Năm 1990 đánh dấu lần gần nhất Anh lọt vào bán kết một kỳ World Cup. Thế hệ tài năng của những David Platt, Gary Lineker chỉ chịu thua Tây Đức - nhà vô địch năm ấy, trên chấm luân lưu định mệnh. Đó là giai đoạn hoàng kim cuối cùng của bóng đá Anh trước khi xứ sương mù chìm vào màn đêm u tối. 28 năm, người Anh phải chờ đợi rất lâu để tận hưởng cảm giác đứng trong hàng ngũ bốn đội bóng mạnh nhất thế giới một lần nữa.
Và rồi, giấc mơ "đưa bóng đá trở về nhà" của người Anh đã khép lại trong buổi tối đầy gió ở Luzhniki. Tất nhiên, lọt vào bán kết World Cup đã là giấc mơ với thế hệ của những Jordan Pickford, Harry Maguire, Jesse Lingard hay Dele Alli. Nhưng bại trận dưới tay đội bóng từ quốc gia còn chưa được... khai sinh ở lần gần nhất người Anh lọt vào bóng đá World Cup, đó là một thất bại không tưởng.
Video: Anh 1-2 Croatia
Bằng cách nào, một quốc gia với dân số vỏn vẹn bốn triệu người và chỉ có lần đầu tiên dự một giải đấu lớn từ World Cup 1998, lại có thể viết nên câu chuyện thần tiên ở World Cup 2018, ở thời đại khoảng cách yếu mạnh trong bóng đá ngày càng được nới rộng, ở sân chơi mà gần 100 năm qua, chỉ cón tám cường quốc từng bước lên đỉnh cao danh vọng?
Câu trả lời rất đơn giản. Croatia sở hữu một thế hệ vàng, được dẫn dắt bởi một "thủ quân vàng", đó là Luka Modric. Từ đống đổ nát ở Modrici đến trận chung kết World Cup ở Luzhniki, Modric đã đi một chặng đường rất dài để vượt qua nghịch cảnh và chuẩn bị cùng Croatia bước vào trận đấu sẽ thay đổi vĩnh viễn bộ mặt của quốc gia nhỏ bé này.
Nhắc lại thời điểm năm 1990 không chỉ để nhắc lại vinh quang gần nhất của người Anh, mà còn để gợi nhớ cho xứ sương mù thấy được: kẻ đánh bại họ đã bắt đầu cuộc chinh phạt thế giới bóng đá như thế nào.
Khi Lineker đưa Anh tiệm cận đỉnh cao World Cup trên đất Italia, cách đó gần 1000 km, những mảnh ghép cuối cùng của Liên bang Nam Tư cũ đang chìm trong khói lửa chiến tranh. Ở ngôi làng Modrici nhỏ bé trên sườn dốc của dãy Velebit, những đợt bom của quân Serbia trút xuống như sóng vỗ bờ. Mùi thuốc súng với mùi tanh của máu hòa lẫn trong không gian hoang phế và đổ nát, nom như khung cảnh xác xơ trên chiến trường ở hai cuộc chiến tranh thế giới.
Ánh sáng mặt trời nhạt nhòa sau lớp khói bụi mong manh hệt như cuộc sống của người dân Croatia - nạn nhân của cuộc ly khai lịch sử khiến quốc gia nhỏ bé này phải chiến đấu sinh tồn trong bối cảnh cả châu Âu đã bước qua chiến tranh hơn 40 năm. Trong tình cảnh hiểm nghèo ấy, được sống đã là hạnh phúc.
Từ ô cửa ổ bị cày nát bởi một trận bom, một cậu nhóc gầy gò đang ôm trái bóng và nhìn ra ngoài. Đám bạn chơi bóng của cậu, người đã theo gia đình tháo chạy khỏi Modrici để tìm đường sinh nhai, người đã bỏ mạng dưới làn đạn của những cuộc truy kích không ngừng nghỉ. Thời điểm ấy, nếu ai đó đến và nói với bố mẹ cậu, ông Stipe và bà Radojka - những người phải làm việc quần quật trong nhà máy luyện kim, rằng cậu sẽ trở thành cầu thủ vĩ đại trong tương lai và đưa cái tên Croatia trở thành một ngôi sao sáng trên bản đồ bóng đá thế giới, có lẽ hai ông bà sẽ đuổi kẻ đó ra khỏi nhà vì nói những điều nhảm nhí.
Phần còn lại của câu chuyện, như người ta thường nói, đã trở thành lịch sử. Sau chiến thắng của Croatia trước Anh, mạng xã hội lan truyền một đoạn băng ghi lại hình ảnh những người lính cứu hỏa Croatia. Họ đang chăm chú theo dõi trận đấu thì phải bỏ dở để lên đường làm nhiệm vụ. Những người lính cứu hỏa ấy hẳn sẽ nuối tiếc vì phải bỏ lỡ khoảnh khắc có thể sẽ không trở lại.
Croatia đã có mặt trong trận chung kết và trở thành quốc gia đầu tiên trong lịch sử có dân số dưới 10 triệu người lọt vào đến trận đấu cuối cùng kể từ World Cup 1930.
