‘Phải hợp ê-kíp mới làm việc được’
Giải thích với VTC News về những lùm xùm trong việc bổ nhiệm trưởng, phó khoa, phòng, trung tâm của bệnh viện, ông Lê Văn Sỹ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho rằng việc bổ nhiệm nhân sự đều căn cứ theo Quyết định 2235 của UBND tỉnh Thanh Hóa giao cho giám đốc bệnh viện thực hiện.
Khi được hỏi việc bổ nhiệm nhân sự như vậy có đúng quy định không, ông Lê Văn Sỹ không trả lời trực tiếp để khẳng định đúng hay không đúng mà cho rằng bổ nhiệm nhân sự như vậy là căn cứ theo đặc thù riêng của bệnh viện.
Ông Lê Văn Sỹ cho biết: “Việc bổ nhiệm nhân sự nói trên là căn cứ theo Quyết định 2235 của UBND tỉnh Thanh Hóa giao cho giám đốc bệnh viện thực hiện. Tôi là giám đốc bệnh viện, việc bổ nhiệm nhân sự đó là đúng thẩm quyền của tôi. Sở Y tế chỉ đóng vai trò là đơn vị cấp trên đưa ra ý kiến để bệnh viện tham khảo thôi, còn bổ nhiệm nhân sự thế nào thì do giám đốc bệnh viện quyết định.
Xét về quy định và tiêu chuẩn bổ nhiệm, chúng tôi tuân thủ đúng quy định của tỉnh đề ra. Trong đó chúng tôi đã áp dụng dựa trên đặc thù riêng trên cơ sở căn cứ đặc điểm, tình hình cụ thể của đơn vị mình. Hai đồng chí Lê Duy Nam và Nguyễn Văn Thắng nằm trong quy hoạch nguồn của bệnh viện đã được phê duyệt.
Chúng tôi xây dựng chủ trương, ưu tiên sử dụng cán bộ tại chỗ vì nhu cầu kinh nghiệm và thời gian quản lý nên đã áp dụng theo ý kiến của ban chấp hành, ban giám đốc và lấy phiếu tín nhiệm tại các khoa phòng của bệnh viện.
Phía Sở thì cũng có giới thiệu nhân sự với bệnh viện, song chúng tôi xét thấy không phù hợp. Hơn nữa, quan điểm của bệnh viện vẫn là ưu tiên lấy nguồn tại chỗ. Đôi khi cứ phân biệt bằng cấp, song họ lại có năng lực, lại làm được việc. Mà hai đồng chí nhân sự này cũng có bề dày kinh kiệm và cũng có trình độ thạc sĩ rồi. Phải nói với nhau là khi làm việc phải lấy hiệu quả làm đầu, phải hợp ê-kíp với nhau mới làm việc được”.
Về câu hỏi tại sao khi quy hoạch cán bộ nguồn cho chức Trưởng phòng Tài chính - Kế toán của bệnh viện lại chỉ có một người, trong khi quy định của tỉnh là 2 – 4 người, ông Sỹ giải thích: “Lúc đầu thì cũng quy hoạch 2 người, nhưng hôm đưa vào danh sách để trình lên trên và lấy phiếu tín nhiệm thì không hiểu sao lại thiếu một người, có lẽ do lúc lập danh sách bị sót.
Tuy nhiên, đồng chí kia cũng không đủ tiêu chuẩn, vì tiêu chuẩn nhân sự cho chức danh trưởng phòng Tài chính – Kế toán của bệnh viện phải là cán bộ đảng viên, mà đồng chí Thắng thì đáp ứng được tiêu chí ấy”.
Liên quan thông tin dư luận cho rằng các nhân sự mà Giám đốc bệnh viện bổ nhiệm đều làm ở một phòng khám tư nhân do Giám đốc quản lý, ông Lê Văn Sỹ cho biết ông làm ở phòng khám đó nhưng quản lý lại là một người khác. “Tôi làm ở phòng khám đó và các anh em cũng làm thêm ở đó, nhưng tôi không quản lý phòng khám đó. Chủ quản lý thực sự là một bác sĩ khác, nay đã về hưu”.
Ông Sỹ cũng cho rằng nếu nói việc ông và một số nhân sự ông vừa bổ nhiệm cùng làm thêm tại phòng khám tư nên dẫn đến những “ưu ái” trong bổ nhiệm là không có cơ sở. “Chúng tôi có quyền làm thêm việc khác, miễn là không phạm vào thời gian, nội quy của cơ quan và không làm ảnh hưởng đến việc chung của bệnh viện. Còn tôi là người đứng đầu của bệnh viện, nên tôi sẽ là người phải chịu trách nhiệm đối với sự phát triển chung của bệnh viện”, ông Sỹ nói.
Quyết định 2235 và quyết định bổ nhiệm nhân sự: Không đúng luật
Trao đổi với VTC News, tiến sĩ Đinh Thế Hưng, Trưởng phòng Pháp luật Hình sự, Viện Nhà nước và Pháp luật (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) cho biết, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội thông qua đã quy định rất rõ: Các văn bản quy phạm pháp luật khi ban hành phải tuân thủ đúng theo quy định của luật này.
“Trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định rất rõ ràng, ngôn ngữ sử dụng trong văn bản quy phạm pháp luật phải chính xác, phổ thông, cách diễn đạt phải rõ ràng, dễ hiểu, tuyệt đối không nói chung chung dẫn đến hiểu nhầm, hiểu khác. Nếu văn bản quy phạm pháp luật ban hành mà từ ngữ không rõ ràng, nói chung chung, dẫn đến hiểu nhầm, hiểu không đúng thì đã vi phạm luật này, văn bản đó không có giá trị, phải điều chỉnh lại”, TS Hưng nói.
Theo đó, tại Khoản 1 và 2, Điều 5 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội thông qua ngày 22/6/2015 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2016 quy định rõ: “Ngôn ngữ, kỹ thuật văn bản quy phạm pháp luật: 1. Ngôn ngữ trong văn bản quy phạm pháp luật là tiếng Việt. Ngôn ngữ sử dụng trong văn bản quy phạm pháp luật phải chính xác, phổ thông, cách diễn đạt phải rõ ràng, dễ hiểu.
2. Văn bản quy phạm pháp luật phải quy định trực tiếp nội dung cần điều chỉnh, không quy định chung chung, không quy định lại các nội dung đã được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật khác”.
Tuy nhiên, tại Khoản a, Điều 5 của Quyết định 2235 của UBND tỉnh Thanh Hóa (ban hành ngày 28/6/2017) lại ghi: “Chuyên môn: Tốt nghiệp Đại học trở lên, phù hợp với lĩnh vực chuyên môn, chuyên ngành được giao phụ trách. Công chức, viên chức bổ nhiệm lần đầu, nếu tuổi đời dưới 45 tuổi, nói chung phải có trình độ chuyên môn đại học chính quy (kể cả nhũng người đã tốt nghiệp sau đại học)...”.
Trong quy định này, UBND tỉnh Thanh Hóa dùng từ “nói chung” để chỉ các tiêu chuẩn đối tượng cán bộ bổ nhiểm, đây là từ không chính xác, không cụ thể, dễ gây hiểu nhầm, vi phạm Khoản 1 và 2, Điều 5 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Điều đó có nghĩa Quyết định 2235 không có giá trị và UBND tỉnh Thanh Hóa cần phải điều chỉnh, sửa đổi lại từ ngữ dùng trong quyết định này.
Ngoài ra, Khoản 1, Điều 51 của Luật cán bộ, công chức do Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 13/11/2008 đã quy định rõ: “Điều 51. Bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý: 1. Việc bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phải căn cứ vào: a) Nhu cầu, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị; b) Tiêu chuẩn, điều kiện của chức vụ lãnh đạo, quản lý”.
Căn cứ vào quy định của Luật cán bộ, công chức 2008 thì việc bổ nhiệm nhân sự của Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa là không đúng theo luật quy định. Cụ thể, đối với hai vị trí Trưởng Khoa Dược và Trưởng phòng Tài chính – Kế toán của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa yêu cầu tiêu chuẩn cán bộ bổ nhiệm phải có bằng đại học chính quy, tuy nhiên hai nhân sự được bổ nhiệm vào hai vị trí này là ông Lê Duy Nam (SN 1974, được bổ nhiệm làm Trưởng Khoa Dược), ông Nguyễn Văn Thắng (SN 1975, được bổ nhiệm là Trưởng phòng Tài chính – Kế toán Bệnh viện), cả hai đều không có bằng đại học chính quy mà chỉ tốt nghiệp đại học hệ tại chức.
Giám đốc Sở Nội vụ Thanh Hóa: Từ ngữ 'dễ gây hiểu nhầm'
Trao đổi với VTC News, ông Đầu Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Việc bổ nhiệm nhân sự ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa phía Sở Nội vụ cũng nắm được thông tin cơ bản về vụ việc. Trước hết khẳng định là phía Sở Nội vụ không liên quan gì đến việc bổ nhiệm này, mà việc bổ nhiệm này thuộc thẩm quyền của Giám đốc bệnh viện, căn cứ trên Quyết định 2235 của UBND tỉnh.
Tuy nhiên, sau đó thì có dư luận và báo chí phản ánh, UBND tỉnh Thanh Hóa đã đề nghị Sở Nội vụ xem xét lại quy định, quy trình bổ nhiệm và tham mưu cho tỉnh. Trên cơ sở xem xét lại toàn bộ vụ việc cũng như các văn bản liên quan, ngày 13/11/2017, Sở Nội vụ đã có văn bản 1664 gửi UBND tỉnh với tính chất tham mưu, trong đó Sở Nội vụ cho rằng việc bổ nhiệm nhân sự của Giám đốc bệnh viện là có thể chấp nhận được”.
Đặc biệt, ông Đầu Thanh Tùng cũng cho rằng, từ ngữ sử dụng cho điều khoản quy định tiêu chí bổ nhiệm cán bộ trong Quyết định 2235 cũng “dễ gây hiểu nhầm”. Tuy nhiên, khi được hỏi lý do tại sao văn bản được cho là “dễ gây hiểu nhầm”, Sở Nội vụ lại vẫn tham mưu cho rằng Bệnh viện Đa khoa bổ nhiệm là hợp lý, ông Tùng cho rằng đó là văn bản của UBND tỉnh ra, mà tỉnh đã “quyết” thì Sở cũng theo ý tỉnh thôi.
Video: Công an Đồng Nai nói gì về việc bổ nhiệm thượng tá Võ Đình Thường?
Bình luận