước khi đưa phải kiểm chứng để tránh ảnh hưởng đến danh dự, thanh danh của tôi.

Nguồn: Tổ quốc(Nguồn: Tổ Quốc)
Bình luận
vtcnews.vn