• Zalo

Lùm xùm ở BOT Cai Lậy: Để Bộ GTVT xử lý có khách quan?

Thời sựThứ Bảy, 02/12/2017 07:34:00 +07:00Google News

Nếu vẫn để Bộ GTVT giải quyết điểm nóng BOT Cai Lậy theo cách mà thời gian qua đã làm thì chỉ như “đổ thêm dầu vào lửa”.

Điểm nóng BOT Cai Lậy đang thu hút sự chú ý của dư luận, khi mà hơn 2 tháng qua Bộ GTVT là đơn  vị được giao xử lý vụ việc này nhưng đến nay vẫn chưa thể dứt điểm.

Các phương án mà Bộ GTVT và nhà đầu tư đưa ra tiếp tục vấp phải sự phản đối của những người đi qua trạm thu phí này. Sau 2 tháng tạm dừng thu phí, đến 30/11, trạm thu phí Cai Lậy mới thu phí trở lại, ngay lập tức bị “thất thủ” trước sự bức xúc của hàng trăm tài xế, người dân.

de bo gtvt xu ly lum xum bot cai lay co khach quan hinh 1

Trạm BOT Cai Lậy liên tục bị "thất thủ".

Tại phiên họp Chính phủ diễn ra ngày 1/12, Thủ tướng yêu cầu xử lý dứt điểm sự việc này. Tuy nhiên, trước đó, Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải đánh giá toàn diện các dự án BOT, trong đó có dự án BOT Cai Lậy. Tuy nhiên, dư luận không tin vào tính khách quan nếu để Bộ GTVT làm việc này, minh chứng cho điều này là những gì tái diễn ở Cai Lậy hai ngày vừa qua.

Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao chúng ta không giao cho Thanh tra Chính phủ hoặc Kiểm toán Nhà nước làm việc này giống như với dự án Pháp Vân – Cầu Giẽ?

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật cho biết: Bộ này rà soát tất cả các vấn đề liên quan đến trạm này và thủ tục đầu tư không có gì sai, trạm BOT cũng nằm trong phạm vi dự án chứ không phải nằm ngoài. Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho Bộ GTVT tiến hành rà soát tất cả các dự án BOT và Bộ phải có trách nhiệm thực hiện.

Hiện Bộ tiếp 107 đoàn làm việc của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra bộ ngành, đoàn giám sát của Quốc hội, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và có sự tham gia đầy đủ các thành phần trong đó có cả Kiểm toán Nhà nước. Tất cả được tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan, trong đó có đánh giá những mặt được và chưa được để có hướng khắc phục.

Về thiệt hại kinh tế, ông Nhật cho biết: Theo quy định hiện hành thì các trạm ách tắc quá 500 m sẽ phải xả trạm, cơ quan quản lý nhà nước không để thời gian ùn tắc kéo dài ở các trạm thu phí BOT nói chung, nên không có thiệt hại về kinh tế. Tuy nhiên, theo ông, vừa qua tại trạm BOT Cai Lậy có một số tài xế quá khích, đánh xe tới giữa trạm, tắt máy và bỏ xe lại...

Cũng theo thông tin từ đại diện ngành giao thông – cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký hợp đồng BOT với chủ đầu tư Cai Lậy và các dự án BOT giao thông khác: Bộ GTVT rà soát tất cả các vấn đề liên quan đến Cai Lậy, như Kết luận của Kiểm toán Nhà nước, của Thanh tra Bộ Xây dựng, Thanh tra Bộ GTVT... thủ tục đầu tư không có gì sai, trạm Cai Lậy nằm trong dự án tuyến tránh Cai Lậy chứ không phải nằm ngoài.

Khi đầu tư, HĐND, UBND, Đoàn Đại biểu Quốc hội đề xuất Bộ GTVT làm tuyến này. Bộ GTVT cũng làm việc với Tiền Giang và đặc biệt là nhân dân trong vùng, giảm giá phí... Trả lời về biện pháp giải quyết tình trạng bế tắc hiện nay, ông Nhật cho biết: Cần “tiếp tục có chính sách tuyên truyền cho nhân dân chứ không để tình trạng này kéo dài mãi được”.

Video: Toàn cảnh hỗn loạn tại BOT Cai Lậy ngày đầu thu phí trở lại

Trước đó, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ trưởng Giao thông Vận tải có báo cáo tổng hợp, trình Thường trực Chính phủ, đặc biệt là công trình BOT Cai Lậy (Tiền Giang) để đánh giá toàn diện. "Không để kéo dài tình trạng này", Thủ tướng nêu rõ.

Tuy nhiên, trong thông cáo báo chí phát đi chiều 1/12, Bộ GTVT một lần nữa khẳng định lập trường của mình là quyết không dời trạm mà chỉ giảm phí. Nếu trạm BOT Cai Lậy vẫn nằm nguyên ở đó chắc chắn sự bức xúc không phải chỉ có người dân địa phương, mà sẽ lan ra cả những tài xế liên tỉnh khác. Và như vậy, vấn đề xem ra sẽ không được "xử lý dứt điểm" như Thủ tướng chỉ đạo.

(Nguồn: VOV)
Bình luận
vtcnews.vn