Theo báo cáo của Tập đoàn Dầu khí, trong 6 tháng đầu năm 2017, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đạt doanh thu 247.100 tỉ đồng, vượt 15% so với kế hoạch, tăng 31.500 tỉ đồng so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế 13.100 tỉ đồng, vượt 15% so với kế hoạch và bằng 79% kế hoạch năm.
Nhờ kết quả kinh doanh khả quan, nên nhiều mã cổ phiếu dầu khí vẫn đi lên trong bối cảnh ngành dầu khí của gặp nhiều khó khăn.
Đáng chú ý nhất là cổ phiếu mã GAS của Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS). PV GAS luôn thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư bởi đây là doanh nghiệp luôn nằm trong top các doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán, cùng với vai trò chủ đạo trong ngành công nghiệp khí Việt Nam đầy tiềm năng, cung cấp khí để sản xuất gần 30% sản lượng điện, 70% đạm, 70% thị phần LPG cả nước.
Năm 2016, GAS trở thành cổ phiếu “bội thu” của các nhà đầu tư, với mức tăng trưởng gần 90% (từ hơn 30.000 đồng/CP lên gần 60.000 đồng/CP).
Tới năm 2017, không tăng sốc nhưng GAS vẫn đi lên đều đặn. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 31/8, GAS tăng 3.780 đồng/CP, tương ứng 6,4% so với cuối năm 2016. Nhờ vậy, vốn hóa thị trường GAS tăng 7.232 tỷ đồng lên 120.000 tỷ đồng. GAS tiếp tục nằm trong danh sách các cổ phiếu có vốn hóa thị trường lớn nhất Việt Nam.
Video: Giá xăng tăng
GAS được hưởng lợi từ giá dầu tăng. Nhờ giá dầu, GAS ghi nhận 32.573 tỉ đồng doanh thu thuần và 4.087 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 31% so với cùng kỳ. Cùng với GAS, các cổ phiếu thuộc nhóm khí đang thuận lợi khi giá dầu FO đang ở mức cao so với cùng kỳ.
Một cổ phiếu đáng chú ý khác là mã PVS của Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC). Mặc dù kết quả sản xuất kinh doanh sụt giảm cùng với sự lao dốc của giá dầu thời gian qua đã tác động dẫn đến thị trường bị thu hẹp và cạnh tranh gay gắt, nhưng PVS vẫn giữ vững các dịch vụ cốt lõi và là một trong những doanh nghiệp có lợi nhuận cao trong ngành.
Cổ phiếu DCM của Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) cũng là một trong những mã cổ phiếu có sự phục hồi ấn tượng kể từ đầu năm 2017.
Đóng cửa phiên giao dịch 31/8, DCM đạt 13.550 đồng/CP, tăng 3.770 đồng/CP, tương ứng 38,5% so với thời điểm cuối năm 2016. Đà tăng này của DCM giúp vốn hóa thị trường Đạm Cà Mau có thêm 1.996 tỷ đồng.
Ngoài ra, các mã cổ phiếu khác của dầu khí cũng ghi nhận mức tăng ấn tượng. Có thể kể đến như, cổ phiếu PVE của Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế Dầu khí cũng mang lại lợi nhuận đáng kể cho nhà đầu tư. Sau 8 tháng giao dịch, PVE tăng 2.100 đồng/CP, tương ứng 34,4% so với ngày 31/12/2016.
Cổ phiếu PVI của Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI), sau 8 tháng giao dịch, PVI tăng 9.300 đồng/CP, tương ứng 37,2% lên 34.300 đồng/CP. Nhờ PVI, vốn hóa thị trường PVI có thêm 2.178 tỷ đồng.
Có thể thấy, dù giá dầu sụt giảm và ở mức thấp suốt một thời gian dài, nhưng cổ phiếu ngành dầu khí vẫn giữ được mức tăng trưởng tốt.
Bình luận