Có hai con đang học trường cấp 2 và cấp 3, chị Bùi Thị Lan Anh (Hà Nội) cho biết theo kế hoạch của trường, dự kiến đến giữa tháng 7 mới kết thúc năm học 2019-2020. Hiện trường chưa thông báo về thời gian tựu trường. Nhưng như những năm học trước thì giữa tháng 8 học sinh sẽ đến trường để chuẩn bị cho năm học mới. Như vậy có khoảng một tháng để nghỉ hè để các con nghỉ hè.
Vị phụ huynh này cho rằng thời gian 1 tháng nghỉ hè là chưa đủ để học sinh nghỉ ngơi, lấy lại sức. “Thời tiết tháng 8 vẫn còn nắng nóng gay gắt, tôi lo các con không đảm bảo sức khỏe khi bước vào năm học mới”.
Là giáo viên trường THPT Việt Đức (Hà Nội), tham gia giúp học sinh lớp 12 ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, chị Lan Anh mong thời gian nghỉ hè kéo dài thêm ít nhất hai tuần để chị có thời gian nghỉ ngơi, đưa con đi du lịch sau một năm học vất vả với nhiều biến động.
Về ý kiến trước đó học sinh có 3 tháng nghỉ tránh dịch COVID-19 nên không cần thiết kéo dài thời gian nghỉ hè, giáo viên này cho rằng đây là hai phạm trù khác nhau.
“Nghỉ học vì dịch nhưng thực tế các con vẫn học trực tuyến với số buổi học, lượng kiến thức không khác. Vẫn phải làm bài kiểm tra, đánh giá theo chương trình học. Hơn nữa, nghỉ hè là khoảng thời gian các con được xả hơi, được đi chơi, trải nghiệm cuộc sống chứ không phải ở nhà cả ngày như nghỉ dịch”, chị phân tích.
Chị Bùi Thị Lan Anh đề xuất lùi thời gian tựu trường, phù hợp với tất cả các cấp học. Nhiều năm gần đây, học sinh đi học được 2 – 3 tuần rồi mới bắt đầu khai trường khiến ngày khai giảng mất đi ý nghĩa vốn có.
“Khai giảng là mở đầu cho năm học mới nhưng trẻ đi học trước đó rồi, còn đâu sự hào hứng, tươi vui của ngày đầu tiên đến lớp sau kỳ nghỉ hè. Chưa kể năm nay còn dịch bệnh nữa nên nếu có thể hãy để ngày tựu trường chính là ngày bắt đầu năm học mới”, vị phụ huynh này bày tỏ.
Cùng quan điểm, theo thầy giáo Ngô Lê Nhật Hoàng (trường THPT Phan Bội Châu, Khánh Hòa), cả học sinh và giáo viên đều cần có khoảng thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động trước năm học mới.
“Không nên đánh đồng nghỉ dịch và nghỉ hè là giống nhau, dù thời gian nghỉ vì dịch bệnh dài hơn cả nghỉ hè. Tuy nghỉ để tránh dịch nhưng các em vẫn học online, học trên truyền hình”, anh nói. Chưa kể ở các thành phố lớn nhiều phụ huynh có công việc bị ảnh hưởng do dịch bệnh cần khoảng thời gian để đi làm, tích lũy tài chính để chuẩn bị các khoản học phí cho năm học mới.
Thầy giáo Hoàng cho hay, các khối lớp đang trong thời gian ôn tập chuẩn bị cho thi học kỳ II, dự kiến đến đầu tháng 7 mới kết thúc năm học. Mặc dù theo quy định năm học 2019-2020 sẽ kết thúc muộn nhất vào giữa tháng 7, nhưng với học sinh lớp 9 và lớp 12 sẽ tiếp tục thời gian ôn tập và xét tuyển đến giữa và cuối tháng 8.
“Tôi cho rằng nên để giữa hoặc cuối tháng 9 là hợp lý nhất”, anh nói.
Đang ôn tập chuẩn bị cho thi học kỳ II, em Lê Hải Yến, học sinh lớp 11 ở Vĩnh Phúc cho biết đã nhận được thông báo của trường là bế giảng vào ngày 15/7. Mặc dù kết thúc năm học muộn hơn những năm trước nhưng nữ sinh này mong muốn không bị bớt thời gian nghỉ hè quá nhiều.
“Dù đợt vừa rồi được nghỉ học 3 tháng nhưng em vẫn muốn có được một kỳ nghỉ hè thoải mái, thảnh thơi. Tinh thần thoải mái mới bước vào năm cuối cấp với tâm thế vững vàng, như vậy việc học tập cũng nhẹ nhàng hơn”, em chia sẻ.
Bộ GD&ĐT cân nhắc
Ngày 16/6, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ đang cân nhắc việc sẽ dời khung kế hoạch năm học 2020-2021, tức lùi thời gian tựu trường so với mọi năm, sát với khai giảng 5/9, tăng thời gian nghỉ hè cho học sinh.
Theo khung thời gian năm học được điều chỉnh, các trường kết thúc năm học trước ngày 15/7, nhưng sau đó kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra đến ngày 11/8. Bộ đang cân nhắc, tính toán điều chỉnh mốc thời gian tựu trường năm học tới, sớm nhất không phải là ngày 1/8, mà là sau ngày 15/8.
Tuy nhiên, quãng thời gian tựu trường trước khai giảng cũng sẽ không tổ chức dạy học mà để ổn định tổ chức, chuẩn bị các hoạt động đầu năm và tâm thế cho học sinh.
Bình luận