Người đưa họ đến với lịch sử chính là cậu nhóc gầy gò đang hoang mang nhìn ra cửa sổ trong buổi sáng định mệnh trên đất Nam Tư. Người Croatia không cần đợi đến World Cup để nhớ đến cái tên của cậu - Luka Modric. Nhưng giải đấu trên đất Nga sẽ đưa Modric vĩnh viễn đi vào ngôi đền lịch sử của nền bóng đá với tuổi đời non trẻ này. Còn hơn cả một ngôi sao lớn, tiền vệ của Real Madrid vừa là tấm gương ý chí vượt khó, vừa là biểu tượng cho khát vọng quên mình của một quốc gia lầm lũi bước qua biển lửa chiến tranh để khiến thế giới phải khâm phục, trầm trồ.
Davor Suker - chủ nhân Chiếc giầy vàng World Cup 1998 từng chia sẻ: “Modric là một cầu thủ xuất chúng, một thủ quân tuyệt vời. Thật tuyệt khi cậu ấy kiểm soát được thế trận, dẫn dắt lối chơi, hỗ trợ các đồng đội và Croatia rất cần điều đó. Ở World Cup năm 1998, Croatia từng có một cầu thủ như thế là Zvonimir Boban, một tên tuổi lớn, một nhân cách lớn”.
Điều Suker thấy là điều... ai cũng thấy. Sáu năm ở Real Madrid, "di sản" của Modric không chỉ nằm ở bốn danh hiệu vô địch Champions League. Trên thánh đường Santiago Bernabeu, một Modric tài hoa và sáng tạo trước đó ở Tottenham đã vươn mình để trở thành tiền vệ trung tâm hàng đầu thế giới (nếu không muốn nói là số một).
Real là đội bóng tàn nhẫn bậc nhất, song "Kền kền trắng" không tàn nhẫn nổi với Modric. Real có thể đẩy Cristiano Ronaldo đi, không ngại ngần cho Gareth Bale, Karim Benzema ngồi dự bị, nhưng vị trí của Modric là bất khả xâm phạm. Dù đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha có đội ngũ tuyển trạch trên khắp thế giới, sở hữu cơ ngơi đào tạo trị giá hàng trăm triệu euro và là điểm đến đáng mơ ước với mọi cầu thủ, việc tìm ra người hay hơn Modric ở vị trí vòng tròn trung tâm vẫn là nhiệm vụ không tưởng.
Vị thế của Modric ở Real cho thấy anh giỏi thế nào, song cách đây tròn 20 năm, không phải ai cũng thấy được tiềm năng to lớn của "ông chủ tuyến giữa" này.
Năm 12 tuổi, Modric nhận được lời mời đến thử việc cho từ Hadjuk Split - đội bóng yêu thích của tiền vệ này từ thuở nhỏ. Tưởng chừng số phận sẽ mỉm cười, nào ngờ Hadjuk Split thẳng thừng từ chối. Họ bảo một cậu bé nhỏ thó, mảnh khảnh như Modric sẽ không có tương lai. Buồn và tuyệt vọng, Modric thậm chí đã nghĩ đến việc từ bỏ bóng đá.
Hình như ngôi sao nào cũng từng nghĩ tới chuyện... bỏ bóng đá, hay sớm kết thúc sự nghiệp để chuyển sang con đường khác sáng sủa và dễ dàng hơn. Modric không phải ngoại lệ, nhưng ý chí sục sôi và khát vọng chứng tỏ bản thân bằng đôi chân gầy gò ẩn chứa tiềm năng như thùng thuốc nổ ấy không cho phép cậu bỏ cuộc.
Từ hiểm nguy, mặc cảm hay đói nghèo, Modric đã nếm trải tất cả ở độ tuổi còn chưa trưởng thành. Bất hạnh thay, nhưng cũng may mắn thay, bởi như tựa đề ca khúc nổi tiếng của Kelly Clarkson thì "thứ gì không giết được bạn sẽ khiến bạn trở nên mạnh mẽ hơn".
Buồng phổi của Modric được bơm căng từ trong khói bụi. Sức ép trên sân Luzhniki của hàng vạn khán giả trong trận bán kết với Anh và trận chung kết sắp tới với Pháp, có lẽ chỉ ngang... tiếng bom của quân đội Serbia là cùng. Một cậu bé từng mải mê chơi đùa cùng trái bóng trên lằn ranh sinh-tử sẽ biết cách để vượt qua biển lửa khó khăn.
Sau chiến thắng trước Anh, Modric cho rằng chính sự coi thường của đối thủ là động lực để Croatia tạo nên kỳ tích lịch sử này.
"Từ truyền hình, các nhà báo đến các chuyên gia ở Anh, họ đều đánh giá thấp Croatia. Đó là một sai lầm lớn.
Trước trận đấu, chúng tôi đã thống nhất với nhau rằng: phải cho họ biết ai sẽ là người mệt mỏi vào tối nay. Như tôi đã nói, nước Anh nên khiêm tốn và tôn trọng đối thủ. Croatia không hề mệt mỏi, chúng tôi đã chiến thắng trên khía cạnh".
Bình luận