• Zalo

Luật sư phân tích lý do vì sao chưa bầu đại diện ThaiBev vào HĐQT Sabeco

Kinh tếThứ Tư, 04/04/2018 11:00:00 +07:00 Google News

"Nếu không có sự nhượng bộ từ HĐQT cũ của Sabeco, mà thực chất là Bộ Công Thương, thì có lẽ ThaiBev vẫn phải chờ đợi thêm vài tháng nữa để đủ 6 tháng nắm giữ cổ phần", Luật sư Trương Anh Tú cho biết.

Vừa qua, Văn phòng Chính phủ có công văn yêu cầu Bộ Công Thương xử lý kiến nghị của Công ty Thai Beverage Public (Thaibev) về việc công ty này không được cử người tham gia vào Hội đồng Quản trị và nắm quyền điều hành trong CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

Xoay quanh câu chuyện này có nhiều ý kiến khác nhau. Chúng tôi đã tham vấn ý kiến của Luật sư Trương Anh Tú – Chủ tịch TAT Law firm - để có nhìn nhận khách quan về sự việc dưới góc độ pháp lý.

luat su truong anh tu

Luật sư Trương Anh Tú – Chủ tịch TAT Law firm 

Luật sư Tú phân tích: Ở góc độ Luật Doanh nghiệp 2015, thành viên của HĐQT là do Đại hội đồng cổ đông bầu ra, miễn nhiệm, bãi nhiệm (theo quy định tại điểm c, Khoản 2, Điều 135 Luật Doanh nghiệp 2015). Bởi vậy, dù Công ty Thaibev nắm hơn 53% cổ phần trong Sabeco  nhưng việc bầu cử người của Công ty Thaibev vào HĐQT của Sabeco vẫn phải thông qua Đại hội đồng cổ đông theo luật định.

Cũng theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 136 Luật Doanh nghiệp 2015, Đại hội đồng cổ đông họp mỗi năm 1 lần trong thời hạn 4 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính (31/12 hàng năm); Ngày này có thể được gia hạn nhưng không quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính (31/12).

Tính đến thời điểm này thì chưa hết thời hạn nêu trên nên việc Sabeco chưa tiến hành Đại hội đồng cổ đông để có thể bầu ra thành viên HĐQT là lẽ bình thường.

Tham chiếu với Điều lệ của Sabeco, điểm e khoản 2 điều 16 Điều lệ Sabeco quy định Đại hội đồng cổ đông thường niên và bất thường thông qua quyết định các vấn đề: “Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm và thay thế thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Báo cáo tiền thù lao của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát”.

Điều lệ này phù hợp với quy định tại Điều 135 Luật Doanh nghiệp.

Theo Khoản 3, Điều 13 của Điều lệ Sabeco đã có quy định cổ đông hoặc nhóm cổ đông nắm giữ trên 5% tổng số cổ phần phổ thông trong thời hạn liên tục từ 6 tháng trở lên thì có quyền đề cử các ứng viên HĐQT. Theo đó, thời gian nắm giữ cổ phần của Thaibev chưa đủ thời hạn theo quy định tại Điều lệ này.

Ngoài ra, Khoản 6 điều 26 Điều lệ Sabeco có quy định về việc bổ sung thành viên Hội đồng quản trị còn khuyết: “Hội đồng quản trị có thể bổ nhiệm người khác làm thành viên Hội đồng quản trị tạm thời để thay thế chổ trống phát sinh”, tuy nhiên trên thực tế yêu cầu bổ nhiệm này chỉ là tiền đề để Đại hội đồng cổ đông thông qua ngay sau đó, khi đó các thành viên Hội đồng quản trị này được bầu tại Đại hội cổ đông mới thực sự trở thành thành viên Hội đồng quản trị.

Mặt khác, việc “Hội đồng quản trị có thể bổ nhiệm….” - đây là quyền, không phải là nghĩa vụ. Việc bổ nhiệm này phụ thuộc hoàn toàn vào sự xem xét và ra quyết định của HĐQT. Điều khoản này không có nghĩa vụ ràng buộc thực hiện đối với HĐQT.

Bên cạnh đó, quy định tại khoản 6 điều 26 này của điều lệ Sabeco cũng không còn phù hợp theo Thông tư 95/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn áp dụng một số điều của Nghị định 71/2017 hướng dẫn quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng (thay thế Thông tư số 121/2012/TT-BTC ngày 26/7/2012 của Bộ Tài chính quy định quản trị áp dụng cho các công ty đại chúng).

Từ những viện dẫn trên, việc bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị của công ty TNHH Viet Nam Beverage phải bầu thông qua Đại hội cổ đông theo quy định tại điều lệ Sabeco và Luật Doanh nghiệp.

Công ty ThaiBev đã thâu tóm thành công hơn 53,5% cổ phần trong Sabeco với tổng giá trị gần 5 tỷ USD, trở thành cổ đông lớn hiện hữu của Sabeco thì trước khi vào cuộc, chắc chắn công ty ThaiBev đã tìm hiểu rất kỹ “luật chơi” cũng như các điều lệ, quy định của Sabeco và đồng ý với những quy định đó.

Bởi vậy, ThaiBev trước tiên nên tôn trọng, thực hiện theo Điều lệ Sabeco và pháp luật doanh nghiệp của Việt Nam, việc trình kiến nghị lên Văn phòng Chính phủ để gây sức ép với Sabeco là việc làm nôn nóng và sẽ gây ra những dư luận nhiều chiều, có thể ảnh hưởng không tốt đến các thương vụ M&A của nhà đầu tư nước ngoài hiện đang và sắp diễn ra sôi động tại Việt Nam.

Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho nhà đầu tư và vì lợi ích của doanh nghiệp, Sabeco đã thông báo tiến hành cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường vào ngày 23/4 tới đây để bầu đủ 7 thành viên HĐQT theo Điều lệ của Sabeco so với 4 nhân sự hiện nay.

Video: Bộ Công Thương lên tiếng trước kết quả kiểm toán Sabeco

Cả 3 thành viên mới của HĐQT được bầu tại Đại hội cổ đông bất thường tới đây của Sabeco đều do Bộ Công thương giới thiệu. Trong đó, có 1 thành viên là đại diện cho Thaibev và 2 thành viên khác là thành viên HĐQT độc lập, đúng theo quy định hiện hành của điều lệ Sabeco. Như vậy là đã có sự nhượng bộ và tạo điều kiện cho ThaiBev – nhà đầu tư nắm giữ cổ phần lớn nhất của Sabeco hiện nay.

Nếu không có sự nhượng bộ từ HĐQT cũ của Sabeco, mà thực chất là Bộ Công Thương, thì có lẽ ThaiBev vẫn phải chờ đợi thêm vài tháng nữa để đủ 6 tháng nắm giữ cổ phần, theo quy định tại khoản 3, Điều 13 của Điều lệ Sabeco mới có thể tham gia điều hành doanh nghiệp này, cụ thể là vào ngày 18/6/2018.

Được biết, ngày 15/3/2018, Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã ra thông báo về việc tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2018 vào tháng 4/2018. Ngày cuối cùng đăng ký tham dự cuộc họp bất thường này là 6/4/2018.

Cuộc họp này nhằm mục đích bầu bổ sung thành viên vào HĐQT của công ty khi trước đó Vietnam Beverage (do ThaiBev, doanh nghiệp của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi sở hữu 49% vốn) chi hơn 5 tỷ USD thâu tóm hơn 53,59% vốn Sabeco.

Thông báo này đã được Sabeco công bố trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh. 

PV
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn