Tuyến cáp quang biển quốc tế Liên Á - IA theo hai hướng đi Hồng Kông và đi Mỹ đã gặp sự cố đứt cáp từ ngày 27/6/2016. Cùng thời điểm này, tuyến cáp quang biển châu Á - Thái Bình Dương (AAG) đang trong quá trình báo dưỡng đã gặp sự cố rò nguồn tuyến dẫn đến mất một phần dung lượng quốc tế của Viettel đi Singapore. Đến ngày 4/7/2016, lỗi rò nguồn của AAG được khắc phục hoàn toàn và tuyến cáp này được đưa vào sử dụng bình thường trở lại.
Bên cạnh đó, trong thông báo phát ra ngày 9/7/2016, Viettel cho biết, để khắc phục hoàn toàn sự cố mà tuyến cáp quang biển IA đang gặp phải, nhà mạng này đã làm việc với đối tác Tata - đơn vị chủ quản tuyến cáp IA phân đoạn Singapore về việc sửa chữa tuyến cáp Liên Á. Khi đó, kế hoạch sửa chữa tuyến cáp quang biển này được dự kiến kéo dài trong 1 tuần, bắt đầu từ ngày 12/7 và hoàn tất vào ngày 19/7/2016; trong quá trình hàn nối cáp, sẽ phải cắt nguồn nên mất toàn bộ dung lượng đi trên tuyến cáp Liên Á, kết nối sẽ bị mất.
Trong trao đổi với PV, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam có sử dụng tuyến cáp quang biển Liên Á như Viettel, CMC Telecom, NetNam, FPT đều cho biết đã triển khai các phương án dự phòng, tiến hành bổ sung dung lượng từ tuyến cáp trên đất liền và các tuyến cáp quang biển khác để bù đắp dung lượng bị mất do cáp Liên Á gặp sự cố, đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp tới các khách hàng.
Cụ thể, Viettel công bố đã thực hiện bổ sung 30% dung lượng quốc tế tại thời điểm tuyến cáp Liên Á gặp sự cố. Tiếp đó, sau khi lỗi rò nguồn của AAG được khắc phục hoàn toàn (ngày 4/7), nhà mạng này đưa tuyến cáp vào sử dụng bình thường, giúp vu hồi cho tuyến Liên Á. Bên cạnh đó, trong thời gian khoảng 1 tuần tuyến cáp Liên Á được bảo dưỡng, Viettel dự định sẽ bổ sung 160Gbps dung lượng cho các tuyến dự phòng qua Trung Quốc và tuyến AAG Việt Nam - Hồng Kông.
Cùng với Viettel, CMC Telecom và NetNam cũng là những nhà mạng sử dụng nhiều dung lượng trên tuyến cáp Liên Á. Cả CMC Telecom và NetNam đều đang sử dụng khoảng 40% dung lượng qua tuyến cáp quang biển Liên Á. Chia sẻ về phương án ứng phó với việc tuyến cáp Liên Á gặp sự cố và sẽ phải cắt nguồn hoàn toàn trong khoảng 1 tuần để bảo dưỡng, sửa chữa, NetNam cho biết trong khoảng 1 tuần này, bên cạnh việc chuyển toàn bộ lưu lượng trên tuyến Liên Á sang tuyến cáp dự phòng, đồng thời cũng chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch bổ sung các hướng cáp khác như tuyến AAG, tuyến cáp đất liền để phòng các sự cố phát sinh trong thời gian cáp Liên Á sửa chữa.
Còn với CMC Telecom, trong thông báo gửi tới các khách hàng được đăng tải trên website của doanh nghiệp tại địa chỉ cmctelecom.vn, nhà mạng này cho biết: “Để đảm bảo dịch vụ cho khách hàng trong thời gian sửa chữa tuyến cáp, CMC Telecom đã chuyển lưu lượng sang tuyến cáp quang đi quốc tế trên đất liền và sẽ cố gắng đảm bảo chất lượng dịch vụ tới người sử dụng”.
Mặc dù các nhà mạng đều đã triển khai các phương án dự phòng, bổ sung dung lượng kết nối để đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp tới các khách hàng. Tuy nhiên, phản ánh từ người dùng Internet Việt Nam trong khoảng 2 tuần gần đây, trong khi các giao dịch, trao đổi thông tin trong nước hầu như không bị ảnh hưởng thì việc liên lạc trao đổi thông tin của người dùng trong nước đi quốc tế như dịch vụ web, email, video… bị chậm do lưu lượng chuyển sang các hướng dự phòng và có khả năng gây nghẽn. Trong thông báo của Viettel, nhà mạng này cũng thừa nhận, một số ứng dụng khách hàng đang được kết nối trực tiếp tại Singapore có thể vẫn bị trễ do một phần dung lượng đi trên tuyến Liên Á đang bị lỗi phải vòng qua Hồng Kông thông qua tuyến AAG.
Tương tự, trong thông báo gửi khách hàng của mình, cùng với việc nhấn mạnh đây là sự cố không mong muốn, gây ảnh hưởng tới tất cả các nhà mạng tại Việt Nam, CMC Telecom cho hay trong quá trình hàn nối cáp Liên Á, việc truy nhập Internet quốc tế của khách hàng có thể bị ảnh hưởng. Trao đổi với ICTnews ngày 14/7/2016, đại diện CMC Telecom cho biết thêm, trong khoảng 1 tuần cáp quang biển Liên Á được bảo dưỡng, sửa chữa, các khách hàng doanh nghiệp của CMC sẽ không bị ảnh hưởng, còn dịch vụ của các khách hàng là hộ gia đình có thể bị chậm hơn.
Tuy nhiên, vào chiều nay, ngày 14/7/2016, trong thông báo kế hoạch bảo dưỡng tuyến cáp quang biển Liên Á được đăng tải trên website của CMC Telecom, thời gian sửa chữa, bảo dưỡng tuyến cáp này đã được điều chỉnh thành "bắt đầu từ ngày 15/7 đến khoảng 7h ngày 20/7/2016", thay cho kế hoạch cũ là "từ ngày 12/7 đến 19/7/2016". Thông tin lùi thời gian sửa chữa tuyến cáp Liên Á đã được Viettel xác nhận. Nhưng đại diện Viettel cho biết thêm đây vẫn là kế hoạch dự kiến và rất có thể đơn vị quản lý tuyến cáp sẽ tiếp tục có sự điều chỉnh tùy theo tình hình thực tế.
Tuyến cáp quang biển Liên Á được khai trương và đưa vào hoạt động từ ngày 6/11/2009. Tuyến cáp quang biển này có tốc độ truyền dữ liệu theo thiết kế lên tới 3,84 Tbps, với tổng số vốn đầu tư ban đầu là 200 triệu USD và cung cấp dung lượng đầu cuối ban đầu là 320 Gbps. Tuyến cáp Liên Á kết nối Singapore, Việt Nam, Philippines, Hồng Kông, Nhật Bản với tổng chiều dài 6.800 km. Tiếp đó, vào cuối tháng 9/2015, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương Viettel tham gia nâng cấp dung lượng và chuyển đổi công nghệ trên tuyến cáp quang biển Liên Á.
Bình luận