Sáng nay (9/6), Chính phủ thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét, cho lùi việc thông qua Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt từ Kỳ họp thứ 5 sang Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 14 để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện.
* Chuyên gia Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương:
Tôi hoan nghênh quyết định này. Nó thể hiện sự cầu thị và lắng nghe của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đối với những ý kiến đóng góp mang tính rất xây dựng của nhân dân, các hiệp hội và các tầng lớp trí thức.
Tôi nghĩ, đây là bước khởi đầu quan trọng để Ban soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến và tổ chức việc sửa đổi, bổ sung các điều Luật này một cách nghiêm túc, dân chủ, công khai.
Theo tôi, chúng ta không chỉ nghiên cứu các đặc khu kinh tế như Thâm Quyến mà còn nên nghiên cứu cả các đặc khu kinh tế của Lào và Campuchia xem hiện nay các đặc khu ấy thế nào và tiếp thu được bài học gì quan trọng?
Do đó, một mặt tôi vui mừng, hoan nghênh quyết định này nhưng mặt khác tôi nghĩ rằng đây chỉ là bước đầu.
Luật Đặc khu cần tiếp tục được sửa đổi bằng một quá trình hết sức thực chất, dân chủ, với sự tham gia rộng rãi của báo chí, truyền thông, trên cơ sở công khai, minh bạch, dân chủ và đầy đủ các ý kiến khác nhau.
Dự Luật Đặc khu hiện tại còn tồn tại nhiều vấn đề. Tôi đề nghị bước khởi đầu, Ban soạn thảo nên tập hợp tất cả ý kiến khác nhau từ các hiệp hội, chuyên gia, trí thức và người dân, phân tích rạch ròi sau đó tổ chức xem xét, tiếp thu, bổ sung chỉnh sửa thế nào cho hợp lý.
* Chuyên gia Phạm Chi Lan - thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ từ năm 1996 – 2006:
Trước hết, tôi rất mừng vì Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã có quyết định đúng đắn là ngừng lại chưa thông qua Dự Luật Đặc khu để xem xét lại cho thấu đáo.
Khi có rất nhiều ý kiến của người dân và các chuyên gia như thời gian vừa qua thì Chính phủ và Quốc hội phải lắng nghe, đấy là điều bình thường. Và khi lắng nghe, thấy còn rất nhiều ý kiến trái chiều như vậy thì chưa thông qua, để bình tĩnh xem xét lại, điều đó là hoàn toàn đúng đắn.
Đây là quyết định rất đúng đắn của Chính phủ, Thường vụ Quốc hội. Tôi rất hoan nghênh những quyết định như vậy.
Bước cần thiết tiếp theo là phải xem lại toàn bộ những vấn đề trong Luật Đặc khu. Cần lấy đầy đủ ý kiến của những chuyên gia, những người, những hội đã có ý kiến, đã lên tiếng mạnh mẽ về dự Luật Đặc khu trong suốt thời gian qua.
Nên mời họ ngồi lại, lắng nghe họ nói cặn kẽ hơn, tại sao không đồng tình điều này, tại sao không đồng tình điều kia?
Tất cả những quan điểm, ý kiến của các tổ chức khác nhau hoặc cá nhân, chuyên gia rất cần được lắng nghe một các nghiêm túc, đầy dủ.
Nếu Ban soạn thảo có điều gì cần giải trình với người có ý kiến khác thì nhân đó đối thoại luôn chứ không nên im lặng rồi vu cho họ là phá hoại. Chuyện đó là không được và những cách đó là không thể được.
Bản thân tôi mừng vì Thường vụ Quốc hội, Chính phủ có ý kiến tốt như vậy. Đặc biệt, Thủ tướng trong khi đang đi công tác nhưng đã có những chỉ đạo kịp thời.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu. Bước rất quan trọng tiếp theo là phải bình tĩnh cùng ngồi bàn lại với nhau xem là nên thiết kế thế nào? Ý tưởng đặc khu không phải là ý tưởng có thể là gạt bỏ bây giờ.
Khi mọi người nói đặc khu bây giờ không thích hợp và khó hiệu quả là nói đặc khu theo luật này thiết kế còn bây giờ vẫn có những đặc khu được làm trên thế giới nhưng đó là đặc khu của thời hội hập quốc tế, của CM 4.0, của thị trường quốc tế, toàn cầu hóa.
Thời cách mạng 4.0 khác rất nhiều đặc khu của 20 – 30 năm, nên nếu chúng ta thiết kế đặc khu trên tinh thần mới với cơ sở hội nhập mạnh mẽ, mở cửa thị trường, sẵn sàng đón tiếp những dòng vốn đầu tư có chất lượng cao sẽ đưa được Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Nếu đặc khu kinh tế được thiết kế trên tinh thần đó thì vẫn có thể thành công.
Video: Chính phủ lùi thời gian thông qua Luật Đặc khu
Thời gian qua, có nhiều ý kiến nêu ra nên trưng cầu dân ý là bởi người ta bức xúc thấy Dự Luật có nhiều bất ổn. Đặc biệt là liên quan đến chủ quyền quốc gia, độc lập của đất nước về lâu dài và mối đe dọa đến từ bên ngoài. Bên cạnh đó, thái độ của người soạn thảo không tiếp thu, cũng không đối thoại nên người ta mới đòi hỏi trưng cầu dân ý.
Thời gian tới, nếu chúng ta thiết kế được Dự Luật Đặc khu tốt, xin ý kiến dân trước khi đưa ra Quốc hội thì không nhất thiết phải trưng cầu dân ý.
Khi đã có hàng triệu người dân lên tiếng qua các kênh khác nhau mà Quốc hội biết lắng nghe thì đó là kịp thời. Tôi rất mừng là lần này chúng ta có giải pháp tốt hơn.
Tôi hiểu tinh thần ngừng lại thế này là Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã thực sự biết lắng nghe dân. Cứ ngồi lại, trả lời những câu hỏi của người dân và lắng nghe các ý kiến phản biện xem họ nói thế nào?
Tôi ủng hộ Luật Đặc khu chung cho tất cả, còn chọn đặc khu nào là việc của sau này. Trên cơ sở chung đó, rất cần nêu lên thế nào là đặc khu, đặc khu để làm gì và phải đạt mục tiêu gì?
Sau đó mới xem nơi nào đáp ứng được các điều kiện để có thể đề xuất thành lập đặc khu.
Chúng ta cũng phải luôn nhớ rằng, đặc khu không chỉ cho bản thân đặc khu đó mà còn phải có tác động để thử nghiệm chính sách chung để áp dụng được cho các nơi khác. Tiếp nữa là, đặc khu phải có tác động lan tỏa, gắn kết với các nơi khác xung quanh chứ không phải là một hòn đảo độc lập.
Bình luận